Đặt con lên võng sau vườn để đi phơi đồ, xong việc chị Phụng (26 tuổi) vào nhà tìm con nhưng lục tung cả nhà không thấy.
Vài hôm trước, thấy nắng hửng sau vườn nhà, Kim Phụng (26 tuổi) ở Phú Thọ, mặc chiếc áo bông ấm, rồi đặt con trai ra chiếc võng sau vườn. Cậu bé hơn 3 tháng tuổi tròn xoe đôi mắt khi mẹ nói: “Chơi ngoan nhé, mẹ phơi đồ một tí, sẽ quay lại ngay”.
Phụng yên tâm đặt con trên võng vì bé chưa biết lẫy. Cô không dám đặt con trên giường, sau một lần đàn chó con nghịch ngợm kéo chăn của bé.
Người mẹ trẻ phơi nhanh mấy bộ quần áo, rồi chạy ào vào nhà cắm cơm, tranh thủ dọn vài món đồ vương vãi trong nhà. Chỉ chừng 10 phút dọn dẹp, Phụng quay lại giường tìm con nhưng không thấy bé đâu. Cô hoảng hốt. Lục tung trên nhà, dưới bếp mà không hề có một dấu vết nào của con.
“Tim mình đập thình thịch. Nhà mình ở xa làng, không lo có người lạ đến, nhưng lúc đó mình cũng đã nghĩ đến tình huống con bị bắt cóc. Mình rối bời, bủn rủn, vừa chạy vừa khóc. Chạy đến cổng định la hàng xóm thì chợt thấy được cái chăn thường quấn con đang trên cái võng sau nhà”, Phụng thót tim nhớ lại.
Cô chạy ào lại, ôm hôn con rối rít. Hóa ra mấy cái cây che khuất nên trước đó đã nhìn ra võng mà Phụng không thấy con.
Kim Phụng cho biết từ khi sinh con, cô thường xuyên rơi vào trạng thái quên quên nhớ nhớ, không định hình nổi mọi chuyện. Ngoài vụ nhớ đời này thì trước đó còn rất nhiều lần Phụng bị người nhà la về tật hay quên. “Có bữa mình chắc mẩm đã cho nước vào cơm, còn bật nút nồi cơm nữa rồi. Thế mà đến giờ ăn sờ vào nồi thì thấy lạnh tanh, hoá ra chưa cắm phích”, Phụng kể.
Là một mẹ bỉm sữa “não cá vàng” điển hình, chị Kim Phụng đã để quên con ngoài vườn. Có những mẹ bỉm sữa khác còn chia sẻ từng để quên con ở nhà hàng xóm, hay cho con đi tắm mà để quên.
Chị Vân (29 tuổi) sinh con xong đã 2 năm và thấy trí nhớ mình sụt giảm rõ rệt. Chị hay làm trước, quên sau, học mãi không vào. Tận đến giờ, mỗi lúc gia đình có dịp ngồi lại, mọi người vẫn đem chuyện “não cá vàng” của Vân ra chọc cười.
Mùa hè hai năm trước, khi Vân mới sinh con được 20 ngày thì nhà có đám cưới anh trai. Sợ đông người qua lại nên bà Thuỷ, mẹ Vân mới đem đôi nhẫn cưới và một cây vàng làm của hồi môn cho con trai nhờ Vân cầm, vì khi đó cô có một phòng riêng, yên tĩnh cho hai mẹ con.
Lúc mẹ đưa, Vân đem đôi nhẫn để dưới gối, còn số vàng thì nhét dưới đáy một túi đồ sơ sinh chưa dùng tới. Đến giờ tổ chức hôn lễ, người mẹ trẻ đem nhẫn ra đưa cho anh. Cô giục mẹ: “Giờ này mẹ còn chưa lấy vàng ra chuẩn bị trao cho anh à?”.
Bà Thủy nghe vậy sửng sốt: “Mẹ đưa nó cho con cơ mà?”. Vân cũng hoảng không kém. Cô át giọng mẹ: “Mẹ chỉ đưa nhẫn cho con thôi”. Vân tiếp tục trách móc mẹ mình về thói quen cất tiền hoặc vàng tích lũy được trong các túi ruột chăn mùa đông. Nhà có nhiều người phục vụ đám nên vài ngày qua các chăn, đệm không dùng đến đã bị tháo tung ra để nằm.
Đám cưới được một phen náo loạn. Bà Thủy sợ con gái vừa sinh xong “bốc hỏa” nên không tranh cãi nữa. Trong tình huống cấp bách, bà đành phải mượn tạm của hồi môn của đứa cháu họ mới cưới cách đó không lâu.
Đám cưới xong xuôi, Vân ôm con về nhà nội nghỉ đẻ. Đêm hôm đó sắp xếp đồ của con vào tủ thì cô chợt nhìn thấy số vàng được gói ghém cẩn thận trong một chiếc quần.
“Lúc nhìn thấy nó, mình cảm giác như ‘lộc rơi trúng đầu’, sung sướng lắm gọi báo mẹ ngay lập tức”, Vân cười nói.
Từ đó tới nay, Vân thấy mình vẫn chưa thể hồi phục lại trí nhớ như trước. Phổ biến nhất là việc tất bật mỗi sáng dẫn đến hay quên chìa khoá, khẩu trang, hộp cơm đi làm. “Có bữa mình mang cơm đi làm nhưng dắt xe ra, khoá cửa, không thấy túi cơm lại mở cửa quay vào lấy. Đến lúc ra thì khoá cửa và phóng vèo xe lên cơ quan. Đến nơi thì chẳng thấy túi cơm đâu. Chiều đi làm về, bác hàng xóm mới nói thấy túi cơm ở cửa cất hộ”, Vân kể thêm.
Trên hội nhóm của các mẹ bỉm sữa, thường xuyên có các bài viết than phiền về chuyện “mất não”, “não cá vàng, “để quên não ở viện”… sau sinh. Hiện tượng này đã được các nhà khoa học Australia chứng minh là thực sự tồn tại, khi thực hiện nghiên cứu trên 1.000 phụ nữ mang bầu. Nguyên nhân chính là do tác động của các loại hoóc môn sản sinh trong thai kỳ gây tác động lên não. Hiện tượng suy giảm trí nhớ sẽ được hồi phục khoảng 2 năm sau sinh.
Chuyên gia tâm lý Kim Thành nhìn hiện tượng này ở một khía cạnh khác. Chị cho rằng khi có con, phụ nữ có quá nhiều thứ bề bộn, luôn cảm giác không có thời gian sắp xếp mọi việc, không có thời gian mà suy nghĩ. Tình trạng thiếu ngủ, stress kéo dài sẽ khiến các chị em dễ làm trước quên sau hơn. “Đã là phụ nữ sinh con, trừ trường hợp được chồng hoặc người nhà đỡ đần, không vướng bận chuyện con cái, còn hầu hết các chị em đều sẽ hay quên như thế”, chuyên gia nói thêm.
Theo Vnexpress