Sau hai năm thí điểm Uber, Grab taxi, đại diện các hãng taxi truyền thống đề nghị Bộ Giao thông đình chỉ việc này.
Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ. Ảnh: Bá Đô
Đánh giá về những ưu nhược điểm của Uber, Grab taxi trong hai năm thí điểm, chiều 19/12, trong Hội nghị Tổng kết hai năm thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Hà Nội, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Giao thông Vận tải nhấn mạnh, loại hình này đã mang lại sự lựa chọn mới cho người dân tiện ích hơn và cũng mang lại luồng gió mới, kinh nghiệm quản lý với các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên ông Thọ thẳng thắn chỉ ra, việc quản lý về loại hình taxi công nghệ này còn nhiều bất cập, hoạt động còn chưa rõ ràng, chưa đủ những điều kiện cụ thể nên nhiều đơn vị lợi dụng để làm xáo trộn, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.
Một vấn đề lớn nhất hiện nay là cần phải làm rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ Uber, Grab, cần kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh ở Việt Nam. “Phải tôn trọng Việt Nam, đóng góp, có trách nhiệm về tài chính ở Việt Nam mới được hoạt động, đảm bảo cuộc chơi công bằng”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông cũng động viên các doanh nghiệp taxi truyền thống cần đổi mới theo hướng công nghệ hoá, trao đổi học hỏi lẫn nhau về ứng dụng công nghệ để cùng phát triển và tránh bị thụt lùi trong cuộc chơi chung.
Khẳng định, sẽ không thể để Uber và Grab hoạt động như hiện nay, ông Thọ cho rằng, sẽ tham mưu cho Chính phủ có sửa đổi và quyết định quản lý chặt chẽ hơn loại hình này nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện cho các hãng hoạt động thuận lợi nhất.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho rằng hiện taxi Uber, Grab còn có nhiều mặt trái, đặc biệt là số lượng phương tiện đang tăng nhanh và không được quản lý chặt chẽ. Hơn nữa, điều kiện kinh doanh của loại hình này còn đơn giản, lỏng lẻo, việc nhận biết và xử lý, quản lý khó khăn.
Theo ông Viện, giá cước của các hãng taxi công nghệ rẻ nhưng không kiểm soát được. “Hiện nay nó theo giờ, theo ngày, tuyến đường là do nhà mạng, bản thân lái xe taxi cũng không biết được mà buộc phải chấp nhận, hơn nữa cơ quan nhà nước không nắm được vì họ không đăng ký, không công bố giá”.
Từ thực tế này, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất cần thống nhất nhận diện xe sử dụng công nghệ theo đúng bản chất chứ không cấm. “Có nghĩa là phải đưa loại hình taxi này vào quản lý như loại hình vận tải hành khách như taxi hiện nay”, ông Viện nêu.
Các doanh nghiệp taxi truyền thống tiếp tục đề nghị dừng hoạt động của UBer và Grab.
Còn theo ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch hiệp hội Taxi Hà Nội, việc thí điểm taxi Grab, Uber đã thất bại vì đến nay việc quản lý còn nhiều bất cập dẫn đến loại hình này hoạt động tràn lan ở các địa phương chứ không riêng gì 4 địa phương thí điểm gây xáo trộn và cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của taxi truyền thống.
Ông Bình cũng chỉ ra, Uber và Grab đã sử dụng phù hiệu không đủ điều kiện. Nhiều xe mang biển số tỉnh lân cận đổ về Hà Nội hoạt động. Làm gia tăng ùn tắc giao thông, gây mất bình đẳng ở các sân bay. Ngoài ra, các hãng này không tôn trọng pháp luật Việt Nam, không đóng góp thuế và không có đại diện pháp lý ở Việt Nam.
Trên cơ sở này, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị dừng ngay việc cấp phù hiệu xe tham gia thí điểm, thu hồi giấy phép hoạt động, phù hiệu trái pháp luật và đặc biệt, Bộ Giao thông không tiếp tục thực hiện chương trình thí điểm.
Đồng tình với ý kiến của đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, nhiều lãnh đạo các hãng taxi truyền thống cũng cho rằng hiện nay không nước nào gọi Uber là hợp đồng điện tử, nó chỉ là phương thức giao kết chứ không phải hợp đồng kinh doanh. Nên việc gọi Uber, Grab là xe hợp đồng là khái niệm đánh tráo.
“Xe taxi Uber, Grab chạy hàng chục chuyến gọi là hợp đồng điện tử không rõ ràng nên phải định danh loại hình này bằng một cái tên cụ thể”, đại diện một hãng taxi truyền thống kiến nghị.
Chỉ ra nhiều lý do liên quan đến pháp lý về nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng kiến nghị xem xét đình chỉ việc thực hiện thí điểm.
Đại diện Uber vòng vo trả lời về nghĩa vụ kê khai giá cước, thuế
Đại diện Uber tại Việt Nam. Ảnh. Bá Đô
Trong cuộc họp, trước vấn đề mà Bộ Giao thông đặt ra là Uber không minh bạch và không kê khai giá với cơ quan quản lý, không đóng góp nghĩa vụ thuế, đại diện Uber đã không trả lời trực diện vào vấn đề mà cho rằng “giá cước hiện nay được quản lý theo công nghệ, có sự linh hoạt, trong đó người sử dụng biết được giá cước như thế nào, con số đó đã biết hoàn toàn minh bạch”.
Bị chất vấn lần thứ hai, đại diện Uber vẫn có câu trả lời cũ nên lãnh đạo Bộ Giao thông đề nghị Uber có đóng góp để quản lý tốt và tuân thủ nghĩa vụ tài chính, thuế với cơ quan chức năng, thì đại diện Uber cho rằng “Chúng tôi chưa có đề xuất nào thêm và sẽ lắng nghe, hợp tác với quý vị để xây dựng tốt hơn”.
Xuất hiện ở Việt Nam chỉ vài năm nay, nhưng Uber, Grab được cho là dồn các hãng xe taxi truyền thống vào đường cùng. Nhiều hãng xe truyền thống đã buộc phải cắt giảm lượng lớn nhân sự, hoặc thay đổi công nghệ để giữ thị phần, cạnh tranh… Trong một diễn biến khác, loại hình taxi mới như Uber cũng đang vướng lùm xùm liên quan tới truy thu thuế gần 67 tỷ đồng, khủng hoảng nhân sự cấp cao của hãng sau 3 năm có mặt tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông, hiện nay có 4 trên 5 địa phương đăng ký chính thức tham gia thí điểm, trong đó có Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hoà và TP. HCM (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm). Tổng số có 866 đơn vị vận tải với 36.800 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó tại TP. HCM là 21.600 xe, Hà Nội là trên 15.000 xe, Quảng Ninh với 62 xe, Khánh Hoà có 100 xe.
Tính riêng TP HCM, Công ty TNHH Grab Taxi có trên 18.100 xe. Uber là trên 3.600 xe. Tại Hà Nội có 11.400 xe Grab Taxi, Uber là gần 2.400 xe.
Theo Vnexpress