Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Axit benzoic có trong 18.000 chai tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi có nguy hiểm với sức khỏe?

Hình ảnh sản phẩm Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản


Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hạnh, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), nếu các sản phẩm chứa quá nồng độ, hàm lượng cho phép, không tuân thủ theo quy định về liều lượng, hoặc người dùng lạm dụng E200 và E210 thì có thể khiến ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bộ Y tế sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su

Trao đổi với PV chiều 6/4, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam.

Đại diện Cục nêu rõ, thông tin trên không chỉ có ảnh hưởng đến sản phẩm xuất khẩu mà còn tác động đến tiêu dùng trong nước bởi tương ớt Chin-su được bán, sử dụng rất nhiều nên sẽ cho kiểm tra và có trả lời cụ thể sau.

Bà Trần Việt Nga, Cục Phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thông tin, Cục mới chỉ theo dõi được các tin tức qua báo chí còn chưa nhận được bất cứ thông tin cảnh báo chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, đơn vị đã yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ việc này, trong đó, có nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc sản phẩm.

Trước đó, theo thông tin đăng tải trên trang www.city.osaka.lg.jp – trang thông tin của thành phố Osaka, ngày 2/4, cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật đã ra thông báo về sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic… ), chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm.

Luật quy định rõ axit benzoic (E210) không được chấp thuận sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Trong khi đó, cũng sản phẩm này với những thành phần như: axit benzoic, axit sorbic… ghi rõ trên nhãn lại khá phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam.

Về vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Cục phó Cục An toàn thực phẩm cho hay, axit benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế với 187 quốc gia tham gia và Việt Nam cho phép sử dụng chất này.

Tuy nhiên, trong sự việc liên quan đến sản phẩm của Massan, bà Nga cho hay, cần phải làm rõ các vấn đề liên quan và thông tin cụ thể phía Nhật Bản có cho phép sử dụng chất này trong tương ớt hay không.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết thêm, đối với sản phẩm tương ớt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nên việc yêu cầu phía Massan báo cáo cụ thể thuộc trách nhiệm của cơ quan này.

Axit benzoic, axit sorbic không phải là chất cấm ở Việt Nam

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia trong lĩnh vực An toàn thực phẩm nói, theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

Theo ông Thịnh, cần kiểm tra xem phía Masan đã sử dụng với hàm lượng bao nhiêu và nếu dưới mức cho phép là an toàn. Vị chuyên gia này cũng giải thích, dù axit benzoic được Việt Nam cho phép sử dụng hay có trong danh mục phụ gia của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế nhưng ở Nhật Bản, nếu Luật không có hoặc không cho phép sử dụng vẫn có thể bị cấm, thu hồi sản phẩm có chứa chất này.

PGS.TS Thịnh cho biết thêm, thực tế, hiện nay, các đơn vị sản xuất sẽ không dùng quá hàm lượng cho phép đối với axit benzoic bởi không mang lại tác dụng mà còn “gây tốn hóa chất, tăng chi phí sản xuất”.

“Tôi có theo dõi và thấy nói, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt từ 0,41g/kg 0,44g/kg và 0,45g/kg. Với hàm lượng như vậy là đảm bảo rất an toàn, dưới mức cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, với Nhật Bản họ quy định cụ thể thế nào, chúng ta phải tuân thủ theo chứ không thể áp tiêu chuẩn nước này sang nước khác”, PGS Thịnh nhấn mạnh.

Phụ gia thực phẩm, bảo quản kháng vi sinh trong thực phẩm

Theo Tiến sĩ Trần Thu Lan, chuyên ngành hóa phân tích (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM): axit benzoic (thường được ghi trên nhãn là E210), axit sorbic (E200) là những phụ gia thực phẩm, bảo quản kháng vi sinh trong thực phẩm, chứ không phải là chất cấm.

Cả axit benzoic, axit sorbic đều nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Axit sorbic là chất bảo quản, chống nấm mốc, giúp kéo dài thời gian lưu trữ thực phẩm mà vẫn lưu giữ được hương vị ban đầu. Axit sorbic được sử dụng trong thức uống, thực phẩm cho người (phô mai và bánh mì…), thức ăn gia súc, mỹ phẩm, dược phẩm, vật liệu đóng gói, các chất phụ gia cao su.

