Cô cảm thấy hổ thẹn vì con gái cô không làm được như cậu bé Trát Tây, bản thân cô cũng không làm được việc mẹ cậu bé đó đã làm.
Bài viết được một người mẹ chia sẻ trên trang China Times. Nội dung bài viết như sau:
Ngày nghỉ lễ, chúng tôi đưa con gái đi Vân Nam chơi một chuyến. Tôi đã vô cùng xúc động khi chứng kiến một tình huống ở nhà người bạn dân tộc Tạng và tôi rất muốn chia sẻ cùng mọi người.
Cách ứng xử xung quanh 2 chiếc đùi gà
Nhà họ có cậu con trai 3 tuổi tên là Trát Tây. Cậu bé đứng bên đợi thèm chảy nước miếng. Cuối cùng gà đã hầm xong, mẹ gắp hai chiếc đùi gà để vào bát của con trai.
Cháu bé hớn hở thổi lấy được, thổi mãi, thổi mãi, cuối cùng khi đùi gà sắp nguội, mẹ cháu đi đến nói: “Trát Tây, con gắp hai chiếc đùi gà này vào bát của ông bà nội mời ông bà đi.”
Cậu con trai nghe thấy thế chẳng vui chút nào, ôm khư khư chiếc bát, nói trong nước mắt: “Không, không cho, đùi gà của con, con cũng muốn ăn.”
Mẹ bé chỉ nói, ông bà già rồi, răng ngày càng yếu, đồ ăn ngon có thể ăn được ngày càng ít nhưng Trát Tây còn nhỏ, sau này còn nhiều cơ hội ăn đồ ngon. Thế nên có đồ ăn ngon phải nhường ông bà trước.
Đứa trẻ 3 tuổi khó có thể hiểu hết được đạo lý này. Đạo hiếu cao mấy cũng không vượt qua nổi sự hấp dẫn của chiếc đùi gà trước mặt.
Đương nhiên Trát Tây không đồng ý, giữ chặt chiếc bát, nước mắt ngân ngấn nói lặp đi lặp lại, Trát Tây cũng muốn ăn, Trát Tây cũng muốn ăn.
Người mẹ không nổi cáu nhưng ánh mắt kiên định không thỏa hiệp.
Con trai vẫn không tình nguyện nhưng bé hiểu ánh mắt của mẹ. Bé trai 3 tuổi này không khóc, cũng không quấy nhiễu, nước mắt trào ra nhưng vẫn bê hai chiếc đùi gà đến gắp cho ông nội một chiếc, bà nội một chiếc.
Bà nội bé ngồi bên nói, có người mẹ như con, sau này nhất định Trác Tây sẽ nên người.
Ảnh minh họa.
Tôi ngồi bên, khóe mắt ươn ướt, ngoài xúc động ra, tôi còn cảm thấy hổ thẹn hơn. Tôi quay lại nhìn con gái. Cháu không làm được việc Trát Tây có thể làm. Tự vấn bản thân, tôi cũng không làm được việc mẹ cậu bé đó có thể làm.
Thường ngày khi ăn cơm cùng ông bà, tôi cũng yêu cầu con không được ăn một mình món cháu thích mà phải để phần cho ông bà nội ngoại.
Nhưng ông bà cưng chiều cháu, thứ gì cũng nhường cho cháu.
Họ chỉ tranh nhau nhường đồ ăn ngon cho cháu gái. Cháu thích ăn thì thì ông bà nhường cho cháu gái chọn trước. Tôi cũng thường nói với ông bà cháu, đừng nuông chiều cháu quá.
Nhưng tôi là con gái họ, cũng là người mẹ. Bản thân tôi cũng có lòng ích kỷ: thương con, muốn dành những thứ tốt nhất cho con. Thế nên về cơ bản, lần nào cũng chỉ nói miệng, cuối cùng vẫn theo ý ông bà cháu.
Giờ ngẫm lại, tôi không thấy có lần nào con gái mình chủ động đem món yêu thích nhất của mình ra mời ông bà.
Ngẫm mà thấy sợ. Không biết từ khi nào, con tôi bắt đầu vô giáo dục thế, còn tôi lại không hề nhận ra?
Ông bà cháu cho rằng tôi quá quan trọng hóa vấn đề, còn nói đỡ cho cháu gái: “Cháu còn nhỏ, con mong nó có thể hiểu được đạo lý đối nhân xử thế sao? Khi ăn, khi chơi, việc gì cũng phải nghĩ cho người khác, nhường cho người khác sao?”
Ảnh minh họa.
Tôi thật sự chưa từng nghĩ vậy.
Tôi không hề sợ con gái 2 tuổi của mình không học được đạo lý đối nhân xử thế, mà điều tôi sợ là trong lòng nó chưa từng có người khác, chưa từng biết nhường nhịn là thế nào.
Đạo lý đối nhân xử thế là một loại khả năng, lớn lên cháu sẽ dần dần hiểu được. Nhưng nếu làm gì cũng chỉ biết đến bản thân thì sẽ là một loại ích kỷ, lớn lên sẽ càng khó sửa đổi.
“Hiếu thảo ngược”
Hiếu kính bề trên vốn là lẽ thường tình nhưng không biết bắt đầu từ khi nào, tất cả đã thay đổi. Chúng ta không còn dành những thứ tốt nhất mời cha mẹ mà lại đem những thứ tốt nhất cho con cái.
Cha mẹ không có ai mong con sẽ phụng dưỡng lúc về già mà chỉ một lòng hy sinh, hy sinh cho con cái chưa đủ, lại tiếp tục hy sinh cho cháu chắt.
