Gần 110.000 tỷ thu về không dành để trả nợ mà nhập vào quỹ do Kho bạc Nhà nước quản lý nhằm tạo nguồn cho chi đầu tư phát triển.
Thông tin trên vừa được ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định tại cuộc họp báo sáng 25/12. Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm về sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước này cho biết, khoảng vài ngày nữa số tiền gần 110.000 tỷ đồng thu từ bán cổ phần Sabeco sẽ được đổ vào Quỹ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước tại tài khoản mở ở Kho bạc, tức là về ngân sách Nhà nước.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định khoản thu từ vụ Sabeco sẽ nhập về ngân sách và chi cho việc đầu tư phát triển. Ảnh: Reuters.
“Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các doanh nghiệp khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. Danh mục đầu tư cho các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ rõ ràng, do Quốc hội quyết. Việc chi tiêu như thế nào đã có hạch toán rõ ràng và hằng năm được kiểm toán đầy đủ”, ông Tiến khẳng định.
Nói cụ thể hơn về việc sử dụng Quỹ cổ phần hoá này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tiền lãi thu được từ các thương vụ sẽ được hoàn lại quỹ này. Quỹ có mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư trong cổ phần hoá.
Trước đó, 18/12, Công ty TNHH Vietnam Beverage – doanh nghiệp có liên quan tới tỷ phú Thái Lan, mới thành lập cách đây 2 tháng, đã mua thành công 53% cổ phần của Sabeco với mức giá 320.000 đồng. Công ty này được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại Hong Kong.
Trước ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có thể đã cố tình lách luật đầu tư của Việt Nam để gián tiếp sở hữu trên 50% vốn, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng không nên phân biệt yếu tố trong nước và nước ngoài.
Dẫn lại Nghị quyết của Chính phủ về việc sẽ “không đi bán bia, bán sữa”, tức là sẵn sàng bán hết vốn ở các lĩnh vực này, ông Tiến cho rằng dù không vào Việt Nam dưới góc độ trực tiếp nhưng với việc có doanh nghiệp lập ở Việt Nam, vẫn nên cư xử với họ như doanh nghiệp Việt. Theo ông, cần sửa đổi một số Luật hiện hành để tránh việc doanh nghiệp phải lách luật trong những tình huống tương tự.
Sau Sabeco, trong quý I, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, sẽ cổ phần hoá một số doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn Dầu khí, Lọc hoá dầu Bình Sơn, PV Power, PVOil với quy mô tổng cộng có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Kể cả Sabeco, thời gian tới nếu gặp điều kiện thích hợp, 36% còn lại cũng có thể thoái nốt bởi Chính phủ tuyên bố không nắm giữ gì ở đơn vị này”, ông Tiến nói.
Theo Vnexpress