Còn axit benzoic tương đối mạnh, có tính kháng khuẩn cao – loại axit này có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm, thường xuất hiện trong các sản phẩm như: nước trái cây, hoa quả ngâm đường, sữa lên men…

Acid benzoic được sử dụng trong rất nhiều chủng loại thực phẩm, từ rau củ quả muối chua, nước tương, tương ớt, tương cà, các loại gia vị nước chấm đến bánh mứt, kẹo sôcôla…

Axit sorbic là chất bảo quản hiệu quả và an toàn sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm… Nếu sử dụng một lượng nhỏ hơn 1g/kg thực phẩm là an toàn. Liều lượng gây ngộ độc ở người là 6mg/kg thể trọng.

Cả axit sorbic và axit benzoic đều là chất bảo quản, có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng xếp theo INS (hệ thống chỉ số đánh số cho mỗi chất phụ gia do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế xây dựng).

Dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng sức khỏe

Tuy có những lợi ích trong việc bảo quản thực phẩm như thế nhưng axit benzoic, axit sorbic đều có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.

Theo chuyên gia về dinh dưỡng, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hạnh, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), thì nếu các sản phẩm chứa quá nồng độ, hàm lượng cho phép, không tuân thủ theo quy định về liều lượng, hoặc người dùng lạm dụng E200 và E210 thì có thể khiến ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cụ thể, khi sử dụng axit sorbic trong sản phẩm đã hết hạn có khả năng gây nên tác động xấu. Khi sử dụng quá hàm lượng được cho phép, có thể gây nên những phản ứng dị ứng với da như nổi mề đay.

Với những người đang mang thai, sắp mổ… nên hạn chế đưa axit sorbic vào cơ thể. Còn nếu sử dụng quá nhiều một cách thường xuyên, thì có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, làm xương cốt chậm phát triển…

Tương tự, với axit benzoic, nếu đưa vào cơ thể với hàm lượng nhiều cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Như khi tác dụng với glycocol chuyển thành axit hippuric không thải độc ra ngoài, ảnh hưởng gan, thận, viêm dạ dày.

Ngoài ra cũng có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây khó thở, gây kích ứng mắt, sưng mặt… Axit benzoic cũng có những tác dụng phụ, tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo bà Hạnh, những phụ gia thực phẩm nói chung và axit benzoic, axit sorbic nói riêng không phải là chất cấm, không phải là chất độc. Tuy nhiên vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu đưa vào cơ thể hàm lượng quá nhiều. Vì thế cần phải hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm có axit benzoic và axit sorbic.

Chia sẻ với PV, không ít người tiêu dùng tỏ ra bỡ ngỡ khi được hỏi về vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi, cũng như thú thật “chưa từng nghe, chưa từng biết về axit benzoic và axit sorbic, không biết chúng là gì”.

Chưa kể nhiều người thừa nhận không có thói quen xem nhãn mác sản phẩm, để tìm hiểu thông tin trên sản phẩm có chứa những chất nào.

Bà Hạnh khuyên: “Khi mua các sản phẩm, thực phẩm nên phải để ý đến nhãn mác, coi thử còn hạn sử dụng hay không, hoặc có chất nào không nằm trong danh mục phụ gia được phép trong thực phẩm… Đó là thói quen tốt để giúp an toàn cho sức khỏe”.

Chiều 6/4, khi chia sẻ với Trí Thức Trẻ, đại diện Cục An toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) cho biết axit benzoic và axit sorbic đều có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex (có 186 nước dùng chung, trong đó có cả VN lẫn Nhật Bản). Codex hiện quy định axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%), còn axit benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%.

Tại Việt Nam, theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, thì axit benzoic và axit sorbic đều xuất hiện trong danh mục phụ gia được phép trong thực phẩm. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm đang làm rõ để xem axit benzoic có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không. Sản phẩm Chinsu của Masan chưa từng bị người tiêu dùng phản ánh.

Cũng theo vị đại diện này, thì cùng dùng chung Codex, nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm.

Theo công bố tại Nhật Bản thì hàm lượng axit benzoic có trong tương ớt Chin-su lần lượt là 0,41g/kg, 0,44g/kg và 0,45g/kg (được hiểu tương đương lần lượt là 0,41 ‰, 0,44 ‰, 0,45 ‰). Hàm lượng này nằm dưới ngưỡng cho phép tối đa là 1 ‰ do Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex quy định. Và mức độ này không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link 

 

 

 

 

Exit mobile version