Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

5 việc hầu như trẻ nào cũng gặp, bố mẹ nên biết cách ứng xử để con hưởng lợi cả đời

Cách ứng xử
Ảnh minh họa.

Con khóc là việc của con, mẹ bận là việc của mẹ hay nhịn ăn là việc của con, không ảnh hưởng đến mẹ… là những cách mà bà mẹ áp dụng trong việc dạy con.

Dưới đây là kinh nghiệm nuôi con của một bà mẹ được báo chí Trung Quốc đăng tải. Nội dung bài chia sẻ như sau:

1. Con khóc việc của con, mẹ bận việc của mẹ

Thực ra con gái tôi rất ít khi khóc ăn vạ để đòi thứ gì đó bởi vì chưa cháu lần nào thành công cả. Nhưng khi đi học mẫu giáo, thấy hàng loạt ví dụ thành công của các bạn cùng lớp, cháu cũng học theo. 

Một hôm ở nhà nấu cháo nhưng cháu cứ đòi nấu mỳ cho mình cháu ăn, cuối cùng thì cháu nằm lăn ra nền nhà khóc ăn vạ.

Cả nhà chúng tôi ai bận việc gì thì làm việc đó, coi như không thấy gì. Mẹ tôi phối hợp rất nhiệt tình. Bà cầm chổi đi quét nhà. Khi quét đến chỗ con gái tôi nằm, bà nói với cháu: “Cháu nằm dịch ra một chút. Bà phải quét nhà. Đừng làm vướng bà. Bà quét xong, cháu nằm lại nhé.”

Cách ứng xử
Ảnh minh họa.

Con gái tôi nằm dịch ra và khóc tiếp. Mẹ tôi quét xong thì cho cháu nằm về chỗ cũ. Không ngờ bé gái 2 tuổi rưỡi thật sự nằm lại chỗ cũ. 

Khoảng nửa tiếng sau, cháu phát hiện ra chiêu thành công của người khác không hiệu quả với mình, vậy là cháu bò dậy nịnh nọt: “Con thấy cháo cũng rất ngon.” Nói xong, cháu chạy đi ăn hết sạch bát cháo.

Đến tận bây giờ, tôi chưa thấy chiêu nằm lăn ra nền nhà ăn vạ của cháu thành công lần nào. Thực ra rất nhiều hành động của trẻ chẳng qua chỉ là để thăm dò thôi. Nếu lần đầu đã bị ngăn chặn thì sẽ không có lần thứ hai.

2. Mất là mất của mình, không phải của người khác

Trước bữa cơm, con gái giận tôi, cháu đặt mạnh cái bát xuống bàn ăn, hậm hực nói: “Thấy mẹ là thấy phiền. Con không ăn cơm đâu.” Tôi nói ngay: “Được. Có điều từ giờ đến bữa sau, con không được ăn bất cứ thứ gì.”

Con gái tôi bắt đầu ngần ngừ nói lại: “Không phải con nói là con không ăn cơm, chỉ là không ăn cùng mẹ. Đợi mẹ ăn xong rồi con ăn.”

Tôi trả lời cháu: “Hoặc là bây giờ cùng ăn, hoặc là con đợi đến bữa sau cùng ăn. Không có lựa chọn khác.” Kết quả, cháu tức tối bỏ đi.

Ăn cơm, dọn dẹp xong, cả nhà mới bắt đầu cười thảo luận: “Sao lại có người ngốc vậy? Đem chuyện mình không ăn cơm ra để dọa người khác. Mình không ăn thì mình đói, người khác đâu có đói. Buồn cười chết đi được. Đem chuyện mình không ăn cơm ra để dọa người khác…”

Vậy là nhờ cái giá của việc bị đói một bữa, con gái tôi hiểu được rằng, đem việc làm hại bản thân ra dọa người khác là việc làm ngốc nghếch. Chuyện tương tự cũng không xảy ra lần nào nữa.

Cách ứng xử
Ảnh minh họa.

3. Biết chia sẻ mới thấy vui

Khi con gái tôi chưa đầy 2 tuổi, bà ngoại thường chiên tôm cho cháu ăn. Có lần tôi nhìn thấy liền cầm đũa gắp vài con nếm thử. Con gái rất cáu khi tôi ăn tôm của cháu. Tôi bảo cháu, ai nói là tôm của con, nói xong tôi múc hẳn 2 muôi nữa để ăn. Con gái giành lại nhưng làm sao cháu tranh nổi với tôi.

