Và sữa follow-on (sữa ăn dặm) là nơi thể hiện bản lĩnh… bốc phét của các nhà quảng cáo.
PV: Gần đây, trên mạng xã hội và ngay cả báo chí có đưa tin về sữa bò có những tác dụng phụ đáng sợ như gây đau bụng, tiêu chảy, loãng xương, tăng cân… Cháu nhỏ nhà tôi năm nay đã 4 tuổi nhưng tôi vẫn duy trì cữ sữa bên cạnh chế độ dinh dưỡng thông thường. Tuy nhiên, những thông tin này khiến tôi cảm thấy hoang mang.
Thưa ông, sữa có thật sự ích lợi và cần thiết cho con người không, nhất là với trẻ nhỏ?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Sữa có lợi cho sức khỏe hay không là chủ đề khá phức tạp và cũng dễ đánh lận. Tôi nghĩ là cần tách bạch thành hai loại: sữa dành cho em bé, và sữa dành cho người lớn từ vài ba tuổi trở lên.
Trẻ em là ưu tiên hàng đầu, nên chúng ta sẽ bàn về sữa cho tụi nhóc trước, còn “người lớn vài năm tuổi trở lên” sẽ đề cập qua bài khác, tiếp ngay theo bài này cũng được, nếu bạn muốn.
Trẻ em mà tôi muốn nói ở đây là tụi bê bi, mà nguồn thức ăn chính của chúng là sữa, kể cả sữa mẹ, sữa bò, sữa dê, sữa ngựa, sữa công thức, và cũng không loại trừ cả sữa… đậu nành.
PV: Người ta luôn nhấn mạnh, sữa mẹ là tốt nhất. Vậy sữa mẹ tốt hơn sữa bò ở chỗ nào?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Xét về thành phần dinh dưỡng thì sữa mẹ thua xa sữa bò, sữa dê: protein ít hơn, khoáng calcium ít hơn, nhưng carbohydrates (chủ yếu là đường lactose) và chất béo lại nhiều hơn.
Những thứ thiên hạ ăn kiêng ái ngại là chất béo và đường thì sữa mẹ lại quá nhiều. Trong khi chất đạm (protein) và calcium cần cho chắc xương chắc thịt thì sữa mẹ lại quá ít (1)
Cụ thể trong 100 ml thì, sữa mẹ thua (xa) sữa bò thế này : protein 1,04 /3,29g và calcium 32,92 / 115mg.
Còn sữa mẹ nhiều hơn sữa bò thế này: chất béo 4,5/3,29 g và carbohydrate 7,08/4,58g.
Thành phần dinh dưỡng hơn thua nhau khá nhiều đấy. Còn các chất khoáng khác thì cũng sàng sàng như nhau. Sữa mẹ chỉ hơn được sữa bò nhờ có vitamin C vượt trội. Đó là tôi đang so sánh về thành phần dinh dưỡng, nếu ghi nhãn đấy nhé.
PV: Nhưng sữa mẹ vẫn là sữa tốt nhất, tôi tin thế…
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Vâng, niềm tin của bạn tuyệt đối đúng cả về mặt khoa học, lẫn cả tình mẹ con. Sữa mẹ tốt nhất cho em bé, còn sữa bò tốt nhất cho con bê. Em bé và con bê có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau xa. Sữa dê, sữa ngựa, sữa mèo, sữa chuột… cũng đại loại gần giống như sữa bò thôi, chỉ có sữa mẹ là khác hẳn.
Protein trong sữa mẹ ít, nhưng em bé chỉ cần cỡ đó thôi vì lớn lên từ từ. Protein trong sữa bò nhiều, vì con bê cần lớn nhanh.
Trong sữa có 2 loại protein là whey và casein. Hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh dễ hấp thu whey hơn casein. Sữa mẹ mặc dù có protein ít hơn sữa bò, nhưng lượng whey lại rất nhiều so với casein, nên thích hợp với trẻ sơ sinh. Còn sữa bò, thì ngược lại, tỉ lệ casein rất cao.
Tương tự, lượng calcium rất cao trong sữa bò là để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của con bê, nhất là với khung xương của nó.
