Võ nghệ thực chất chưa hẳn là yếu tố quyết định mức độ được tín nhiệm của các hảo hán Lương Sơn. Trường hợp của Võ Tòng là một minh chứng tiêu biểu cho quan điểm này.
Có ý kiến cho rằng, một người có được trọng dụng hay không, mấu chốt nằm ở chỗ họ có nhận được sự tín nhiệm từ phía lãnh đạo hay không.
Nếu đem quan điểm này áp dụng vào trong “Thủy Hử truyện”, không khó để nhận thấy các hảo hán Lương Sơn được trọng dụng nhất thực chất chính là những người có được sự tin tưởng từ đầu lĩnh Tống Giang.
Điều này vốn không chỉ phụ thuộc vào yếu tố võ nghệ. Bởi người có võ công cao mà không tận lực góp sức thì cũng chẳng bằng người có võ công thấp mà dám xông pha, liều mạng. Đó mới thực sự là mấu chốt của sự trọng dụng trong nội bộ Lương Sơn Bạc.
Theo xếp hạng của trang Sohu, nhìn lại những trận chiến nổi bật của tập đoàn Lương Sơn, có thể dễ dàng thấy được có 10 nhân vật được Tống Giang rất mực tín nhiệm khi thường xuyên được cắt cử vào những vị trí quan trọng.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, bảng xếp hạng này lại thiếu đi tên tuổi của nhiều cao thủ võ thuật nổi danh Lương Sơn, mà anh hùng đả hổ Võ Tòng cũng nằm trong số đó.
Vị trí thứ mười: Từ Ninh
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Có thể nói, việc Từ Ninh lên Lương Sơn tụ nghĩa là sự việc phát sinh trong hoàn cảnh bất ngờ. Ở vào thời điểm Lương Sơn Bạc đang tổn thất nặng nề trước kế sách của Hô Diên Chước, Thanh Long đã là người tiến cử Từ Ninh.
Kết quả là sau khi gia nhập cùng đội ngũ hảo hán này, Từ Ninh đã biểu hiện hết sức xuất sắc. Dưới sự huấn luyện của ông, quân Lương Sơn rất nhanh đã hiểu rõ câu liêm thương, nhờ đó mà phá được “thiết giáp liên hoàn mã” của Hô Diên Chước.
Cũng từ sau chiến công này, Từ Ninh dần có được địa vị vững chắc trong lòng Tống Giang. Sau này mỗi lần xuất binh, vị hảo hán họ Từ cũng nghiễm nhiên được đầu lĩnh trọng dụng.
Vị trí thứ chín: Lâm Xung
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Trên phương diện võ nghệ, tài năng của Lâm Xung được đánh giá rất cao. Hơn nữa bản thân ông cũng là nhân vật có tiếng nói và vị thế vững chắc tại Lương Sơn bạc.
Vừa là người có võ công cao cường lại có năng lực tác chiến mạnh, Tống Giang đương nhiên sẽ không bỏ qua nhân tài xuất chúng như Lâm giáo đầu.
Đây cũng là lý do mà trong nhiều trận chiến quan trọng của Lương Sơn như Chúc gia trang, Tăng Đầu thị hay trận đánh phủ Thanh Châu, Lâm Xung luôn có mặt trong hàng ngũ các chiến tướng chủ lực. Bản thân vị hảo hán này cũng nhiều lần vào sinh ra tử, lập được không ít chiến công.
Vị trí thứ tám: Vương Anh
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Việc Vương Anh xuất hiện trong bảng xếp hạng những hảo hán được trọng dụng nhất Lương Sơn sẽ khiến cho nhiều người ngạc nhiên.
Thế nhưng sự thực là Tống Công Minh thực chất cũng nhiều lần tín nhiệm nhân vật này. Thái độ ấy của Tống đầu lĩnh có liên quan tới Hổ Tam Nương hay không cũng là điều chưa ai dám khẳng định.
