Trong quá trình tu bổ căn nhà, một điều kỳ diệu đã diễn ra khiến con cháu trong dòng tộc hết sức bất ngờ.
Vào năm 2008, ngôi nhà ngói 5 gian gần 400 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1961, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã được đại diện Bộ Văn hóa, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến đo đạc, thẩm định sau đó trùng tu, bảo tồn.
Hàng chục năm trôi qua, ngôi nhà là một trong những địa điểm thu hút khách thăm quan khi đến làng cổ Đường Lâm.
Ngôi nhà cổ 5 gian ở Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội).
Chuyện ít biết về người chủ đầu tiên của căn nhà
Ông Nguyễn Văn Hùng, hiện sinh sống tại ngôi nhà cổ này, cho biết, ngôi nhà có diện tích 100m2 được xây dựng từ năm 1649. Tính đến nay, gần 400 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên trạng.
Ông Nguyễn Văn Hùng – chủ nhân đời thứ 12 của căn nhà
“Khi xây dựng ngôi nhà, các cụ không đánh dấu năm tháng hoàn thành. Tuy nhiên, theo tấm bảng bằng gỗ mà tổ tiên để lại trên ban thờ, viện Hán Nôm đã dịch và cho biết, đó là bảng cầu an. Tấm bảng được hình thành năm 1649 nên cũng đồng nghĩa với việc ngôi nhà được hoàn thành vào năm này”, ông Hùng nói.
Vẫn lời ông Hùng, sau khi được công nhận nhà cổ, rất nhiều khách thăm quan đã đến và hỏi ông về người chủ đầu tiên dựng nên ngôi nhà này.
Bên trong ngôi nhà cổ bằng gỗ của gia đình ông Hùng
“Nhiều người tò mò vì cách đây 40 – 50 năm, người dân khu vực Đường Lâm phần lớn chỉ ở nhà lá hoặc nhà cấp 4 nhỏ. Ít có người sở hữu ngôi nhà to đẹp thế này. Như vậy, người xây dựng căn nhà chắc hẳn phải rất giàu có”, ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lời kể truyền miệng từ thời các cụ, người chủ đầu tiên của căn nhà chỉ là một thầy giáo dạy chữ “không giàu có nhất vùng nhưng cũng là một người tài giỏi”.
“Không giỏi sao được khi chỉ tính riêng việc nuôi thợ cũng đã rất tốn kém. Thời ông cha của tôi, mọi người vẫn kể lại rằng, để hoàn thành được ngôi nhà này, đội thợ xây phải “ăn mòn bát đũa””- ông Hùng chia sẻ.
“Các cụ nói, ngày đó, tất cả mọi việc đều được thực hiện dựa trên sức lao động chân tay của con người, việc đục đẽo cũng bằng tay. Vì thế nếu ngày nay xây căn nhà này trong 1 tháng thì trước đó, đội thợ phải hoàn thành trong 5, 6 tháng thậm chí cả năm trời” – người chủ hiện tại của căn nhà cổ gần 400 tuổi cho biết.
Vẫn lời người chủ này, trong câu chuyện truyền miệng từ thời cha ông, sau khi hoàn thiện nhà, người chủ đầu tiên của căn nhà đã cho mời thầy về nhà cúng cầu an và tấm bảng gỗ cầu an có từ khi đó.
Chuyện lạ ở ngôi nhà cổ gần 400 tuổi ở Hà Nội
Ông Hùng cho biết, thời điểm tu bổ căn nhà, nhiều cột chèo đã bị mục, gãy nhưng sau khi thẩm định, các giáo sư người Nhật vẫn quyết định trùng tu trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng căn nhà.
Trong quá trình tu bổ, một điều kỳ diệu đã xảy đến khiến con cháu trong dòng tộc hết sức bất ngờ.
“Vào năm 2008, sau khi ngôi nhà vừa được dỡ mái để tu bổ thì khu vực này xuất hiện bão. Cơn bão rất lớn, cảm giác có thể cuốn mọi thứ và làm đổ nhà nên mọi người đều rất sợ hãi” – ông Hùng nhớ lại.
Thế nhưng khi cơn bão qua đi, ông Hùng vẫn thấy ngôi nhà bình yên nguyên vẹn, không hề bị ảnh hưởng gì, trong khi một số ngôi nhà xung quanh đã bị hư hại. “Lúc đấy, tất cả mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, căn nhà có tới 30 cột chống
“Trong ngôi nhà cũ, dù một số cột bị mục ruỗng, mối mọt nhưng các cột khác vẫn khá nguyên vẹn. Tổng ngôi nhà có tới 30 cái chân chống, tương đương với 30 cột nhà. Có thể nhờ đó mà căn nhà đã trụ vững được trước cơn bão”, ông Hùng chia sẻ tiếp.
Một cột chống của ngôi nhà bị mối mọt nhưng được các chuyên gia Nhật Bản bảo tồn gần như nguyên vẹn
Chính vì điều đó, sau gần 400 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn là vật trường tồn chứng kiến sự phát triển của các đời con cháu.
“Có những đời thịnh nhưng cũng có đời trầm. Gia đình chỉ làm nông, cuộc sống khó khăn vất vả như thời của bố mẹ tôi. Nhà 7 người con, lại trong kỳ bao cấp nên đủ ăn đã là quý …”, ông Hùng bộc bạch.
Nguyệt Minh- Theo VietNamNet