Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Chuyên gia trẻ em cảnh báo: Chỉ một lần đánh đòn con cũng để lại những hậu quả lâu dài

Chuyên gia tâm lý học và sự phát triển của trẻ em luôn giữ vững quan điểm rằng đánh đòn con là không cần thiết và rất đáng lo ngại.

Đánh đòn con như một cách kỷ luật khá phổ biến trong các nền văn hóa châu Á. Thậm chí, còn có một câu nói quen thuộc ai cũng từng nghe là “Thương cho roi cho vọt”, cho rằng đây mới là cách thể hiện tình thương với con.

Tuy nhiên, các chuyên gia về sự phát triển trẻ em và tâm lý học đang ngày càng thúc giục cha mẹ không dùng đòn roi để kỷ luật trẻ. Họ nhấn mạnh, đòn roi có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy.

Đánh trẻ có phải là cách phạt trẻ hiệu quả?

Đánh đòn con bao gồm các hành động “tét vào mông trẻ, đánh và dùng roi vọt. Ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới – không chỉ những nước châu Á – việc tét mông trẻ không có gì xa lạ.

Ví dụ ở Anh, điều 58 Luật Trẻ em 2004 nhấn mạnh, cha mẹ và người chăm sóc được cho phép về mặt pháp lý được đánh trẻ một cách nhẹ nhàng, chỉ cần hành động này được coi là “phạt hợp lý”. Cũng tại đây, thậm chí, hình thức trừng phạt thân thể đối với trẻ ở tuổi chập chững biết đi còn được bảo vệ bởi lý do: chỉ cần không để lại vết tích. Nhưng làm thế nào để xác định ranh giới giữa đánh hợp lý và không hợp lý? Khi nào thì việc đánh trẻ được xếp vào lĩnh vực lạm dụng?

trẻ em

Đánh trẻ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và khiến trẻ hấp thu những thông điệp xấu về bạo lực (Ảnh minh họa).

Chuyên gia tâm lý học và sự phát triển của trẻ em luôn giữ vững quan điểm rằng, trừng phạt thân thể với trẻ em là không cần thiết và rất đáng lo ngại. Nó có thể ảnh hưởng đến trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Để giải quyết vấn đề này, các nhà tâm lý học trên toàn thế giới đã đồng lòng đứng dậy. Hiệp hội Tâm lý học Giáo dục (AEP) tại Anh mới đây đã có động thái gửi tới Tổ chức Công đoàn Anh (Trades Union Congress – TUC) nước này. Theo đó, họ thúc giục chính phủ Anh “nhận thức rằng các hình phạt về thân thể có thể để lại tác động tiêu cực lâu dài đối với sự phát triển của một đứa trẻ“.

Ngay cả “những hình thức bạo lực và hiếu chiến nhẹ hơn” cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực lên cá nhân – theo Emma Kristensson của Hiệp hội Quyền Trẻ em Thụy Điển (BRIS). Hơn thế nữa, “lớn lên mà không chịu đựng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào là quyền cơ bản của con người“.

Hậu quả của việc đánh trẻ là gì?

Đánh trẻ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và khiến trẻ hấp thu những thông điệp xấu về bạo lực. Sau đây là một số tác động tiêu cực khi đánh trẻ:

– Trừng phạt thân thể có thể làm nảy sinh sự khinh miệt.

– Đánh trẻ khiến chúng không biết cách chuyển hướng những nguồn năng lượng tiêu cực, từ đó có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái chống đối xã hội.

– Nó khiến trẻ suy giảm thái độ tự tin vào giá trị bản thân (Trẻ học cách e sợ trừng phạt hơn là cố gắng để hiểu tại sao mình cần phải tuân thủ quy định).

– Nó để lại những dấu vết tâm lý, dẫn tới các bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn nhân cách và mất khả năng trí tuệ.

– Trừng phạt thân thể có thể gây ra hội chứng lo âu ở tuổi thơ (có thể mở rộng tới giai đoạn trưởng thành).

trẻ em

Trừng phạt thân thể có thể gây ra hội chứng lo âu ở tuổi thơ (Ảnh minh họa).

