Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc chuyển các khoản vay của ngân sách Nhà nước từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang trái phiếu Chính phủ nhằm giúp phía Bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn trong đầu tư và không ảnh hưởng tới an toàn quỹ này
Khoản vay của NSNN chiếm hơn 74% dư nợ đầu tư của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2015
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán về các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tổng số hơn 435.000 tỷ đồng quỹ Bảo hiểm xã hội cho vay, số dư quỹ này cho ngân sách nhà nước vay lên tới 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% dư nợ đầu tư, tăng 0,31% so với năm 2014.
Liên quan đến con số này, tại phiên họp báo chuyên đề ngày 28/2/2017, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã thực hiện chuyển đổi khoản ngân sách nhà nước vay Bảo hiểm xã hội thành phát hành trái phiếu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng khẳng định, việc chuyển các khoản vay của ngân sách Nhà nước từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang trái phiếu Chính phủ nhằm giúp phía Bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn trong đầu tư và không ảnh hưởng tới an toàn quỹ này.
Hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội phải đảm bảo mục tiêu an toàn vốn và có tăng trưởng. Và với việc chuyển hình thức từ vay bằng hợp đồng sang hình thức công cụ nợ là trái phiếu, bà Hiện cho rằng, tính an toàn với Quỹ bảo hiểm là tương tự vì đều là Chính phủ vay. Không những vậy, điều này còn có lợi cho thị trường và cho phía Bảo hiểm xã hội.
“Bảo hiểm xã hội là đối tượng đầu tư lớn vào thị trường vốn, nếu vay dưới dạng hợp đồng như trước thì không thể lưu hành trên thị trường. Quyết định đổi sang trái phiếu Chính phủ vừa thêm sản phẩm, vừa tạo tính thanh khoản cho thị trường. Bản thân Bảo hiểm xã hội cũng linh hoạt và chủ động trong đầu tư, nếu cần thanh khoản có thể mang bán trái phiếu trên thị trường để thu hồi vốn”, đại diện Bộ Tài chính phân tích.
Cũng tại phiên họp báo này, Bộ Tài chính cho biết, đã thực hiện tái cơ cấu thị trường trái phiếu, tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ và tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư.
Bên cạnh việc chuyển đổi khoản ngân sách nhà nước vay Bảo hiểm xã hội thành phát hành trái phiếu như đã nêu, Bộ Tài chính còn thực hiện hoán đổi trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm sang kỳ hạn dài; phát hành định kỳ trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư dài hạn.
Năm 2016, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đạt 281.750 tỷ đồng tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Đồng thời, lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi thực hiện tái cơ cấu, danh mục nợ Chính phủ đã có sự cải thiện rõ rệt cả về quy mô, kỳ hạn và chi phí huy động. Theo đó, quy mô đạt 27,3% GDP năm 2016 so với mức 16,2% GDP năm 2015.
Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,71 năm (tăng 1,73 năm so với năm 2015) qua đó kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ Chính phủ lên mức 5,98 năm vào cuối năm 2016 tăng 1,54 năm so với cuối năm 2015. Lãi suất phát hành bình quân là 6,49% (giảm từ 0,22%-0,5% ở tất cả các kỳ hạn).
Cơ sở nhà đầu tư cũng đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm (tăng từ mức 23% năm 2015 lên mức 44,6% năm 2016), giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các Ngân hàng thương mại (từ mức 77% năm 2015 xuống còn 55,4% năm 2016).
Theo Dân trí