Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tâm sự về cố Thủ tướng Phan Văn Khải: “Cùng được gọi là Sáu, nhưng tôi là Sáu Phong nhỏ nhất, thế hệ đàn em của các anh Sáu Dân, Sáu Khải”.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” ngày 17-3-2015 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Chúng tôi có biết bao kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên”, ông Sáu Phong mở đầu cuộc nói chuyện với Tuổi Trẻ về “anh Sáu Khải” một cách ấm áp và chân tình.
* Sau khi về hưu, ông và ông Sáu Khải vẫn thường trà đàm với nhau?
– Đến trước đợt anh Sáu Khải lâm trọng bệnh, tôi vẫn thường hay về Củ Chi thăm anh. Ảnh lớn tuổi hơn, lại yếu hơn tôi nên cứ mỗi một, hai tháng tôi lại ghé thăm ảnh.
Tôi có một kỷ niệm thân thương với anh Sáu Khải là hồi tôi bị bệnh nặng, anh nghe đâu có bác sĩ giỏi, thuốc hay đều chỉ ngay cho tôi. Và tôi cũng thường gửi thuốc men cho ảnh và người con bị bệnh.
Anh yếu rồi, nhưng ý kiến vẫn sắc bén lắm. Gần đây, anh quan tâm nhiều về đạo đức xã hội, quan tâm chuyện tại sao đất nước phát triển tốt hơn lại sinh ra nhiều tệ nạn, tội phạm đau lòng quá như thế!
* Ông có cảm nhận thế nào trong những lần ông Sáu Khải – từng lãnh đạo TP lên làm lãnh đạo Chính phủ – làm việc với TP?
– Khi tôi về TP.HCM (giữ chức vụ bí thư Thành ủy), anh Sáu Khải thường xuyên vào TP.HCM làm việc. Anh chỉ đạo công việc theo phong cách vừa là lãnh đạo vừa là người anh, rất sâu sát, chắc chắn với công việc nhưng cũng rất thoải mái. Chúng tôi hoàn toàn thiệt lòng, không cần cân nhắc, thận trọng gì với ảnh. Khi đưa ra những ý kiến trái chiều, anh cũng vui vẻ, lắng nghe.
Có những vấn đề hệ trọng, liên quan đến đổi mới, đi tiên phong của TP.HCM, anh Sáu Khải hiểu rất rõ. Anh giữ trọng trách ở trung ương tìm cách giải quyết giúp đỡ TP.HCM. Có tối, chúng tôi còn ngồi hàn huyên chuyện xưa, bàn chuyện nay. Anh luôn có niềm tin TP này là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.
Là người được đào tạo bài bản, lại nhiều kinh nghiệm công việc, am hiểu và thật sự biết lắng nghe nên anh đã quy tụ được nhiều người giỏi, tâm huyết. Đó là điều rất cần thiết để phát huy tốt vai trò lãnh đạo.
Anh Sáu Khải tương đồng anh Sáu Dân ở điểm sử dụng được nhân tâm, kể cả những trí thức từ chế độ cũ…
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gắn Huân chương Sao Vàng cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Văn phòng Chính phủ ngày 5-1-2008 – Ảnh: TTXVN
* Liệu có đúng hay không khi cho rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người táo bạo, quyết liệt, còn Thủ tướng Phan Văn Khải thì thận trọng, chắc chắn?
– Phải nói là anh Sáu Khải thừa hưởng được nhiều từ chính phủ tiền nhiệm, nhưng anh đã tạo lập được những dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ của mình. Khi anh Sáu Khải quyết định gì đó quan trọng, có người chỉ nhìn vẻ ngoài thấy như thiếu tính đột phá, trong khi sự thật là anh thận trọng, chắc chắn và hiệu quả.
Ở tầm vóc lãnh đạo Chính phủ cần có những người như vậy bên cạnh những người táo bạo. Tôi hiểu bề ngoài anh Sáu Khải có vẻ trầm, nhưng thật ra lòng anh là cả bầu nhiệt huyết to lớn vì dân vì nước.
* Trong buổi họp Quốc hội chiều 16-6-2006, ông Phan Văn Khải khi xin được từ nhiệm chức vụ thủ tướng đã xin lỗi về những gì chưa làm được, đặc biệt là việc chống tham nhũng. Ông suy nghĩ gì về lần từ nhiệm hiếm hoi và đặc biệt này?
– Đó là kỷ niệm không thể nào quên với tôi và với cả nhiều người khác. Khi tôi nhậm chức chủ tịch nước, anh Sáu Khải xin từ nhiệm thủ tướng trong lúc chưa hết nhiệm kỳ. Anh đã phát biểu trước Quốc hội từ tốn, chân thành, tình cảm về những gì làm được, chưa làm được cũng như mong mỏi ở người sau. Một cuộc từ nhiệm gây xúc động!
Theo Tuổi trẻ