– Nó gửi đi thông điệp: đánh người khác không sao cả. Trẻ có xu hướng bắt chước hành động của bạn. Và khi thông điệp xấu được trẻ đón nhận, trẻ có thể diễn giải bằng hành vi tương tự ở bất cứ nơi nào khác, ví dụ, với bạn bè của trẻ chẳng hạn.

– Khiến trẻ hiếu chiến và bạo lực với người khác.

– Khiến trẻ khó khăn trong việc học tự kiểm soát bản thân hoặc hành vi phù hợp (khi trẻ tự nhận thức rằng, không có quy định nào hết và mọi chuyện có thể được dàn xếp với cách thức trừng phạt thân thể).

Nếu cha mẹ nghĩ rằng trao cho con bằng rất nhiều yêu thương, vỗ về sau khi đánh con có thể bù đắp đau đớn đòn roi, có thể các bạn đã lầm. Theo các chuyên gia, sự ấm áp của cha mẹ dành cho trẻ sau khi áp dụng đòn roi không làm xoa dịu tình hình, thậm chí, nó còn làm “mọi việc tệ hơn”. Trên thực tế, nó mô phỏng 1 trong những dấu hiệu cơ bản của mối quan hệ lạm dụng ở người trưởng thành theo chu trình bạo lực – tha thứ và cứ như vậy.

trẻ em

Đánh đòn trẻ không bao giờ là biện pháp kỷ luật hiệu quả, dù trong bất cứ tình huống nào (Ảnh minh họa).

Với trẻ em, việc này có thể biểu hiện thành chứng lo âu tuổi thơ và thực sự trở nên tồi tệ đi khi cha mẹ một mặt rất yêu thương, một mặt lại đánh con. Về cơ bản, con bạn không biết khi nào sẽ phải đối mặt với đòn roi. Yêu thương thắm thiết lúc này và bạo lực dữ dằn vào lúc khác có thể khiến đứa trẻ hoang mang, bối rối. Với một vài đứa trẻ, chuyện này có thể được diễn giải rằng, khi phải chịu đựng bạo lực chính là lúc trẻ bị “chối bỏ”.

Gợi ý dành cho cha mẹ khi trẻ có cư xử chưa đúng

Có sự khác biệt giữa trừng phạt và kỷ luật. Say đây là một số kỹ thuật mà cha mẹ có thể áp dụng khi bạn cảm thấy con có hành vi sai:

– Kết hợp phạt với các phương pháp tích cực để kiểm soát hành vi.

– Các biện pháp như trừng phạt hay áp dụng hậu quả tiêu cực mà trẻ phải chịu vì hành vi xấu hợp với trẻ từ 3 tuổi trở lên. Trẻ nhỏ hơn không thể thấy được mối liên hệ giữa hành động của mình và hậu quả đi kèm.

trẻ em

Có thể áp dụng hình phạt time-out thay vì đánh đòn con (Ảnh minh họa).

– Đặt ra quy tắc rõ ràng trong gia đình để giúp kiểm soát những kỳ vọng, trông đợi. Trẻ nhỏ hơn cần sự trợ giúp của cha mẹ để nhớ về các quy tắc.

– Tránh hành vi thách thức bằng cách lên kế hoạch từ trước. Tức là nếu bạn biết trẻ có xu hướng cư xử xấu khi đi siêu thị, hãy để trẻ ngồi trong xe đẩy siêu thị và cho trẻ thứ gì đó thú vị để làm.

– Kiểm soát cơn nóng giận, mức độ stress, cảm giác bức bối, khó chịu của bạn. Nếu tất cả đều thất bại, hãy hít một hơi thật sâu và đếm từ 1 tới 10 trước khi bạn hành động do bốc đồng.

– Tước quyền ưu tiên sử dụng thứ gì đó hay làm gì đó (ví dụ, xem tivi trong khi ăn tối, không chơi với bạn ngoài sân chơi…).

– Áp dụng hình phạt time-out, đưa trẻ ra khỏi tình huống gây nên hành vi xấu, cho trẻ thời gian để xem xét lại hành động của mình.

Nếu có thể, đừng chú ý đến trẻ trong một khoảng thời gian ngắn.

Huyền Nguyễn – Helino

Link

 

 

 

 

Exit mobile version