Con gái nhìn bát tôm sạch trơn, òa lên khóc. Tôi nói với cháu: “Đồ ăn là của cả nhà, không có thứ gì là của mình con. Mọi người muốn ăn thế nào thì ăn.”

Từ hôm đó, thứ gì cháu cũng nhất định đòi chia cho tôi một nửa. Trẻ con dễ dạy thế đấy. Cháu đã mau chóng quen việc chia sẻ với người khác.

Có lúc thấy con gái cực kỳ thích món nào đó, chúng tôi muốn cho cháu ăn thêm một chút thì sẽ nói: “Răng mẹ đau không ăn nổi thứ này” hoặc là “Mẹ không thích món này lắm.” Chúng tôi đưa ra những lý do rất hợp lý. 

Cách ứng xử
Ảnh minh họa.

“Con ăn giúp mẹ nhé.” Nhất định phải dùng giọng nhờ vả để cháu cảm thấy là đang giúp mình. Lúc này con gái sẽ ăn thật vui vẻ. Đây đúng là niềm vui bất ngờ.

Nếu không học được cách chia sẻ, trẻ sẽ cho rằng đó là thứ của mình và sẽ không cảm thấy vui; trẻ học được cách chia sẻ thì dù chỉ ăn được một miếng cũng thấy rất vui. 

Ăn ít một chút sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đời. Học được chia sẻ mới dễ dàng có được niềm vui, mang lại lợi ích lâu dài cho trẻ.

4. Đồ chơi có hạn, niềm vui vô hạn

Từ nhỏ đến lớn, đồ chơi của con gái tôi rất ít, không hề có đồ chơi chạy pin. Chỉ cần một chiếc túi lớn là có thể đựng hết đồ chơi. 

Ít đồ chơi như vậy không phải là vì lý do kinh tế, mà là đồ chơi của trẻ càng ít, càng đơn giản thì con càng tập trung sức chú ý, trí tưởng tượng càng phong phú, càng biết quý đồ chơi.

Trẻ con đều thích nghịch nước, con gái tôi cũng vậy. Điều kiện của tôi là: “Có thể nghịch nước nhưng chỉ ở trong nhà tắm. Hơn nữa chơi xong thì phải dọn dẹp sạch sẽ nhà tắm.” Một chiếc xô, một chiếc chậu, một chai Coca rỗng, thêm một cái phễu, một cái thìa là con có thể chơi cả buổi chiều.

Khi đi học mẫu giáo, con gái tôi có thể ngồi 2 tiếng đồng hồ chuyên tâm làm một việc.

5. Vấp ngã, bị đau

Con gái vấp ngã ở bên ngoài, bò dậy thì phát hiện ra bị trầy da, chảy máu. Cháu sợ quá khóc òa lên. Tôi ngồi xuống xem xét, mỉm cười nói: “Ái chà, nước tương cà chua chảy ra rồi. Chúng ta mau về nhà lấy khăn giấy bịt nó lại. Đừng để lãng phí.” Con gái nghe xong, bớt sợ hãi.

Cách ứng xử
Ảnh minh họa.

Về đến nhà, tôi lấy cồn sát trùng cho cháu. Trước khi làm, tôi nói rõ cái này dùng để sát trùng, lau lên vết xước sẽ rất đau nhưng nếu không cố chịu thì có thể vết thương sẽ bị nhiễm trùng, sẽ càng đau hơn. Con gái ngẫm nghĩ rồi nói: “Vậy mẹ cứ sát trùng đi. Con có thể chịu được.”

Trẻ con khóc òa phần nhiều không phải vì đau mà là nỗi sợ bản năng không biết đau nhường nào. Thế nên đừng tưởng trẻ còn nhỏ thì cứ lừa là xong. Trẻ sẽ nhớ từng bị bạn lừa, sẽ không tin tưởng bạn, lần sau sẽ không dễ lừa. 

Chúng ta đừng đánh giá thấp khả năng chịu đựng của trẻ, cứ nói thật, chúng sẽ càng tin tưởng bạn. Hãy giúp con chuẩn bị tốt tâm lý. Thực ra trẻ con là sinh vật nhỏ có khả năng chịu đau rất tốt.

Hồng Ánh, theo Trí Thức Trẻ, Soha

Link

Exit mobile version