Để tránh khàn giọng khi gào thét cổ vũ các cầu thủ, bạn cần uống đủ nước, không hút thuốc lá và tuyệt đối không thì thầm.
Đối với người hâm mộ bóng đá, thật khó để không gào thét cổ vũ, nhất là khi đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị bước vào trận chung kết lịch sử với Uzbekistan lúc 15h thứ Bảy ngày 27/11 tại sân Thường Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, hậu quả sau đó chẳng mấy dễ chịu. Nếu nhẹ, bạn sẽ bị khàn tiếng một chút còn nặng, bạn có thể mất giọng nhiều ngày.
Trên thực tế, theo bác sĩ Arick Forrest, chuyên gia các bệnh về giọng nói từ Trung tâm Y tế Đại học Wexner (Mỹ), la hét làm căng dây thanh âm. Như mọi loại cơ khác, sử dụng quá mức dây thanh âm sẽ dẫn tới viêm và đau nhức. Đặc biệt, thời tiết lạnh có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
Cổ động viên đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng hôm 23/1 của đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn.
Để bảo vệ cổ họng cùng giọng nói của mình, bạn hãy tham khảo các lời khuyên dưới đây của Cleveland.
Uống đủ nước
Muốn tránh khàn giọng, điều đầu tiên cần làm là bổ sung đủ độ ẩm cho dây thanh âm. Bạn hãy uống nhiều nước và tránh dùng rượu, cà phê bởi hai loại đồ uống này khiến cơ thể mất nước, thậm chí gây trào ngược axit, từ đó gây kích ứng dây thanh âm.
Không hút thuốc
Hút thuốc kích thích dây thanh âm và làm tăng nguy cơ khàn tiếng. Người thường xuyên hút thuốc dễ rơi vào tình trạng này nhất song những ai thỉnh thoảng hút thuốc cũng không tránh khỏi rủi ro.
Khởi động
Thay vì hét to ngay lập tức, bạn nên bắt đầu bằng những âm thanh riêng lẻ với âm lượng vừa phải rồi sau đó tăng dần. Điều này tuy khó làm song lại rất hữu dụng. Cổ họng được luyện tập sẽ đỡ bị tổn thương hơn.
Nghỉ ngơi
Nếu cảm thấy giọng khàn và họng đau, bạn nên tạm dừng cổ vũ một chút. Liệu pháp tốt nhất cho cơ bắp hoạt động quá mức chính là nghỉ ngơi. Lúc này, bạn có thể vỗ tay, huýt sáo hoặc nhảy thay cho la hét.
Ngày hôm sau trận đấu, hãy cho phép cổ họng được xả hơi bằng hạn chế trò chuyện. Lưu ý không thì thầm bởi trên thực tế, hành động này tạo nhiều áp lực cho dây thanh âm. Trong tình thế bắt buộc phải mở lời, bạn hãy nói nhỏ.
Đi khám
Trường hợp cổ họng vẫn đau, giọng vẫn khàn dù đã nghỉ ngơi nhiều ngày, bạn nên đi khám để có biện pháp can thiệp phù hợp. Đôi khi, hò reo quá nhiệt tình khiến các mạch máu trong dây thanh âm bị vỡ và làm xuất hiện các cục máu nhỏ. Bệnh nhân sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Theo Vnexpress