Tuy nhiên, Vương Anh chắc chắn sở hữu một ưu điểm rất được Tống Giang tán thưởng: Mặc dù không sở hữu võ công quá xuất sắc, nhưng bản thân ông trên chiến trường là một người liều mạng và dũng mãnh xông pha như thể không sợ hãi bất cứ điều gì.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, ngay tới “Oải Cước Hổ” (Hổ chân ngắn) Vương Anh cũng xuất hiện trong danh sách những người được tín nhiệm thì người anh hùng đả hổ Võ Tòng thậm chí còn không được xướng tên trong bảng xếp hạng này.
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Theo quan điểm của QQ News, việc vị hảo hán họ Võ có được thứ hạng cao trong Lương Sơn phần là bởi ông từng kết giao với Lỗ Trí Thâm (nhân vật này ngồi ghế thứ 13), hơn nữa lại là huynh đệ kết nghĩa với Tống Giang.
Thế nhưng ngay cả khi là anh em trên danh nghĩa với Tống Công Minh, Võ Tòng cũng không nhận được bất kỳ đãi ngộ hay chiếu cố đặc biệt nào. Điều này một mặt nói lên sự công chính của Tống Giang, mặt khác lại gián tiếp chứng minh mối quan hệ có nhiều rạn nứt giữa ông và vị hảo hán đả hổ này.
Còn theo lý giải của Sohu, nguyên nhân chủ yếu là bởi Võ Tòng sau khi lên Lương Sơn đã có thái độ không mấy tích cực, căn bản không để tâm tới việc ra chiến trường, cũng không muốn bán mạng vì Tống Giang, cho nên vị thủ lĩnh họ Tống tự nhiên sẽ không trọng dụng người thiếu tận tâm như vậy.
Có ý kiến lại chỉ ra rằng, Tống Giang ban đầu thực chất cũng có trọng dụng Võ Tòng, bởi ông tin rằng người huynh đệ kết nghĩa này sẽ một mực ủng hộ mình. Tuy nhiên ở vào thời điểm đề cập tới nguyện vọng chiêu an, Võ Tòng lại là một trong số những người phản đối gay gắt nhất.
Sau việc này, Tống Công Minh nhận ra rằng vị hảo hán họ Võ ấy vốn không phải kiểu người mà dù huynh trưởng làm gì cũng sẽ dốc lòng ủng hộ. Chính sự khác nhau trong chí hướng đã khiến cặp huynh đệ kết nghĩa này ngầm trở thành những kẻ không chung đường.
Vị trí thứ bảy: Hàn Thao
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Sở hữu biệt hiệu là Bách thắng tướng quân nhưng lại không phải là người bách chiến bách thắng lúc xung trận, tên tuổi của Hàn Thao từng không ít lần bị đem ra châm biếm.
Dù không sở hữu võ công quá mức xuất sắc, nhân vật này lại được Tống Giang tín nhiệm nhờ năng lực tác chiến được xếp vào hàng tương đối mạnh.
Đây cũng là lý do khiến vị hảo hán họ Hàn dù không quá nổi bật trên phương diện nào nhưng lại rất được đầu lĩnh trọng dụng.
Vị trí thứ sáu: Hoàng Tín
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Một nhân vật khác sở hữu biệt danh oai hùng không kém Bách Thắng tướng Hàn Thao chính là “Trấn Tam Sơn” Hoàng Tín – cấp dưới và được xem như học trò của Tích Lịch Hỏa Tần Minh.
Mặc dù võ nghệ của Hoàng Tín không thể vượt mặt Tần Minh, thế nhưng ông lại kế thừa trọn vẹn tinh thần dũng mãnh đến mức không màng sinh tử của vị hảo hán họ Tần.
Xét trên một khía cạnh khác, Hoàng Tín mặc dù không giỏi võ bằng Tần Minh nhưng lại sở hữu đầu óc tỉnh táo hơn, xử sự không hề sợ hãi, được đánh giá là tương đối mưu lược.
Ưu điểm này hiện rõ nhất trong kế sách giả mời Hoa Vinh đến dự tiệc rồi bắt giam, khi ấy Hoàng Tín còn làm quan.
