Mình nhìn lịch trình học của trẻ VN hiện tại, mình thực sự choáng. Mình thấy nhiều nhưng ko hiểu sao nhiều phụ huynh cứ bảo có gì đâu mà nhiều. Mình kể 2 trường hợp sau như 1 cách tham khảo cho phụ huynh và lý giải về sự khác biệt của trẻ!
Sự khác biệt trong khả năng của trẻ
Trí Đoàn (hiện nay 9 tuổi) vừa vất vả hoàn thành xong năm học lớp 3 của em. Từ khi vào học lớp lá thì các cô giáo đã than phiền về khả năng tập trung chú ý và tốc độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập của bé. Trong giờ học, khi cô giáo đang giảng bài thì đầu óc của Trí Đoàn đang ‘lang thang’ ở đâu đó, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bé hoàn toàn không tiếp thu được gì từ bài học. Trong khoảng thời gian chú ý rất ngắn khi cô nhắc nhở thì thông tin được ghi lại. Bé vẫn làm toán khá nhanh và chính xác, nhưng đặc biệt ghét viết bài. Từ lớp lá tới giờ này, hầu như nhiệm vụ viết bài không bao giờ được hoàn thành trong giờ học.
Ở nhà, mẹ của bé cũng thường mất 3 tiếng ‘kè kè’ và ‘quát tháo’ ầm ĩ thì bé mới hoàn thành được bài viết tầm nửa trang giấy. Tuy bị xem là chậm phát triển ngôn ngữ trong tiếng Việt, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống hạn chế và ghét việc học ở trường nhưng bé thích học tiếng Anh, phát âm cực tốt và ghi nhớ từ mới khá nhanh. Ở lớp học IQ, khả năng của bé cũng được đánh giá ở mức khá. Mẹ của bé vì lo lắng con không theo kịp chương trình học nên ngày nào về nhà cũng ép bé ngồi học tới 11 giờ đêm, chưa kể học thêm nhà cô buổi sáng và học chính quy buổi chiều (trường không có bán trú). Càng ép thì bé càng ghét học và việc không hoàn thành bài vở diễn ra thường xuyên hơn.
Hoàng Kha (10 tuổi) cũng gặp vấn đề về chú ý nhưng khác Trí Đoàn, Hoàng Kha có sức tâp trung chú ý cao nhưng phân phối và di chuyển chú ý kém. Kha chỉ có thể làm mỗi lúc một việc duy nhất và để di chuyển chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác thì mất rất nhiều thời gian.
Ví dụ: Khi cô giáo đã giảng sang nội dung mới và giao nhiệm vụ mới thì Kha vẫn còn nghĩ về nội dung và nhiệm vụ cũ và say sưa với chúng khiến cô giáo nhiều lần tức giận vì cho rằng bé bướng bỉnh, muốn làm trái ý cô. Có khi cô đã chuyển sang giờ Toán thì cậu vẫn nghĩ về câu chuyện trong bài đọc trước đó khiến cậu bỏ lỡ những nội dung của môn Toán. Tuy nhiên, cậu bé có thể ngồi ở bàn học suốt mấy tiếng đồng hồ để làm các bài tập hay đọc liên tục quyển sách dày hàng trăm trang.
Bé có vốn hiểu biết rất sâu về lĩnh vực mà bé quan tâm, chẳng hạn địa lý, động thực vật vì khi nghe, đọc, hoặc xem các thông tin, hình ảnh liên quan thì bé đều hết sức tập trung nên ghi nhớ rất chi tiết. Đáng tiếc ở tuổi của bé, các môn này đều không đòi hỏi cao nên cả gia đình và các thầy cô giáo cũng không ghi nhận ưu điểm này, trái lại, ba mẹ của bé còn ngăn cản thói quen đọc sách quá nhiều và quá lâu của bé.
Để bù đắp những thiếu hụt ở trường nên 5 buổi tối trong tuần, bé đều có gia sư đến tận nhà kèm cặp sau cả ngày học bán trú mệt nhoài. Cuối tuần, bé vẫn miệt mài với lớp học Anh văn và học đàn ở trung tâm.
Hai trường hợp được mô tả chi tiết ở trên đã chứng minh khả năng của trẻ rất đa dạng, mỗi trẻ có điểm mạnh lẫn điểm yếu. Trong nhiều trường hợp, trẻ bộc lộ nhiều điểm yếu trong học tập chính quy với các yêu cầu (chưa chắc đã hợp lý) của hệ thống giáo dục hiện hành nhưng lại bộc lộ những điểm mạnh ở các lĩnh vực khác ngoài lớp học.
Đáng tiếc, thước đo phổ biến năng lực của cá nhân ở Việt Nam lại dựa vào kết quả học tập tại trường trong khi các hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh trong trường học Việt Nam hết sức nghèo nàn và thiếu độ tin cậy. Chưa kể, các giáo viên Việt Nam cũng thiếu kinh nghiệm trong việc nhận diện các khả năng đa dạng của trẻ thông qua việc quan sát hàng ngày.