Sữa mẹ ít calcium, chỉ cỡ ¼ sữa bò, nhưng tính khả dụng sinh học (bioavailability) cao gấp đôi sữa bò, nghĩa là bụng dạ em bé hấp thu calcium trong sữa mẹ dễ hơn ở sữa bò nhiều. Và em bé chỉ cần lượng calcium như thế là đủ.
Lượng “hàng hóa” trong sữa mẹ ít, nhưng toàn hàng… xịn, đáp ứng đúng nhu cầu “người tiêu dùng” (cười).
PV: Ông nói sữa mẹ nhiều chất béo hơn sữa bò, có phải em bé cần mập mạp nên sữa mẹ mới có nhiều chất béo?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không phải vậy đâu. Những năm tháng đầu đời, não của trẻ phát triển nhanh hơn so với tăng trưởng kích cỡ. Thành phần chính của não là chất béo. Sữa mẹ nhiều chất béo, nhưng đa số là chất béo bất bão hòa, rất cần thiết cho sự phát triển của não, nhất là loại chất béo omega-3 DHA và chất béo omega-6 AA.
Sữa bò không những ít chất béo hơn sữa mẹ, mà hầu như không có 2 loại chất béo thiết yếu DHA và AA.
PV: Vậy chẳng lẽ cho trẻ uống sữa bò, không có chất béo DHA và AA sẽ bị kém thông minh như… bò?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Câu hỏi oái oăm của bạn làm tôi chợt nghĩ, chẳng lẽ cho con bê uống sữa công thức có DHA, như người ta thường quảng cáo, thì con bò sẽ thông minh như con… người (cười).
DHA và AA chỉ là một trong những yếu tố giúp phát triển não thôi. Không phải cứ uống DHA là trẻ thông minh như quảng cáo đâu.
PV: Sữa công thức mà ông vừa nói có phải là sữa dành cho trẻ em vì lý do nào đó không thể bú sữa mẹ?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Sữa công thức, hay còn gọi là sữa formula, đa số được thiết kế dựa trên nền sữa bò, nói nôm na, dùng sữa bò chế biến thêm thắt cho có vẻ giống sữa mẹ.
Sữa formula có 2 loại: loại cho trẻ sơ sinh (infant formula) và loại dành cho trẻ ăn dặm (follow-on)
Loại formula dành cho trẻ sơ sinh thì dành cho bé dưới 6 tháng tuổi, mà nguồn protein chủ yếu là bột whey từ sữa bò để trẻ dễ tiêu hóa. Đa số các nước đều cấm quảng cáo loại sữa này.
Loại formula dành cho trẻ ăn dặm, còn gọi là sữa bổ sung. Nguồn protein chủ yếu là casein từ sữa bò, chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Như tôi nói ban nãy, casein là protein hơi khó tiêu hóa với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Phải trên 6 tháng tuổi mới dùng được. Sữa loại này có nước cho phép quảng cáo, có nước cấm
Sữa follow-on (sữa ăn dặm) là nơi thể hiện bản lĩnh… bốc phét của các nhà quảng cáo.
PV: Tôi nghĩ là sữa công thức, làm nhái theo thành phần sữa mẹ thì dinh dưỡng cũng như sữa mẹ chứ?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nhái cỡ nào thì nhái, sữa công thức cũng thua xa chứ không thể gần bằng hay gần giống với sữa mẹ được.
Sữa mẹ chứa nhiều loại kháng thể giúp bé chống nhiễm trùng, virus… Hệ miễn nhiễm của trẻ mới sinh còn rất yếu, do đó phải cần kháng thể từ sữa mẹ để phòng chống bệnh.
Sữa mẹ mấy ngày đầu sau khi trẻ chào đời, còn gọi là sữa non đấy, có rất nhiều loại kháng thể phòng chống bệnh. Có người gọi sữa non là vàng lỏng cũng không quá đáng đâu. Sau đó thành phần sữa mẹ thay đổi dần để thích nghi với nhu cầu dinh dưỡng của em bé, nhưng vẫn còn nhiều kháng thể phòng chống bệnh.
Đó là chưa kể sữa còn có các enzyme giúp trẻ dễ tiêu hóa.
Sữa mẹ còn có đường loại oligosaccharides. Bé không xài (tiêu hóa) được thứ này, nhưng dùng nó để nuôi mấy vi khuẩn có ích trong ruột, và tống những vi khuẩn có hại ra ngoài (theo phân).
