Theo Tam Quốc diễn nghĩa, mặc dù thời bấy giờ võ tướng nhiều không đếm xuể nhưng chỉ có 5 nhân vật dưới đây được nhận định là có khả năng đánh bại được Quan Vân Trường.
Khi nhắc tới giai đoạn lịch sử Tam Quốc, nhiều người sẽ nhớ ngay tới tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa nổi tiếng của La Quán Trung.
Một trong những võ tướng nổi bật nhất trong cuốn tiểu thuyết dựa theo lịch sử này chính là nhân vật “uy chấn Hoa Hạ” – Quan Vũ.
Không chỉ sở hữu sự trung thành, uy dũng, võ lực của Quan Vũ còn nổi tiếng lợi hại với nhiều chiến công nổi tiếng như rượu ấm trảm Hoa Hùng, chém Bàng Đức, bắt Vu Cấm, vượt 5 ải chém 6 tướng…
Nếu dựa theo miêu tả của Tam Quốc diễn nghĩa, có lẽ khắp thiên hạ lúc bấy giờ chỉ có 5 nhân vật dưới đây đủ sức hoặc có tiềm năng hạ được Quan Vân Trường.
Vị trí thứ năm: Điển Vi
Điển Vi từng là ái tướng dưới trướng Tào Tháo và thường xuyên có mặt trong những bảng xếp hạng về sức mạnh, võ lực liên quan tới các nhân vật Tam Quốc. (Tranh minh họa).
Nhắc tới những võ tướng nổi danh Tam Quốc, người thời bấy giờ vẫn thường truyền tai nhau câu nói: “Một Lữ hai Triệu ba Điển Vi, bốn Quan năm Mã sáu Trương Phi”.
Dù dựa trên chính sử hay căn cứ vào diễn biến của Tam Quốc diễn nghĩa, Điển Vi lúc sinh thời đều chưa từng có dịp giao thủ cùng Quan Vũ.
Tuy nhiên nếu xét về sức mạnh hay võ lực, nhiều người vẫn thường xếp nhân vật này cao hơn Quan Vân Trường một bậc.
Thứ hạng này không căn cứ vào việc tướng giặc bị Điển Vi giết có mạnh hơn kẻ bị Quan Vũ hạ gục hay không, mà là dựa vào sức mạnh hơn người của vị tướng họ Điển.
Tương truyền rằng khi nhắc tới tài năng của Điển Vi, thiên hạ khi xưa còn có một câu nói: “Kỵ chiến nhìn Lữ Bố, bộ chiến nhìn Điển Vi”.
Câu ví von này đã đem vị tướng họ Điển đặt ngang hàng với Lữ Bố – nhân vật được mệnh danh là “vô địch thiên hạ” thời bấy giờ.
Có ý kiến cho rằng, năm xưa Tào Tháo đánh giá cao Quan Vũ là bởi quý trọng sự trung thành hiếm có của ông.
Thế nhưng đối với Điển Vi, vị quân chủ họ Tào này thậm chí đã ví ông là “cổ chi Ác Lai”, có ý ví ông với Ác Lai – vị tướng rất khỏe dưới thời chúa Trụ. (Theo “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi thứ 10).
Từ đó có thể thấy được, mặc dù Tào Tháo sau này dù trong lòng thầm khen Quan Vũ nhưng trước đó vẫn đánh giá võ lực của Điển Vi cao hơn.
Vị trí thứ tư: Hoàng Trung
Trước khi trở thành một trong “Ngũ hổ tướng” của Thục Hán, Hoàng Trung từng phụng sự dưới trướng Hàn Huyền và đã trực tiếp giao thủ với Quan Vũ trong trận chiến ở Trường Sa. (Tranh minh họa).
Nhắc tới vị tướng họ Hoàng này, người đời đều không thể quên được cuộc đọ sức gay cấn của ông với Quan Vũ trong cuộc chiến ở Trường Sa năm nào.
Lúc bấy giờ, Hoàng Trung tuổi đã gần 60 nhưng vẫn có thể đánh tay ngang với Quan Vân Trường. Cuộc đọ sức giữa một lão tướng với một đại tướng quân đương độ tráng niên đã khiến cho nhiều người kinh ngạc.
Thiết nghĩ người đã già thì gân cốt cũng yếu đi, dù sức khỏe có tốt cũng khó có thể lợi hại như khi còn trẻ. Thế nhưng dường như dấu vết của thời gian chẳng hề làm mai một đi tài năng võ thuật của Hoàng Trung.
