Một trong những cách tốt nhất để “chống lại” bệnh ung thư đang gây nỗi ám ảnh cho hàng chục triệu người trên toàn thế giới là phát hiện sớm các dấu hiệu, để tăng cơ hội sống sót.
Bạn thực hiện một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và thường xuyên tập thể dục nhưng cũng giống như những người đàn ông khác, bạn lại không bao giờ kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thói quen này không hề tốt chút nào vì bạn có thể bỏ qua cơ hội phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
Một trong những cách tốt nhất để “chống lại” căn bệnh đang gây nỗi ám ảnh cho hàng chục triệu người trên toàn thế giới là phát hiện sớm các dấu hiệu để tăng cao cơ hội sống sót. Vấn đề ở chỗ là nhiều dấu hiệu cảnh báo cho một số loại ung thư rất mơ hồ.
Hãy thận trọng với 15 dấu hiệu ung thư ở nam giới phổ biến sau đây.
1. Các vấn đề về tiểu tiện
Nhiều nam giới đều gặp phải một hoặc nhiều vấn đề trong việc tiểu tiện khi lớn tuổi như:
– Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
– Tiểu nhỏ giọt, rò rỉ nước tiểu
– Khó khăn khi bắt đầu đi tiểu
– Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu
Nguyên nhân thường là do tuyến tiền liệt phì đại nhưng đôi khi đó cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt. Bạn hãy đi khám chuyên khoa nếu thấy có những dấu hiệu trên. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm PSA trong máu để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
2. Thay đổi ở tinh hoàn
“Nếu thấy một khối u và cảm thấy nặng nề hoặc nhận thấy bất kỳ thay đổi nào khác trong tinh hoàn, đừng trì hoãn việc đi khám.
Không giống như ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, ung thư tinh hoàn có thể chỉ xuất hiện sau 1 đêm”, bác sĩ Herbert Lepor, trưởng khoa tiết niệu trung tâm y tế Langone thuộc đại học New York cho biết.
Bác sĩ sẽ xác định tình trạng của bạn thông qua việc thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và siêu âm bìu.
3. Có máu trong phân hoặc nước tiểu
Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư bàng quang, thận hay đại tràng. Nếu gặp phải tình trạng này, tốt hơn hết bạn nên đến bác sĩ khám.
Khi thấy dấu hiệu này, nhiều người nghĩ rằng đó có thể là do bệnh trĩ hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng bạn vẫn nên đi khám để được điều trị kịp thời.
4. Thay đổi ở da
Khi bạn thấy có sự thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc của nốt ruồi hoặc các đốm trên da, hãy đến bác sĩ khám càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu này có thể liên quan đến ung thư da.
Bạn cần phải kiểm tra, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết và sinh thiết (lấy một miếng mô nhỏ để xét nghiệm).
5. Những thay đổi ở hạch bạch huyết
Sưng hạch bạch huyết, tuyến có hình dạng nhỏ như hạt đậu trong cổ, nách hay những vị trí khác, thường là dấu hiệu một điều gì đó đang xảy ra trong cơ thể. Thông thường, điều đó có nghĩa là hệ miễn dịch đang chiến đấu với một số bệnh nhiễm trùng như đau họng hoặc cảm lạnh.
Nhưng có một số bệnh ung thư có thể khiến hạch bạch huyết sưng. Nếu các hạch bạch huyết sưng lên và không xẹp xuống trong vòng 2 – 4 tuần, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
6. Khó khăn khi nuốt
Một số người gặp vấn đề khó nuốt trong thời gian dài. Nhưng nếu tình trạng khó nuốt đi kèm với nôn mửa hoặc sụt cân, bạn nên đến bác sĩ ngay. Đây thường là dấu hiệu của ung thư cổ họng hoặc ung thư dạ dày.
7. Ợ nóng
Hầu hết các trường hợp ợ nóng đều biến mất khi bạn thực hiện một chế độ ăn thích hợp, bỏ thói quen uống rượu và học cách quản lý căng thẳng.