Vị trí thứ năm: Tần Minh
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Nếu đã nhắc tới người “học trò” ưu tú là Trấn Tam Sơn Hoàng Tín, tất nhiên không thể bỏ qua tên tuổi của vị “sư phụ” xuất sắc – Tích Lịch Hỏa Tần Minh.
Theo Sohu, sự tín nhiệm của Tống Giang dành cho nhân vật này thể hiện rõ nhất qua chi tiết: Một trong những việc được Tống Công Minh ưu tiên thực hiện sau khi lên Lương Sơn chính là chiêu dụ bằng được Tần Minh, thậm chí còn đem em gái của Hoa Vinh gả cho vị hảo hán ấy.
Sau này, Tần Minh phần vì cảm kích Tống Giang, phần vì muốn báo đáp ân tình nên đã dốc hết tâm sức vì huynh trưởng và Lương Sơn.
Vị trí thứ tư: Lý Quỳ
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Là một trong những tâm phúc hàng đầu của Tống Công Minh, việc Lý Quỳ có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng những người được tín nhiệm nhất Lương Sơn cũng không hề khó hiểu.
Chẳng những là người hết lòng vì huynh trưởng, Hắc Toàn Phong họ Lý này còn sở hữu sức khỏe được xem là mạnh nhất nhì trong số 108 huynh đệ.
Dù hành xử ít nhiều có phần lỗ mãng, nhưng chính sự trung thành, tín nghĩa và tính cách dám xông pha đã giúp Lý Quỳ trở thành một trong những huynh đệ đắc lực nhất mà Tống Giang sở hữu.
Vị trí thứ ba: Đới Tông
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Tương tự như Lý Quỳ, Đới Tông cũng là một trong những tâm phúc luôn dành cho Tống Công Minh sự ủng hộ đúng lúc đúng chỗ.
Mặc dù không có thế mạnh về võ nghệ, nhưng vị hảo hán họ Đới là cánh tay đắc lực của Lương Sơn trong việc truyền tin. Đây cũng lý do khiến Đới Tông từng được huynh trưởng tin tưởng giao cho nhiều trọng trách quan trọng.
Vị trí thứ hai: Ngô Dụng
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Là quân sư đầu não của tập đoàn Lương Sơn, Ngô Dụng chẳng những có thứ hạng cao trong số 108 hảo hán mà còn rất được Tống Giang tín nhiệm và trọng dụng.
Cũng giống như Đới Tông, Ngô Dụng không sở hữu thế mạnh về võ nghệ hay năng lực tác chiến. Tuy nhiên hầu hết những đường đi nước bước cũng như chiến thắng làm nên tên tuổi của Lương Sơn đều có sự đóng góp không nhỏ từ các mưu kế của nhân vật này.
Vị trí thứ nhất: Hoa Vinh
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Đứng đầu trong số những hảo hán được Tống Giang trọng dụng nhất Lương Sơn chính là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh – người bạn thân của ông từ khi còn làm quan cho triều đình.
Sinh thời, Hoa Vinh chẳng những sở hữu tài bắn cung “bách bộ xuyên dương” mà còn giỏi huấn luyện chiến mã, lại luôn hết lòng vì nghĩa, được mệnh danh là bậc anh hùng trí dũng song toàn.
Chính những ưu điểm này cùng mối giao tình của ông với Tống Giang đã giúp Hoa Vinh trở thành cánh tay phải của đầu lĩnh Lương Sơn.
Sau khi gia nhập tập đoàn chính trị này, Hoa Vinh trở thành một trong Mã Quân Bát Hổ Tiên Phong Tướng và là người đứng đầu trong tám tướng tiên phong.
Tài bắn cung của nhân vật này đã góp công lớn trong nhiều lần chinh phạt của quân Lương Sơn. Thêm vào đó, uy tín của Hoa Vinh cũng đã thuyết phục được nhiều người gia nhập Lương Sơn dưới là cờ “Thế thiên hành đạo”.
Theo Trí thức trẻ/Soha
Link