Chưa dừng lại ở đó, minh chứng cho thấy Hoàng Trung có khả năng đánh bại Quan Vũ còn nằm ở chi tiết ông từng dùng một mũi tên bắn trúng quai mũ trên đầu Vân Trường.
Thiết nghĩ nếu lúc đó Hoàng Trung quả thực quyết tâm muốn lấy mạng Quan Vũ thì mũi tên kia rất có khả năng sẽ lấy đi một tướng tài của tập đoàn chính trị Thục Hán.
Vị trí thứ ba: Trương Phi
Mặc dù là em út trong ba huynh đệ Lưu – Quan – Trương, nhưng Quan Vũ luôn đánh giá cao sức mạnh và giá trị võ lực của Trương Phi. (Tranh minh họa).
Trong hồi thứ 25 của Tam Quốc diễn nghĩa, khi chém Nhan Lương, Quan Vũ từng nói với Tào Tháo một câu:
“Tôi đã thấm vào đâu. Em tôi là Trương Dực Đức còn có thể ở trong đám quân trăm vạn lấy đầu thượng tướng dễ như lấy vật gì trong túi”.
Điều này cho thấy bản thân Quan Vân Trường vẫn đánh giá võ lực của Trương Phi cao hơn so với mình.
Khi miêu tả sự kiện “tam anh chiến Lữ Bố”, hồi thứ 5 của diễn nghĩa cũng có viết:
“Lữ Bố thấy thế bỏ Toản, đánh nhau với Trương Phi. Trương Phi hăng hái cố đánh Lữ Bố. Đánh nhau được hơn năm mươi hợp chưa rõ bên nào thua bên nào được”.
Chi tiết này đã khẳng định Trương Phi là một trong số những người hiếm hoi có khả năng đánh tay ngang với Lữ Bố – võ tướng mang danh là “vô địch thiên hạ” một thời.
Vị trí thứ hai: Lữ Bố
Sở hữu võ lực được mệnh danh là vô địch thiên hạ một thời, Lữ Bố cũng được xem là một trong những nhân vật có đủ khả năng đánh bại Quan Vân Trường. (Tranh minh họa).
Nhắc tới Lữ Bố, hậu thế sẽ nghĩ ngay tới danh hiệu “vô địch thiên hạ” của nhân vật này. Lữ Phụng Tiên cũng là một đối thủ “nặng ký” cần tới sự liên thủ của cả hai huynh đệ Quan – Trương mới có thể chống lại.
Mặc dù không ghi được chiến công vang dội như những võ tướng cùng thời khác, nhưng mỗi khi Lữ Bố xuất chiến thì phe đối địch với ông đều cần tới mấy người liên thủ, ít ai dám đánh một chọi một với nhân vật này như Trương Phi.
Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến tên tuổi của Lữ Phụng Tiên không gắn với những chiến công giết hạ tướng địch. Thế nhưng điều này cũng đủ chứng minh vị tướng ấy là một trong những nhân vật có khả năng đánh bại Quan Vũ.
Vị trí thứ nhất: Mã Trung
Là người đã đẩy Quan Vũ tới cửa tử, Mã Trung vẫn luôn được xem là “khắc tinh” trong cuộc đời của vị tướng “uy chấn Hoa Hạ” này. (Tranh minh họa).
Mã Trung là một viên tướng không mấy nổi danh trong tập đoàn chính trị Đông Ngô.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Mã Trung là bộ tướng của Phan Chương. Khi thua chạy đến Mạch Thành, Quan Vũ đã bị Mã Trung bắt được và dâng cho Tôn Quyền.
Mặc dù vị tướng này không sở hữu võ thuật cao cường, nhưng ông lại được xem là khắc tinh của Quan Vũ. Bởi lần hiếm hoi Quan Vân Trường thất bại chính là lần bại trong tay Mã Trung, hơn nữa còn khiến ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Tuy chiến công có được do việc đánh lén vốn không phải là điều gì lấy làm vinh quang, nhưng việc Mã Trung đã đẩy Quan Vũ vào cửa tử vẫn là điều không thể thay đổi.
Đây cũng là lý do khiến một viên tướng không mấy xuất chúng này có được vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng những nhân vật có khả năng đánh bại vị tướng “uy chấn Hoa Hạ” như Quan Vũ.
Theo Trần Quỳnh- Thời Đại/Soha