Còn trẻ con bây giờ cũng không kính sợ cha mẹ và bề trên. Khi cáu giận, cũng chưa từng để ý đến việc đối phương có phải là bề trên không. Thậm chí khi cha mẹ quở trách thì ông bà cũng đã sớm bao che cho rồi.
Bề trên không so đo, thêm nữa cũng không cần mất vui vì những chuyện nhỏ nhặt. Kết quả không tránh khỏi là con trẻ không biết tôn trọng người lớn tuổi.
Trước đây tôi nghĩ mình nói rõ đạo lý này cho con hiểu trước, sau này cháu sẽ làm. Nhưng giờ tôi mới thấy, có những việc phải làm trước rồi mới có thể dần dần hiểu ra.
Có những chuyện bắt buộc phải làm hoặc không thể làm chẳng hạn như: bắt buộc phải tôn trọng người lớn, không được tùy tiện nổi cáu với bề trên. Nếu trẻ còn quá nhỏ, không hiểu được tại sao lại “bắt buộc” cũng không sao, hãy thực hiện trước, rồi thời gian sẽ giúp bé hiểu ra.
Nhưng nếu ngay từ đầu đã không rõ ràng, không lập ra quy định, đợi khi trẻ thật sự có thể hiểu được thì sợ rằng sẽ ngại thay đổi hoặc là thói quen đã thành điều hiển nhiên, không thay đổi nổi nữa.
Ảnh minh họa.
Tình yêu dành cho con cùng lễ nghĩa và sự tôn trọng với bề trên không hề xung đột
Yêu con là một bản năng. Đặc biệt khi đã có tuổi, tôi tin tất cả ông bà nội ngoại đều sẵn lòng làm mọi thứ có thể vì con cháu, giống như tình yêu thương vô bờ bến.
Nhưng thưa những bề trên kính yêu, chúng ta nhất định phải hiểu rằng, một đứa trẻ được nuông chiều sẽ không trở thành người được chào đón, cưng chiều đến mấy cũng không thể cùng cháu đi hết cuộc đời.
Giờ cháu ông bà chỉ là cháu của các vị nhưng sau này cháu sẽ là đồng nghiệp của người khác, là chồng vợ của người khác, là cha mẹ của người khác, ai có thể như ông bà thuận theo ý cháu cả đời được. Nếu như người khác không thể thì người chịu khổ cuối cùng vẫn là bản thân cháu.
Làm cha mẹ cũng không nên để ông bà quá nuông chiều cháu mà nên tìm cách can thiệp hợp lý.
Nếu cha mẹ nào cũng dạy con mình tôn trọng và hiếu kính với ông bà như mẹ của Trát Tây, tôi tin dù có cưng chiều con đến mấy cũng sẽ không làm hư đứa trẻ.
Lễ phép và nhường nhịn để cho người ngoài thấy, đó gọi là đạo lý đối nhân xử thế. Đối xử tự nhiên trước mặt người nhà, đó mới gọi là được giáo dục tốt.
Người khởi xướng “hiếu thảo ngược” không phải là con trẻ. Trẻ con vốn là tờ giấy trắng, bạn dạy thế nào, các bé sẽ học thế đó.
Bạn dạy con hiếu kính cha mẹ, cháu sẽ không để bạn về già không nơi nương tựa. Bạn dạy con nghĩ đến người khác, cháu sẽ không thành người ích kỷ tư lợi. Bạn dạy con biết cảm ơn, cháu sẽ không coi mọi thứ là điều đương nhiên.
Nếu khi nên hiếu kính mà bạn không dạy con hiếu kính thì đừng lấy làm lạ khi bạn muốn con hiếu kính, cháu lại không làm được.
Lúc nhỏ, bạn không dạy con tôn trọng, lớn lên lại trách cháu ích kỷ. Xin hỏi rốt cuộc ai mới là người ích kỷ?
Xin đừng nói là người một nhà, bạn không so đo nhiều đến thế. Nếu với người thân và bề trên của bạn, con bạn không làm được thì sao cháu có thể thật lòng với người ngoài?
Làm một người mẹ, tôi đang cố gắng hắt cả bát nước đi trước rồi chắt lại từng giọt, từng giọt.
Sau khi từ Vân Nam về, cách dạy con của tôi rõ ràng hơn và cũng có đôi chút khác biệt.
Mỗi khi mua thứ tươi ngon về, tôi sẽ để con chủ động mời ông bà và bố mẹ ăn trước; khi cháu không lễ phép với người lớn, tôi sẽ không nghe mà để đấy, mắt nhắm mắt mở bỏ qua như trước kia.
Đương nhiên quá trình này không dễ dàng thế. Nhưng thuyết phục ông bà cháu cùng phối hợp lại không hề khó như bạn nghĩ. Vì ông bà yêu thương con cháu nhưng họ cũng muốn con cháu luôn tôn kính họ, lúc nào cũng nghĩ cho họ.
Nếu không, tại sao khi thấy cháu gái chọn quả đào to nhất trong đĩa đào mình thích nhất đem mời bà nội của con gái tôi, nét cười trên khóe mắt bà lại sâu đến thế?
Tại sao khi nghe cháu gái xin lỗi vì đã cáu giận, nước mắt ẩn nơi khóe mắt bà lại sâu đến thế?
Tôi hy vọng bản thân không tỉnh ngộ quá muộn, cũng hy vọng rằng bài viết này giúp ích cho bạn đọc.
Hồng Ánh, Theo Trí Thức Trẻ, Soha