Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

6 vấn đề vợ chồng phải đối mặt sau khi sinh con

Sự xuất hiện của một đứa trẻ – đặc biệt trong giai đoạn ban đầu – làm mức độ hài lòng của các cặp vợ chồng giảm xuống, mâu thuẫn gia tăng.

Cãi nhau nhiều hơn vì phân chia các trách nhiệm

Trước khi có con, cả hai phía đều có thể chuyên tâm vào công việc của mình. Sau khi em bé chào đời, nếu không có ai hỗ trợ, người vợ sẽ dành toàn bộ thời gian để chăm sóc đứa trẻ, phần lớn công việc nhà sẽ đều do người chồng gánh vác. Nhưng anh chồng cũng không còn có nhiều năng lượng sau một ngày làm việc để giúp vợ, khiến người phụ nữ căng thẳng và tức giận.

Các chuyên gia hôn nhân – gia đình khuyên, thay vì tranh cãi, người vợ có thể nhẹ nhàng, khéo léo yêu cầu đối tác làm một công việc cụ thể nào đó. Kể lể tất cả những công việc cần làm sẽ không khiến nửa kia hào hứng hay tình nguyện giải quyết. Nếu có thể cung cấp cho chồng định hướng rõ ràng về những gì cần làm và cách thực hiện, mọi việc có thể được xử lý nhanh chóng hơn.

Sau khi bạn đời đã hoàn thành công việc, hãy thử nói “cảm ơn” – đây không phải là một cách chúc mừng họ, mà là một minh chứng cho sự đánh giá cao dành cho họ mà thôi.

Quan điểm nuôi dạy khác nhau

Vợ chồng không tránh khỏi việc bất đồng về những thứ lặt vặt đời thường. Khi một em bé xuất hiện, việc đưa ra quyết định chung liên quan đến đứa trẻ có thể không dễ dàng. Bạn và đối tác là hai người khác nhau, do đó sự bất đồng là điều đương nhiên.

Giải pháp: Điều quan trọng là lắng nghe quan điểm của nhau. Không có “đúng” hay “sai”, mà thay vào đó, là việc cả hai nên đưa ra quyết định dựa trên những gì tốt nhất cho con. Nên giảm cái tôi của mình và đưa ra những lời góp ý mang tính xây dựng. Bạn cũng nên hạn chế giải quyết những bất đồng trước mặt con cái.

Không còn thời gian cho bản thân

Trước khi có con, bạn có thời gian chăm chút cho mình, cho các mối quan hệ cá nhân. Nhưng khi con xuất hiện, em bé đòi hỏi tất cả thời gian và sự chú ý của bạn.

Giải pháp: Điều mà cả hai phía cần duy trì là có thời gian riêng cho mình. Nếu thời gian hạn hẹp, bạn có thể giới hạn thời gian cho cá nhân là một hoặc hai lần mỗi tháng. Tuy nhiên, bạn cùng cần phải giảm bớt kỳ vọng và giảm thời gian cho các hoạt động yêu thích, trong giai đoạn con còn nhỏ.

Để gìn giữ mối quan hệ vợ chồng, dù có con, bạn cũng nên dành thời gian hẹn hò riêng. Bạn có thể nhờ người nhà, giúp việc, người trông trẻ… hỗ trợ để có thời gian ở bên bạn đời.

Lo lắng nhiều hơn về tiền bạc

Những lo lắng về tài chính có thể xuất hiện từ những ngày đầu tiên của thai kỳ và tiếp tục tăng lên trong nhiều năm sau khi sinh con. Việc tính toán các chi phí liên quan đến việc nuôi dạy một đứa trẻ có thể gây ra rất nhiều căng thẳng cho bạn và bạn đời của bạn.

Giải pháp: Nên tiết kiệm tiền trước khi sinh và thảo luận với bạn đời về việc ai sẽ là người chăm sóc chính, ai làm chủ tài chính gia đình. Nếu gia đình có hai nguồn thu nhập, nên thử sống bằng một khoản và tiết kiệm khoản thứ hai. Điều này sẽ giúp bạn không phung phí tiền bạc và có một quỹ dự phòng cho tương lai.

Đối tác đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến

Khi bạn có thêm một em bé, các quyết định cần đưa ra cũng nhiều hơn, đòi hỏi cả hai phía phải có sự bàn bạc, thảo luận. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng có thói quen một trong hai người đơn phương đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến ​​người kia, gây ra xung đột.

Giải pháp: Chìa khóa để đưa ra quyết định chung là giao tiếp, tôn trọng và tin cậy nhau. Bạn sẽ cần nói chuyện với nửa kia và hiểu quan điểm của họ, thay vì phán xét họ.

Bạn bè xa cách hơn

Các mối quan hệ bạn bè dường như có phần xa cách khi bạn có con. Lý do đơn giản là bạn bè nhận ra rằng em bé hiện là ưu tiên của bạn.

Giải pháp: Nếu bạn vẫn muốn và cần bạn bè ở bên, nên nói rõ với họ. Hãy cho họ biết chính xác những gì bạn cần họ giúp.

Nếu người bạn không có con, họ có thể không hiểu rõ được cuộc sống của bạn đã thay đổi nhiều như thế nào. Do đó, việc chia sẻ với họ những cảm xúc, suy nghĩ của mình là rất cần thiết.

 

Thùy Linh (Theo Brightside)

Exit mobile version