Đâu chỉ có chuyện mẹ chồng – nàng dâu mà chuyện chị chồng – em dâu cũng là vấn đề luôn “nóng” trong cuộc sống.
Quỳnh Lam là người Sài Gòn lấy chồng gốc Bắc, cả gia đình chồng chị sống chung với nhau trong một căn hộ lớn ở góc chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh, TP.HCM). Đặc biệt, trong nhà có bà chị chồng tính tình rất hà khắc. Biết sớm muộn gì cũng không chịu nổi, Lam bàn với chồng xin ra ở riêng, nhưng không được chấp thuận. Mẹ chồng chị bảo sống đại gia đình là truyền thống của nhà chồng nên Lam đành chấp nhận.
Phận làm dâu, mẹ chồng làm khó đã đành, đằng này cả chị chồng cũng suốt ngày vặn vẹo. Quỳnh Lam hết sức cố gắng nhưng không được chị chồng ghi nhận. Là con một, Lam được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ nên việc bếp núc không mấy giỏi giang. Tuy vậy, vào các dịp lễ, tết hay gia đình có đám tiệc, Lam đều xắn tay áo giúp chị chồng hết lòng. Thay vì giúp đỡ cho cô em dâu, chị chồng lại đặt điều nói xấu, bảo Lam lười biếng, vụng về.
Đỉnh điểm là một lần, Lam vì muốn bày tỏ thành ý với chị chồng nên nấu sẵn bát chè đậu xanh mang vào phòng riêng tạo cho chị sự bất ngờ. Nào ngờ, tối hôm đó, chị ấy lại họp cả gia đình cho rằng Lam mượn cớ vào phòng trộm tiền.
Sau trận bị vu oan, Lam biết mình không được lòng chị chồng nên lẳng lặng làm tốt việc mình, hết sức cẩn thận trong lời ăn tiếng nói không dám đá động gì đến chị chồng nữa vì trót sống chung nhà.
Có thể nói sau mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mối quan hệ giữa các chị chồng – em dâu trong nhà cũng có thể gây nên nhiều phiền phức. Trước hết, họ là hai người dưng nên nói về tình cảm không có gì sâu đậm. Kế đó, họ lại là hai người phụ nữ với những quan hệ chồng chéo khó phân minh, không thể trong một sớm một chiều mà “ăn ý” nhau được.
Em dâu thường là nhỏ tuổi hơn, nhiều cô có suy nghĩ rất đơn giản, vô tư và xuề xòa. Chị chồng thường là người chững chạc hơn, quyền hạn, vị thế, tiếng nói trong gia đình cũng “nặng ký” hơn, đặc biệt là được mẹ “nghe lời” hơn. Vì thế, nếu không dựa vào mối quan hệ gắn kết giữa mọi người trong gia đình, không biết cách cư xử, không nhường nhịn lẫn nhau, tình cảm chị dâu – em chồng sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu là chuyện rất dễ xảy ra.
Muốn dung hòa mối quan hệ chị chồng – em dâu, không dễ. Tuy nhiên, nhiều chị em chọn áp dụng một số “chiêu” sau:
Rủ nhau đi làm đẹp
Làm đẹp luôn là chủ đề tuyệt vời thu hút sự quan tâm của phái nữ. Thử một buổi cùng nhau đi spa hay đi làm tóc bạn sẽ thấy cả hai như hiểu nhau hơn. Càng nói chuyện càng thấy hợp ý và có thể chia sẻ với nhau mọi điều về chuyện làm đẹp.
Rủ nhau đi mua sắm
Ngoài làm đẹp thì mua sắm chính là chủ đề bất tận của chị em. Và chẳng cần gì nhiều đâu, hẹn nhau một bữa đi mua sắm cũng đủ “cứu vãn” mối quan hệ căng thẳng rồi. Thử hỏi sau giờ làm, hai chị em hẹn nhau lượn khắp các shop thời trang hay trung tâm thương mại thì sẽ thú vị thế nào.
Cùng đi ăn uống
Với phụ nữ, thức ăn luôn là thứ khiến chị em cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Vậy nên sau khi đi làm đẹp hay mua sắm, chị em cũng có thể dẫn nhau đi ăn một bữa thật ngon để “hâm nóng” tình cảm. Người ta vẫn hay bảo thức ăn sẽ mang mọi người đến gần nhau hơn và nó cũng sẽ đúng đối với mối quan hệ giữa chị chồng – em dâu.
Cùng nhau nấu ăn
Nếu hôm ấy nhà có tiệc hay có đám gì quan trọng, thay vì đặt đồ ăn bên ngoài, chị chồng – em dâu có thể chủ động cùng nhau đi siêu thị và rồi cùng nhau tự tay nấu các món ăn cho bữa tiệc gia đình. Khi nấu ăn, người ta có thể tạm quên đi mọi chuyện không vui và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đây cũng là dịp để cả hai có thể thấu hiểu tâm tư tình cảm của đối phương hơn. Biết đâu, sau bữa tiệc, mọi người khen thức ăn ngon sẽ là động lực để chị chồng – em dâu tiếp tục dắt tay nhau vào bếp và chữa lành những rạn nứt?
Mối quan hệ chị chồng em – dâu rất nhạy cảm và tế nhị. Những người trong cuộc phải hết sức thông cảm, chia sẻ và mọi người xung quanh nên thiện chí, góp phần vun vén…
Theo Mai Ka/Thế Giới Tiếp Thị
Link