Tuy nhiên, nếu sau khi thay đổi lối sống mà tình trạng ợ nóng vẫn không được cải thiện, hãy đi khám bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu ung thư dạ dày hoặc ung thư cổ họng.
Ợ nóng cũng có thể dẫn đến tình trạng Barrett thực quản, xảy ra khi axit dạ dày phá hủy lớp lót thực quản. Tình trạng Barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư cổ họng.
8. Thay đổi trong miệng
Nếu hút thuốc, bạn có nguy cơ phát triển bệnh ung thư miệng. Hãy để mắt đến bất kỳ sự thay đổi nào trong môi, lưỡi, đặc biệt là các mảng trắng hoặc đỏ xuất hiện bên trong miệng. Bạn cần đi khám chuyên khoa để kiểm tra ngay lập tức.
9. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Quần áo có vẻ rộng hơn? Nếu bạn không thay đổi chế độ dinh dưỡng hay thói quen tập thể dục, việc giảm cân có thể do căng thẳng hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Nhưng giảm 5 kg hoặc hơn mà không có chủ đích thì điều đó không bình thường.
Đây có thể là một trong những dấu hiệu ung thư tuyến tụy, dạ dày hoặc phổi. Bác sĩ có thể cho bạn làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp PET/CT (chụp cắt lớp) để xác định rõ nguyên nhân.
10. Sốt
Sốt thường không phải là vấn đề nghiêm trọng bởi nó cho thấy cơ thể bạn đang chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu cơn sốt không biến mất và cũng không có một lời giải thích nào rõ ràng, đó có thể dấu hiệu ung thư máu hoặc bệnh bạch cầu.
11. Thay đổi ở vú
Chỉ tính riêng năm 2017, có 2.470 người đàn ông được chẩn đoán bị ung thư vú. Nam giới thường bỏ qua những khối u ở ngực vì cho rằng ung thư vú chỉ xuất hiện ở phụ nữ.
Thật ra, đàn ông cũng có thể mắc căn bệnh này và thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Vì vậy, nếu phát hiện khối u ở ngực, hãy đi khám. Phát hiện sớm chính là chìa khóa để điều trị bệnh thành công.
12. Mệt mỏi
Nhiều loại bệnh ung thư khiến bạn mệt mỏi mọi lúc mọi nơi. Dù đã nghỉ ngơi nhưng bạn vẫn thấy mệt. Cảm giác mệt mỏi này khác với cảm giác mệt mỏi sau một tuần làm việc bận rộn.
Nếu tình trạng mệt mỏi ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hãy đi khám. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị thích hợp.
13. Ho
Ở những người không hút thuốc, ho thường không phải là dấu hiệu ung thư. Đa phần, các tình trạng này sẽ biến mất sau 3 – 4 tuần. Nếu bị ho liên tục mà không dứt, đi kèm với khó thở hoặc ho ra máu, bạn nên đến bác sĩ khám, đặc biệt nếu bạn hút thuốc.
Ho là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư phổi. Bác sĩ có thể kiểm tra chất nhầy từ phổi để xem bạn có bị nhiễm trùng hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bạn chụp X-quang ngực để kiểm tra vấn đề khác.
14. Đau
Ung thư thường không gây nhiều đau đớn nhưng nếu bạn bị đau ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể mà không khỏi sau hơn một tháng, đó có thể là vấn đề nguy hiểm.
Đau dai dẳng không dứt có thể là dấu hiệu ung thư xương hoặc ung thư não, đặc biệt là khi nó đã lây lan sang các bộ phận khác.
15. Đau dạ dày và trầm cảm
Triệu chứng này hiếm khi xảy ra nhưng trầm cảm kết hợp với một cơn đau dạ dày có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tụy. Bạn có nên lo lắng? Không cần thiết nếu gia đình không có ai mắc bệnh này. Nhưng bạn cũng nên đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Hoàng Hương – Trí thức trẻ
Nguồn: Soha