Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

7 bài học xử thế thâm thúy từ Tam Quốc: Đừng mắc sai lầm như Quan Vũ, Trương Phi

Ngay tới các nhân vật tài năng nức tiếng như Quan Vũ, Trương Phi hay Bàng Thống cũng phải trả giá đắt cho những sai lầm để đời của mình.

Là một trong ba nước tạo thành thế chân vạc vào thời Tam Quốc, giai thoại về nhà Thục Hán với những nhân vật nổi tiếng như Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng… cho tới ngày nay vẫn là một chủ đề lịch sử thu hút đối với hậu thế.

Bên cạnh những dấu ấn lịch sử sâu đậm mà họ đã khắc ghi vào sử sách, những nhân tài này còn truyền lại cho người đời sau nhiều triết lý vô cùng sâu sắc, mà những bài học đạo lý thâm thúy dưới đây cũng nằm trong số đó..

  1. Bài học khởi nghiệp từ Lưu Bị

Lưu Bị được biết tới là quân chủ sáng lập ra tập đoàn chính trị Thục Hán và cũng là một đối thủ nặng ký trước những thế lực nổi danh thời bấy giờ như Tào Ngụy hay Đông Ngô.

Mặc dù luôn nhận mình là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng – con thứ của Hán Cảnh Đế, thế nhưng sự thực là tới thời cha con Lưu Bị, gia đình ông chỉ còn lại danh nghĩa của hoàng thất chứ thực chất vẫn là tầng lớp bần nông.

Nhà nghèo và mồ côi cha từ sớm, Lưu Bị cùng mẹ phải làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống qua ngày. Cũng bởi vậy mà mỗi khi nhắc tới xuất thân của vị quân chủ ấy, không ít người thường hình dung ông là “phường đan giày dệt chiếu”.

Thế nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh, một Lưu Bị với xuất thân hàn vi đã gây dựng nên đại nghiệp của nhà Thục Hán và sở hữu trong tay thế lực mà ngay tới Tào Ngụy hay Đông Ngô cũng không dám coi thường.

Bài học rút ra: Người sáng lập của một tập đoàn lớn hoàn toàn có thể đi lên từ nghề bán hàng rong nơi vỉa hè. Nói cách khác, yếu tố mấu chốt tạo nên sự thành công của một lãnh đạo không phải là xuất thân mà là tài năng và bản lĩnh của chính họ.

  1. Bài học hành sự từ Quan Vũ

Vốn được mệnh danh là vị tướng “uy chấn Hoa Hạ”, Quan Vũ nổi danh là một viên hổ tướng với tài cầm quân và võ lực vô cùng xuất chúng.

Khi được giao nhiệm vụ trấn giữ Kinh Châu, ông từng đem quân đi vây đánh Phàn Thành. Thế nhưng những thắng lợi lúc đầu đã khiến Quan Vũ có phần chủ quan trước đối thủ.

Hậu quả là khi đang sa đà vào những trận đánh với quân Ngụy, ông đã bị tướng Đông Ngô là Lã Mông đem quân đánh úp Kinh Châu và bị quân địch giết hại.

Sự chủ quan trên chiến trường khi ấy đã khiến Quan Vũ để mất Kinh Châu và thậm chí là phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.

Bài học rút ra: Cho dù bản thân có sở hữu bằng cấp và địa vị cao tới đâu, thì chỉ một lần chủ quan mắc sai lầm cũng có thể khiến bạn nhận thất bại đau đớn trên chính phương diện vốn là sở trường của mình.

  1. Bài học xử thế từ Trương Phi

Trương Phi là một danh tướng thuộc tập đoàn chính trị Thục Hán và cũng là viên hổ tướng tiếng tăm dưới trướng Lưu Bị. Mặc dù có lợi thế về sức khỏe hơn người và võ lực xuất chúng, thế nhưng vị tướng họ Trương này lại có một nhược điểm chí mạng: Đó chính là sự nóng nảy, lỗ mãng.

Chính nét tính cách trên đã biến ông trở thành một cấp trên nghiêm khắc và độc tài thái quá. Bản thân Lưu Bị cũng từng khuyên bảo Trương Phi rằng:

“Khanh hay dùng hình phạt quá mức, lại hay đánh đập người dưới, xử phạt xong mà vẫn giữ bên mình, ấy là chuốc lấy tai vạ vậy”.

