Hãy điểm qua một lượt xem trong 5 việc dưới đây, bạn đã từng phạm phải việc nào không nên làm với bố mẹ hay chưa nhé!
Gia hòa vạn sự hưng, một gia đình có gia nghiệp hưng vượng nhất định phải rất yên ấm hòa thuận. Một gia đình chỉ có mâu thuẫn và xung đột làm việc gì cũng khó thành.
Đũa bát còn có lúc xô, cùng sống chung dưới một mái nhà, con người cũng khó tránh được lúc va chạm.
Tuy nhiên, đã là người một nhà, nếu càng bao dung sẽ càng hạnh phúc; giữa vợ với chồng, bao dung càng nhiều thì tình cảm càng sâu dậm; giữa hàng xóm với nhau, bao dung càng nhiều thì càng dễ sống; giữa bạn bè với nhau, bao dung càng nhiều thì tình bạn càng bền lâu; giữa đồng nghiệp với nhau, bao dung càng nhiều thì làm việc càng thuận lợi…
Trong gia đình, với người làm con, làm được 5 việc và với người làm cha mẹ, làm được 7 việc dưới đây, gia đình sẽ luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười:
5 điều người làm con không được làm với cha mẹ
1. Không oán trách bố mẹ vô dụng
Đừng ngưỡng mộ bố mẹ người khác giỏi giang, thành đạt, kiếm nhiều tiền mà nghĩ rằng “bố thì phải thế nào mới đáng làm bố, mẹ thì phải thế nào mới đáng làm mẹ”.
Hãy chân thành và tôn trọng bố mẹ mình: “Con chấp nhận, bố mẹ chỉ có vậy; con chấp nhận, là con đã lựa chọn bố mẹ; con đón nhận và tận hưởng mọi thứ bố mẹ cho con.”
2. Không oán trách bố mẹ nói nhiều
Trong cuộc sống, vì con cái có lúc không làm nên việc nên người làm bố mẹ đôi khi có nói thêm vài câu. Những lúc đó, con cần biết, chỉ có người thực sự yêu thương mình mới nhắc nhở mình. Bố mẹ bạn sẽ không bao giờ nói nhiều với những người không liên quan.
3. Không oán trách việc bố mẹ trách móc mình
Bố mẹ có trách móc mình cũng là bởi chưa hài lòng với biểu hiện, hành động… của chúng ta mà thôi. Khi chúng ta làm đủ tốt những việc cần làm, họ sẽ mong chúng ta làm tốt hơn nữa!
4. Không oán trách bố mẹ chậm chạp
Người lớn tuổi, hành động lẽ tự nhiên sẽ trở nên chậm chạp. Vì thế, tuyệt đối không được chê bố mẹ chậm, bởi chúng ta mãi mãi chẳng thể tưởng tượng ra được khi chúng ta còn nhỏ, họ đã phải nhẫn nại đến mức nào để dạy chúng ta chập chững từng bước chân đầu tiên trong đời.
5. Không oán trách bố mẹ bệnh tật
Khi bố mẹ mắc bệnh, chúng ta có thể làm được những gì? Chúng ta có thể tận tâm tận lực chăm sóc bố mẹ hay không?
Cuộc đời, sinh mệnh không phải dùng để oán trách. Chúng ta dần trưởng thành cũng là lúc bố mẹ dần già đi, cho đến khi rời xa chúng ta…
Không có bố mẹ, sẽ không có chúng ta. Oán trách, không hiểu cho bố mẹ là bất hiếu. Nếu đến bố mẹ mà chúng ta còn không bao dung, thử hỏi chúng ta có thể yêu thương, đón nhận được ai?
Trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng hàng đầu. Từ lúc này, những ai đã lỡ oán trách bố mẹ mình, hãy sửa ngay nhé!
7 điều cha mẹ không nên làm với con cái
1. Không trách con cái trước mặt đám đông
Trước mặt đám đông, không nên trách mắng con cái, như thế bố mẹ sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của con, thậm chí khiến con mất tự tin.
2. Không trách mắng khi con đã hối hận
Nếu thấy con cái đã nhận ra sai lầm và hối hận trước những việc chúng làm, bố mẹ hãy ngừng việc trách mắng, hãy thông cảm và hiểu cho con cái.
3. Không trách mắng con trước giờ đi ngủ
Trước giờ đi ngủ vào buổi tối, bố mẹ tuyệt đối không nên trách mắng con. Nếu làm như vậy, con sẽ mang một tâm trạng nặng nề, ủ dột vào giấc ngủ và như thế, giấc ngủ đó sẽ khó trọn vẹn, thậm chí khiến con gặp ác mộng.
4. Không trách mắng con trong giờ ăn cơm
Giờ ăn cơm mà lôi chuyện không hay của con ra chỉ trích, nói nặng lời sẽ khiến trẻ khó có thể nuốt trôi cơm. Có ăn được đi nữa trẻ cũng sẽ uất nghẹn, khó tiêu hóa.
5. Không trách con trong lúc con đang hào hứng
Khi trẻ đang hân hoan vui vẻ, ở trong trạng thái hưng phấn, nếu bị lôi ra trách mắng sẽ khiến tinh thần con xuống dốc, thậm chí tổn thương.
Ảnh minh họa.
6. Không trách mắng khi con đang buồn chán
Khi con bạn đang khóc, tốt nhất bạn không nên trách con. Việc khóc bản thân nó đã là một sự giải tỏa cảm xúc, giúp con đỡ nặng nề hơn. Nếu mắng con vào thời điểm đó, bố mẹ đã vô tình bồi thêm áp lực lên cảm xúc của con.
7. Không trách mắng khi con đang ốm
Khi con đang ốm, tuyệt đối đừng trách mắng chúng. Người bệnh vốn dĩ đã rất mệt mỏi, lúc đó các con cần quan tâm chăm sóc yêu thương.
Nói tóm lại, gia đình là nơi mà các thành viên tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau trải qua sóng gió cuộc sống để cùng lớn lên, cùng trưởng thành.
Gia đình là một bến cảng bình yên trước bộn bề sóng gió. Gia đình cũng là một cây nến hội tụ ánh sáng làm bừng sáng màn đêm. Và gia đình cần tất cả các thành viên phải biết yêu thương, trân trọng lẫn nhau!
Nguyễn Nhung – Trí thức trẻ