Chưa hết, ngoài các protein là enzyme giúp trẻ dễ tiêu hóa, sữa mẹ còn có nhiều loại protein rất độc đáo, như chất α-lactalbumin, khi vào trong dạ dày, kết hợp với acid oleic tạo một phức chất gọi là Hamlet (Human alpha-lactalbumin made lethal to tumor cells) có thể diệt tế bào ung thư. Khoa học cho rằng, chất này bảo vệ em bé khỏi bị ung thư.
Sữa công thức làm sao có được mấy thứ hàng độc (đáo) này, mà quảng cáo “gần bằng” với “gần giống”.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính, trẻ nuôi bằng sữa công thức trong điều kiện kém vệ sinh, sẽ gặp rủi ro chết vì tiêu chảy gấp từ 6-25 lần, và gấp 4 lần chết vì viêm phổi so với trẻ bú mẹ. Điều này cho thấy, sữa công thức chỉ có thể “vỗ béo” cho trẻ, chứ không thể phòng chống bệnh cho bé như sữa mẹ được.
PV: Nhưng trẻ tới tuổi ăn dặm, thì uống sữa công thức cũng tốt chứ sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Em bé mong manh trước bệnh tật vì hệ miễn nhiễm chưa phát triển đúng mức, phải cỡ 5 tuổi mới phát triển đầy đủ được.
Trên 6 tháng tuổi, bé có thể ăn dặm, nhưng vẫn cần sữa mẹ ít nhất là cho tới 2 tuổi, vì đó là nguồn cung cấp kháng thể bảo vệ trẻ.
Tổ chức Y tế thế Giới WHO và UNICEF rất ngán mấy tay quảng cáo sữa dụ các bà mẹ xài sữa bổ sung cho trẻ ăn dặm, rồi lơ là cho con bú. Họ khuyến cáo, sữa dành cho trẻ ăn dặm (follow-on) là không cần thiết, và không thích hợp để thay thế sữa mẹ cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Tôi nhấn mạnh giùm WHO là, “không thích hợp để thay thế sữa mẹ”, nghĩa là mấy bà đừng tưởng bở, cứ xem sữa công thức ăn dặm bổ béo như quảng cáo, không cần thiết phải cho con bú nữa.
Sữa công thức trẻ em cũng có loại hàng hiệu như Similac, Nestle, Enfamil,.. và loại tiêu chuẩn (generic). Loại hàng hiệu có thể bổ sung thêm nhiều thứ khác như vitamin, khoáng, DHA cho trẻ thông minh,… và bán đắt hơn rất nhiều so với loại tiêu chuẩn.
Bởi thế sữa hàng hiệu quảng cáo tinh vi và đủ chiêu trò lắm. Một mặt thì vẫn hô hào sữa mẹ tốt nhất, một mặt thì vẫn quảng cáo rỉ tai, tin đồn qua các trang facebook hay các trang web mẹ đẹp bé yêu…
Dù là loại nào, hàng hiệu hay tiêu chuẩn, thì các thành phần trong loại sữa công thức cũng phải tuân thủ yêu cầu về dinh dưỡng cho trẻ theo quy định riêng của mỗi nước hoặc theo CODEX (thuộc WHO).
Không cơ quan chức năng hay tổ chức chuyên môn nào dám xác nhận sữa hàng hiệu tốt hơn sữa tiêu chuẩn cả. Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) chỉ khuyến cáo nên bổ sung sắt vào sữa công thức, để ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ.
PV: Tôi nghe nói nhiều người dị ứng với đường lactose sẽ bị tiêu chảy nếu ăn thực phẩm có chứa loại đường này. Vậy nếu trẻ uống sữa mẹ, sữa công thức từ sữa bò được chế biến thêm thắt cho có vẻ giống sữa mẹ… thì có sợ bị dị ứng với đường lactose không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đường lactose có nhiều trong đủ loại sữa, sữa bò, sữa dê, sữa ngựa…, kể cả sữa mẹ. Trẻ không bao giờ bị dị ứng với đường lactose cả, vì cơ thể chúng có đủ enzyme tiêu hóa đường lactose, nhưng người lớn có thể bị “dị ứng” do thiếu enzyme này. Thực ra, phải hiểu đây là bất dung nạp đường lactose do thiếu enzyme tiêu hóa, chứ không phải là dị ứng.