Thế nhưng Trương Phi vẫn không chịu sửa đổi. Hậu quả là khi chuẩn bị tấn công Đông Ngô, ông đã bị thuộc hạ dưới trướng vì bất mãn mà ra tay sát hại, cắt lấy thủ cấp rồi đem sang Ngô để xin hàng Tôn Quyền.

Xem thêm  Người thật sự thông minh luôn biết làm "phép trừ" trong cuộc sống: Từ bỏ đồ không cần thiết, từ bỏ việc thừa thãi, từ bỏ người không cần quan tâm

Bài học rút ra: Một người lãnh đạo khôn ngoan sẽ đối đãi tử tế với nhân viên thay vì bóc lột hay áp bức họ.

Nếu chế độ quản lý nhân sự quá mức hà khắc, thứ mà bạn nhận lại sẽ chỉ là thái độ bất bình và sự phản phúc. Tới lúc đó, đội ngũ mà bạn ngày đêm tốn công sức để gây dựng sẽ phải đối mặt với tình trạng đình công tập thể hoặc chảy máu chất xám vì các nhân tài đua nhau nhảy việc.

  1. Bài học gây dựng thương hiệu cá nhân từ Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng được biết tới là mưu sĩ cốt cán của tập đoàn chính trị dưới tay Lưu Bị và cũng là vị Thừa tướng “dưới một người trên vạn người” của nhà Thục Hán sau này.

Trước khi đi theo phụng sự cho vị quân chủ họ Lưu, Gia Cát Khổng Minh từng có thời gian ở ẩn tại Long Trung. Trong giai đoạn đó, ông đã kết giao với nhiều danh sĩ nổi tiếng đương thời.

Đây cũng là một trong những lý do khiến tên tuổi của Khổng Minh dần trở nên nổi danh trong thiên hạ.Và thực chất mối cơ duyên của ông với nhà Thục Hán cũng bắt nguồn từ những lời giới thiệu, tiến cử của các danh sĩ thời bấy giờ.

Mặc dù được xem là một trong số ít những nhân tài có thể “an thiên hạ”, nhưng Gia Cát Lượng không nương nhờ những thế lực vững chắc như Tào Ngụy hay Đông Ngô mà lại chọn Lưu Bị – một vị quân chủ từng chịu cảnh lép vế cả về tiếng tăm lẫn thực lực.

Thế nhưng thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, việc Khổng Minh lựa chọn phò tá Lưu Bị là một trong những quyết định sáng suốt nhất đời ông. Bởi lẽ khi đi theo vị quân chủ ấy, Gia Cát Lượng vừa có nhiều “đất diễn” để thi triển tài năng, lại vừa có được một đội ngũ cùng chung chí hướng.

Sự cống hiến của Khổng Minh đã đem tới cho Lưu Bị và Thục Hán những thành tựu trên cả mong đợi, còn bản thân vị mưu sĩ ấy cũng để lại tiếng thơm muôn đời.

Bài học rút ra:

Việc Gia Cát Lượng lựa chọn ở ẩn để quan sát thời thế, nhưng lại không ngừng kết giao với nhiều danh sĩ nổi tiếng chính là một bài học thâm thúy về nghệ thuật xây dựng thương hiệu cá nhân.

Người khôn ngoan thực sự sẽ không đem tài năng của mình đi rêu rao một cách bừa bãi. Thay vào đó, họ sẽ khôn khéo phô diễn năng lực cho những người có thể giúp mình quảng bá tên tuổi, từ đó gây dựng thanh thế của bản thân một cách tinh tế và khôn ngoan.

Câu chuyện Gia Cát Lượng lựa chọn minh chủ để phò tá cũng gửi tới cho giới trẻ ngày nay một kinh nghiệp khởi nghiệp vô cùng quý giá: Có đôi khi, việc lựa chọn gia nhập một công ty star – up mới khởi nghiệp sẽ đem tới cho ta nhiều cơ hội phát triển và thăng tiến hơn là tìm cách chen chân vào những tập đoàn lớn.

  1. Bài học tạo dựng hình ảnh từ Bàng Thống

Bàng Thống là một mưu sĩ nổi danh dưới trướng Lưu Bị. Ông thường được người đời sau so sánh là tài ngang Gia Cát Khổng Minh.

Trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”, vị mưu sĩ này được La Quán Trung miêu tả là “người mày rậm, mũi gồ, mặt đen, râu ngắn, hình dung xấu xí”.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, chính ngoại hình thiếu sự ưa nhìn như trên đã ảnh hưởng trực tiếp tới con đường sự nghiệp của mưu sĩ họ Bàng.

