Chữa ngộ độc rượu methanol bằng cách truyền bia vào đường tiêu hóa như ở bệnh viện Quảng Trị là có cơ sở khoa học, theo chuyên gia chống độc.
Các chuyên gia về cấp cứu chống độc cho rằng dùng bia (có ethanol) để giải ngộ độc rượu methanol là có cơ sở, tuy nhiên không được tự ý truyền mà phải do bác sĩ quyết định và thực hiện. Bác sĩ tùy theo tình trạng bệnh nhân để quyết định truyền bia lượng bao nhiêu, mấy lần và khi nào cần truyền… tùy tình trạng người bệnh để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có hai loại rượu thường thấy là rượu ethanol làm từ ngũ cốc dùng để uống; rượu methanol chỉ dùng trong công nghiệp vì rất độc với người. Methanol có nguồn gốc từ gỗ lên men nên còn được gọi là “rượu gỗ”.
“Khi trong cơ thể có đồng thời hai loại rượu ethanol và methanol, gan sẽ ưu tiên xử lý ethanol trước”, bác sĩ Ân cho biết. “Điều này giúp các bác sĩ có thời gian để giải độc methanol cho bệnh nhân”.
Giải thích được bác sĩ Ân đưa ra sau công bố của bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, cho hay đã cứu sống một bệnh nhân 48 tuổi ngộ độc rượu methanol bằng cách truyền 5 lít bia vào dạ dày bệnh nhân, đồng thời lọc máu, giải độc. Đây là lần đầu tiên bệnh viện Quảng Trị dùng phương pháp này.
Tiến sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết có thể hiểu hai loại rượu ethanol và methanol này có tác dụng hóa giải lẫn nhau. Khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể (máu).
Bác sĩ Chính nhấn mạnh, nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc. Tuy nhiên nếu ngộ độc ethanol mà vẫn tiếp tục uống ethanol thì người bệnh sẽ càng trầm trọng.
Nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc.
Khoảng cuối năm 2008, TP HCM phát hiện nhiều người ngộ độc rượu methanol. Những trường hợp đầu tiên, các bác sĩ khá lúng túng trong chẩn đoán, không dùng ethanol mà dùng các phương pháp khác như lọc máu, điều trị hỗ trợ khiến tỷ lệ thành công không cao. Một số bệnh nhân tử vong, biến chứng mù mắt, bác sĩ Ân nhớ lại. Sau đó có bệnh nhân được cứu sống nhờ truyền rượu mạnh.
“Điều chúng tôi băn khoăn là nếu lỡ truyền trúng rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng thì sẽ ảnh hưởng bệnh nhân, không đáp ứng hiệu quả điều trị”, bác sĩ Ân nói.
Đầu năm 2009, Sở Y tế TP HCM ban hành hướng dẫn điều trị ngộ độc methanol bằng ethanol. Sở Y tế đã đặt hàng công ty rượu ở miền Nam sản xuất rượu ethanol 43%, sử dụng như một sản phẩm y tế.
Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc của Bộ Y tế năm 2015 có nêu rõ ethanol và fomepizole sẽ giúp ngăn cản methanol chuyển hóa thành các chất độc. Methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi truyền mà không đủ lượng hai chất trên và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục bị chuyển hóa và gây độc.
Biện pháp truyền ethanol và fomepizole được chỉ định nếu bệnh nhân có bệnh sử uống methanol, nồng độ methanol > 20mg/dL hoặc bệnh nhân có bệnh sử nghi ngờ ngộ độc methanol… Đồng thời, bệnh nhân cần được lọc máu để tách methanol ra ngoài.
Phân tích việc sử dụng bia để giải ngộ độc rượu ở Quảng Trị, tiến sĩ Huỳnh Văn Ân cho biết cách này có cơ sở. Nguyên tắc của phác đồ điều trị là dùng ethanol để chữa ngộ độc methanol. Bia thường có tỷ lệ ethanol chừng 5-8% tuỳ loại. Nếu dùng rượu có ethanol 43% hoặc 100% thì khối lượng dùng cho bệnh nhân sẽ ít hơn.
Tuy nhiên bác sĩ Ân cảnh báo người dân không được hiểu là “chữa say rượu bằng uống bia“. Nếu không có chẩn đoán ngộ độc methanol, khi thấy người say rượu mà tự ý cho uống thêm bia sẽ làm tình trạng nặng hơn. Quyết định truyền bia, truyền lượng bao nhiêu và mấy lần cho người bị ngộ độc bia, phải được bác sĩ tính toán cụ thể dựa vào tình trạng của người bệnh.
Bệnh nhân ngộ độc methanol thường có triệu chứng say, sau đó tỉnh lại rồi hôn mê hoặc mờ mắt sau khi tỉnh dậy. Nếu thấy người nhà bị say lâu cần đưa ngay vào viện. Tốt nhất nên hạn chế sử dụng bia rượu, không dùng đồ uống không có nguồn gốc rõ ràng.
“Các cơ quan quản lý cần ngăn chặn tệ trộn methanol vào rượu”, bác sĩ Ân nói thêm.
Lê Phương – Lê Nga – VNE