Do đó, nhiều trẻ đã không được nhìn nhận khả năng một cách công bằng để có phương pháp giáo dục phù hợp.
Những xuất phát điểm khác nhau
Lý giải về khả năng của con người thì đang tồn tại rất nhiều giả thuyết và phần lớn chưa được kiểm chứng đầy đủ. Tuy nhiên, những bằng chứng khoa học khá vững chắc đã chứng minh sự đóng góp một phần của yếu tố bẩm sinh di truyền đối với sự phát triển năng lực, phẩm chất của trẻ bên cạnh các yếu tố môi trường, giáo dục và hoạt động của cá nhân.
Vì vậy, có những trẻ có xuất phát điểm thấp hơn các trẻ khác ngay từ khi sinh ra. Bỏ qua các khiếm khuyết về thân thể, hệ thần kinh của một số trẻ cũng có thể bị khiếm khuyết lúc chào đời khiến sự tiếp nhận và xử lý thông tin hay nói cách khác là sự học của trẻ gặp nhiều khó khăn.
Mỗi vùng trên vỏ não được cho là điều khiển một hoạt động nhất định của con người như nghe, nhìn, nếm, ngửi, nói, viết, vận động…, sự khiếm khuyết một vùng cụ thể có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển khả năng liên quan đến vùng đó. Ngược lại, sự khoẻ mạnh vượt trội ở một số vùng trên vỏ não có thể giúp trẻ có lợi thế khi phát triển các khả năng liên quan.
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh khả năng học Toán của trẻ có ảnh hưởng của nhiều yếu tố bẩm sinh và có liên quan đến một số vùng trên vỏ não. Sự khác biệt của trẻ khi bước vào tiểu học còn liên quan đến chất lượng giáo dục gia đình và giáo dục tiền tiểu học mà trẻ được tiếp nhận.
Nhiều ba mẹ trước khi sinh con đã tìm hiểu những biện pháp nuôi dạy con để kích thích các khả năng của trẻ từ những năm đầu đời (vô cùng quan trọng, còn được gọi là thời điểm vàng để phát triển năng lực cho trẻ). Ngược lại, nhiều cha mẹ rất thờ ơ và gần như không định hướng lẫn khơi gợi bất cứ tiềm năng nào của trẻ.
Chất lượng giáo dục ở các trường mầm non ở Việt Nam cũng rất chênh lệch. Nhiều trẻ được làm quen với chữ, số, kỷ luật lớp học trước khi vào lớp 1 nhưng cũng có trẻ không. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là sở thích, hứng thú của mỗi trẻ cũng khác nhau.
Có thể thích múa hát, có trẻ thích đồ chơi lắp ráp, có trẻ thích học tính toán, có trẻ thích học ngoại ngữ…thông thường, trẻ thích điều gì thì sẽ dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn cho lĩnh vực đó, tất yếu, các lĩnh vực khác có thể bị coi nhẹ.
Những giả thuyết tương đối phổ biến trên có thể giải thích phần nào sự khác biệt trong năng lực học tập của trẻ trong trường học. Vì thế, rất khó để đưa ra một giải pháp học tập phù hợp cho tất cả trẻ.
Học đủ là học thế nào?
Như đã nói ở trên, không có công thức chung cho mọi trẻ nhưng khái niệm ‘học đủ’ vẫn có thể áp dụng cho từng trẻ khi thời gian, khối lượng kiến thức trẻ học được là vừa sức, trẻ không có bất cứ dấu hiệu căng thẳng nào.
Hiệp hội Giáo viên- Phụ huynh của Mỹ nghiên cứu và cho rằng trẻ lớp 1 chỉ nên làm bài tập về nhà mỗi ngày 10 phút, cứ thêm một lớp thì tăng thêm 10 phút, trẻ lớp 12 học ở nhà nhiều nhất là 120 phút. Đây là con số được đề xuất nhưng thực tế vẫn có trẻ ham thích lẫn có khả năng học lâu hơn. Tuy vậy, cha mẹ cũng cần cân nhắc, không nên để con học thêm ở nhà nhiều hơn con số cần thiết ở độ tuổi của con nhiều lần.
Bên cạnh đó, trong cùng một thời điểm, không thể yêu cầu trẻ phải xuất sắc mọi lĩnh vực được. Do đó, cha mẹ không nên nhồi nhét con học nhiều thứ một lúc. ‘Học đủ’ còn bao hàm học trong sự yêu thích. Khi yêu thích điều gì, con người có thể duy trì sự tập trung chú ý và việc đó lâu hơn nhưng lại ít thấy căng thẳng, mệt mỏi. Trẻ cũng vậy, vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu sở thích của con hoặc cho con thử tham gia nhiều hoạt động, trao cho con kiến thức, kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau để con khám phá được sở thích của chính con. Khi đó, có thể việc ‘học đủ’ của con còn trên cả sự mong đợi của cha mẹ.
Theo Sách và trẻ thơ/ BigSchool