Dị ứng là do hệ miễn nhiễm của cơ thể không ưa một loại protein nào đó thì sinh chuyện. Do đó, trẻ uống sữa công thức cũng có thể bị dị ứng với protein nào đó có trong sữa bò.
PV: Người ta quảng cáo sữa dê không gây dị ứng?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Sữa dê có protein nên cũng có thể gây dị ứng như thường.
Một khảo sát cho biết, 90% trẻ em dị ứng với sữa bò vẫn bị dị ứng với sữa dê (2). Ngược lại, có những người bị dị ứng với sữa dê, sữa cừu nhưng lại không dị ứng với sữa bò. (3)
PV: Trẻ em có bị dị ứng với protein của sữa mẹ không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không bao giờ. Tụi nhóc không bao giờ dị ứng với sữa mẹ cả. Trừ những đứa ‘khó tính’, không ưng mẹ nó ăn thứ này thứ nọ, rồi làm mình làm mẩy (bị dị ứng) cho đến khi mẹ nó ngưng ăn thứ mà nó… ‘cấm’. Tụi baby ‘khó nết’ này chiếm khoảng 0,5%.
PV: Lỡ trẻ không có sữa mẹ để bú, nhưng bị dị ứng với sữa bò và luôn cả sữa dê thì sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thì dùng sữa công thức làm từ đậu nành
PV: Nhưng lỡ trẻ cũng dị ứng với protein đậu nành thì sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thì dùng sữa công thức làm từ đậu nành thủy phân toàn phần. Khi đó protein trong đậu nành đã bị thủy giải thành acid amin, hoặc những đây peptid ngắn hơn.
Trẻ bị dị ứng sữa bò, sữa dê, rồi cả sữa đậu nành thì đúng là xui tận mạng rồi (cười)
Những trường hợp dị ứng với sữa thế này nên đưa trẻ đi bác sĩ dinh dưỡng để có lời khuyên, tốt hơn là chạy theo tin đồn rỉ tai.
PV: Tôi đọc báo thấy nói bên Châu Âu có nhà hàng làm món ăn từ… sữa mẹ. Như vậy chứng tỏ sữa mẹ không chỉ hấp dẫn bọn trẻ mà hấp dẫn cả… người lớn. Có phải người lớn cũng thích sữa mẹ là vì loại sữa này rất bổ dưỡng và phòng bệnh ung thư như lời đồn không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi có đọc thông tin này. Chuyện xảy ra ở New York và Thụy Sĩ. Chỉ là chuyện chơi nổi thôi chứ sữa mẹ mà đem chế biến thành đặc sản thịt hầm sữa mẹ, súp sữa mẹ thì còn gì là phòng chống ung thư.
Sữa mẹ tốt cho em bé, chứ có tốt cho người lớn đâu mà giành ăn với tụi nhỏ. Mức bổ dưỡng sữa mẹ trong trường hợp này có khi còn tệ hơn sữa bò sữa dê.
Sữa mẹ thật tuyệt vời và kỳ diệu, nói ra bạn không tưởng tượng nổi đâu. Sữa mẹ tự điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của bé.
Mấy ngày đầu là sữa non rất nhiều kháng thể để bé phòng thủ bệnh tật lúc vừa chào đời. Lúc mới bú thì sữa nhiều nước để bé đỡ khát, rồi hàm lượng chất béo và đường tăng dần cho đến cuối cữ bú.
Mấy tháng đầu thì sữa mẹ nhiều protein whey để bé dễ tiêu hóa. Dễ tiêu hóa thì mau đói, bé quậy, nên những tháng về sau, sữa mẹ tự điều chỉnh lượng whey bớt đi, casein tăng lên, tiêu hóa chậm hơn…
Rồi thì thời tiết nóng, lượng nước trong sữa nhiều hơn. Mấy tháng đầu trẻ bú sữa mẹ đầu cần uống nước để khỏi khát. Sữa mẹ lo liệu và thích nghi tất cả để bé lớn lên
Sữa công thức có linh động được như thế không? Không có loại sữa nào, dù là sữa bò, sữa dê, sữa chức năng, sữa công thức… có thể sánh bằng sữa mẹ. Thua xa, chứ không có chuyện gần giống với sữa mẹ. Đừng tin vào quảng cáo
Theo Soha