Xem thêm  Vì sao người Việt dễ mắc ung thư gan: Chuyên gia cảnh báo 3 lý do

Bằng chứng là khi còn làm việc dưới trướng Tôn Ngô, dù có được sự tiến cử của Lỗ Túc nhưng Bàng Thống cũng không được Tôn Quyền trọng dụng. Vào giai đoạn đầu khi mới đầu quân cho Lưu Bị, ông cũng vì dung mạo xấu xí mà không được lòng quân chủ, chỉ được giao cho một chức Huyện lệnh nhỏ nhoi.

Phải tới khi có cơ hội để thể hiện thực lực vượt trội của mình, Bàng Thống mới có được một chức vụ tương xứng. Điều này cho thấy ngoại hình là một trong những yếu tố cản trở con đường quan lộ của mưu sĩ tài ngang Khổng Minh khi đó.

Bài học rút ra: Trong thời đại ngày nay, sự thua kém về ngoại hình rất có thể sẽ ảnh hưởng tới con đường gây dựng sự nghiệp của chúng ta.

Thực tế cũng cho thấy, sự trau chuốt và đầu tư về vẻ ngoài chẳng những có lợi cho hình ảnh cá nhân của bạn mà ít nhiều còn khiến cho người khác có thiện cảm khi tiếp xúc với chúng ta.

Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc đem yếu tố hình thức trở thành tiêu chuẩn đặt lên hàng đầu. Bởi thái độ chỉ coi trọng ngoại hình mà coi nhẹ tài năng, phẩm chất rất có thể sẽ khiến chúng ta đi chệch hướng trên con đường sự nghiệp và cuộc đời của mình.

  1. Bài học dùng người từ Hoàng Trung

Hoàng Trung là một vị tướng cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc. Cũng giống như Quan Vũ, Trương Phi, ông là một tướng lĩnh cốt cán trong tập đoàn chính trị của Lưu Bị.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, nhân vật này đầu quân cho Lưu Bị khi đã ở độ tuổi ngũ tuần, lục tuần. Do đó nếu xét về yếu tố tuổi tác, Hoàng Trung có thể xem như một “lão tướng” của Thục Hán.

Thế nhưng ngay cả khi tuổi tác đã cao, ông vẫn sở hữu sức địch muôn người và lập nhiều công lao cho Lưu Bị. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến chiến công ông chém đầu Hạ Hầu Uyên – viên tướng khét tiếng dưới trướng Tào Tháo.

Bài học rút ra: Đối với những người làm tuyển dụng mà nói, tuổi tác vốn không phải là vấn đề, yếu tố cần coi trọng phải là thực lực và bản lĩnh.

Cuộc đời của lão tướng Hoàng Trung còn gửi tới cho những người làm lãnh đạo một thông điệp: Chớ dại mà coi thường những nhân viên kỳ cựu!

Người xưa có câu “gừng càng già càng cay”, những nhân viên lớn tuổi thường sở hữu bề dày kinh nghiệm đáng để xem trọng và đôi khi là còn có năng lực xuất sắc hơn cả các nhân tài trẻ tuổi.

  1. Bài học “chọn mặt gửi vàng” từ Lưu Thiện

Lưu Thiện là con trai của Tiên chủ Lưu Bị. Ông còn là vị Hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán dưới thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Sinh thời, vị quân chủ kế nghiệp Lưu Bị này bị miêu tả là người nhu nhược, vô năng, không có thực tài. Từ lúc Lưu Thiện kế vị, hầu hết mọi quyết sách chủ chốt trong triều đình Thục Hán đều dựa cả và một tay Gia Cát Lượng cáng đáng.

Sau khi vị Thừa tướng này qua đời, cơ nghiệp Thục Hán vì thiếu vắng nhân tài mà càng lúc càng lúc càng trở nên lép vế trước các thế lực đối địch, để rồi cuối cùng phải chịu kết cục diệt vong trong tay Tào Ngụy.

Bài học rút ra: Người sở hữu gia thế tốt nhưng không có thực tài và bản lĩnh thì dù cho có sở hữu trong tay nhiều nhân tài đến đâu thì cơ nghiệp cũng khó tránh khỏi bị kẻ khác xâu xé.

*Dịch từ tư liệu nước ngoài

Link

 

 

 

Comments are closed.