Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

3 “hoạt động phá hoại” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo qua lời kể của sếp Trung Nguyên

Trung Nguyên“Trong vòng 20 năm qua, chưa một ai (ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành) phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên dữ dội và khốc liệt như bà Lê Hoàng Diệp Thảo”, thông cáo báo chí của Trung Nguyên có đoạn chỉ trích rất gay gắt về vợ chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ.

Được coi là tiếng nói để cung cấp đầy đủ thông tin rộng rãi tới truyền thông nhằm bảo vệ danh dự và uy tín của thương hiệu Trung Nguyên, của cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ, thông cáo báo chí được ký tên của giám đốc truyền thông thừa uỷ quyền của ông Vũ công bố vào đêm ngày 21/9 đã mang tới những luận điểm rất cứng rắn trong các nội dung có liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo – người vừa tiếp tục bị Trung Nguyên bãi nhiệm trong văn bản ký cùng ngày.

Yêu cầu tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi nhân sự, đồng thời gây rối, de doạ nhân viên của Trung Nguyên, bên cạnh việc phá hoại để làm tê liệt hệ thống vận hành của tập đoàn được Giám đốc truyền thông của Trung Nguyên chỉ rõ là những hành động “phá hoại” mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã thực hiện trong suốt 3 năm qua nhằm thâu tóm công ty này.

Trung Nguyên

Một phần nội dung cáo buộc bà Thảo thực hiện các hành vi phá hoại do phía Trung Nguyên đưa ra.

Nhiều lần yêu cầu giám định sức khoẻ tâm thần của chồng

Ngày 6/5/2015, bà Thảo đã nộp đơn ra Tòa án Nhân dân Quận 3 với nội dung yêu cầu toà thực hiện các biên pháp để công nhận mất năng lực hành vi với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đưa bà Thảo quyền được giám hộ ông Vũ, đồng thời tiếp quản quyền điều hành, quản lý tài sản, đại diện cho tất cả các giao dịch dân sự và kinh tế trong Công ty Trung Nguyên. Tuy nhiên, phía toà án lại đình chỉ giải quyết sự việc dân sự này.

Để chứng minh quyền dân sự của mình, ngày 13/7/2017, ông Vũ đã yêu cầu Viện pháp y Tâm thần Trung ương/ Bộ Y tế giám định sức khỏe tâm và ngày 17/7/2017, viện trả lại kết luận: “tại thời điểm giám định đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ không có bệnh tâm thần, đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. 4 cơ quan khác có chuyên môn về giám định sức khoẻ tâm thần cũng có chung kết luận trên.

Ngày 17/11/2015, bà Thảo nộp đơn xin ly hôn với ông Vũ, yêu cầu chia đôi tài sản, giành quyền nuôi 4 người con và đề nghị được cấp dưỡng 5% cổ phần riêng của ông Vũ cho mỗi người con chung.

Ngày 16/8/2018, tức trước ngày Tòa án đưa vụ án ra xét xử 20 ngày, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục nhận được từ Tòa án TP HCM đơn của bà Thảo tiếp tục yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định để xác định ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất hay hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Việc bà Thảo liên tục thể hiện trên trang cá nhân, trên văn bản gửi tới toà án… nghi vấn ông Vũ gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần được cho là gây ảnh hưởng lớn đến danh dự và uy tín của ông Vũ cũng như tập đoàn Trung Nguyên.

Trung Nguyên

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng nhiều lần khẳng định trên các bài phỏng vấn, trên trang cá nhân rằng ông Vũ bị bệnh, bị thao túng, kiểm soát bởi một nhóm người Trung Nguyên. Trong khi đó, ông Vũ từng tâm sự với báo giới rằng bản thân “rất đau đớn khi buộc phải tự chứng minh mình bình thường”.

Chiếm đoạt con dấu, giả mạo chữ kỹ và thành lập công ty cạnh tranh

Theo thông cáo báo chí của Trung Nguyên, từ năm 2015 đến nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã liên tiếp thực hiện các hành động có hệ thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên.

Cụ thể, ngày 16/10/2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng cộng sự đã chiếm đoạt 12 con dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyênlàm cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên bị ngưng trệ.

Bà Thảo cũng được cho là đã giả mạo chữ ký của ông Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 1 SGD (Một đô la Singapore). Hiện Vụ án được Tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 07/4/2016 của Cơ quan giám định Singapore.

Sau khi chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên tại Bắc Giang, bà Thảo được cho là tự ý cùng gia đình của mình thành lập công ty riêng mang tên có yếu tố và logo mang một phần nhận diện của Tập đoàn Trung Nguyên (Công ty TNHH MTV TNI) để tự sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp sản phẩm với chính Trung Nguyên, mặc dù bà vẫn đang là cổ đông lớn trong công ty.

“Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh và Luật doanh nghiệp”, thông cáo nêu.

Trung Nguyên

Trong cuộc gặp gần đây với các ký giả, ông thẳng thắn chia sẻ sự tái xuất của mình chỉ nhằm giảm áp lực cho các nhân sự bên cạnh mình trước sự công kích từ phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đe doạ nhân viên, đồng sự tại Trung Nguyên bằng tin nhắn

Ngày 23/10/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, bà Thảo đã mạo danh HĐQT, tự bổ nhiệm mình giữ chức Tổng giám đốc của các công ty này.

Bà Thảo được cho đã sử dụng con dấu chiếm đoạt để đóng dấu, ký tên bổ nhiệm, đồng thời gửi các quyết định bổ nhiệm bất hợp pháp này đến toàn thể nhân viên trong Tập Đoàn Trung Nguyên thông qua hệ thống email nội bộ của toàn Tập Đoàn nhằm gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng uy tín của ông Vũ.

“Kể từ khi toà án đưa tranh chấp ly hôn của gia đình bà ra xét xử, bà khủng bố tinh thần bằng tin nhắn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, kể cả có dấu hiệu hình sự liên quan đến việc gây thương tích cho nhân viên…, có nhiều đơn tố cáo gây hoang mang cho người lao động nhằm làm tê liệt hoạt động kinh doanh”.

Bà Thảo cũng được cho là người đứng sau những tố cáo Trung Nguyên trốn thuế, vu khống các 17 nhân sự cấp cao của tập đoàn này thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, theo như nội dung của thông cáo từ phía tập đoàn này, các đơn tố cáo trên đã được cơ quan công an có thẩm quyền xác minh, làm rõ và bác bỏ.

“Với hàng loạt các sự kiện diễn ra ở trên cho thấy, dã tâm của bà Thảo là chiếm đoạt bằng được Tập đoàn Trung Nguyên. Và để đạt được điều này, cách nhanh nhất là ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải mất năng lực hành vi dân sự.

Chỉ có như thế, bà Thảo mới danh chính ngôn thuận tiếp quản toàn bộ Tập đoàn, toàn bộ tâm huyết và sản nghiệp mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và gia đình đã gầy dựng 20 năm qua với một vai trò hết sức hợp pháp, là “người giám hộ” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ như bà Thảo đã thừa nhận tại Đơn gửi Tòa án Quận 3 vào ngày 06/5/2015″, nội dung văn bản chứa chữ ký của giám đốc truyền thông Trung Nguyên kết luận.

Lam Thiên

Theo Nhịp sống kinh tế

Link gốc

 

Exit mobile version