Bóng đá cũng như nhiều lĩnh vực khác đều phân bổ rõ vai trò cho từng vị trí. Tất cả đều giống nhau ở những nguyên tắc như quy chế phát ngôn hay bảo vệ bí mật của tập thể.
Những lần “vạ miệng” nhớ đời của các trợ lý HLV
Sau chiến thắng của Croatia trước đội tuyển Nga, trợ lý HLV Ognjen Vukojevic trong phút giây được cho là quá phấn khích đã đăng tải dòng trạng thái lên twitter với ý mỉa mai nước chủ nhà Nga.
Ngay sau đó, ông bị chính Liên đoàn bóng đá Croatia (HNS) sa thải. “HNS muốn gửi lời xin lỗi với những người Nga về hành động của đoàn Croatia tham dự giải đấu”, trích thông báo từ HNS. Ognjen Vukojevic sau đó lên tiếng phân bua. Thế nhưng, mọi chuyện đã quá muộn.
Trợ lý HLV Ognjen Vukojevic (trái) bị sa thải khỏi đội tuyển Croatia vì “vạ miệng”. Ảnh: AFP.
Trước trợ lý Vukojevic, HLV thể lực có tiếng, ông Raymond Verhejen cũng trở thành tâm điểm chỉ trích khi tiết lộ quá nhiều cả trong và ngoài chuyên môn của ông.
Điển hình vào năm 2012, ông tiết lộ Van Persie sẽ không bao giờ đầu quân cho MU nếu biết Sir Alex Ferguson có ý định giải nghệ. Chia sẻ này sau đó vấp phải phản ứng dữ dội từ chính tiền đạo người Hà Lan và nhiều cựu cầu thủ MU.
Những nhân vật có tiếng khác như HLV David Moyes, HLV Louis van Gaal,… các tập thể như Man United, Chelsea, đội tuyển Nga, Xứ Wales, cũng lần lượt gặp rắc rối khi Raymond Verhejen tiết lộ những câu chuyện trong lòng đội bóng.
Năm 2008, Verhejen là trợ lý HLV thể lực cho đội tuyển Nga khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Guus Hiddink. Sau khi hết hợp đồng vào năm 2012, Verhejen tung hê những chuyện nội bộ của đội tuyển xứ Bạch Dương lên truyền thông trong giai đoạn 2008 – 2012. Verhejen cũng ra rất nhiều sách liên quan đến bóng đá, trong đó có nhiều câu chuyện ở những nơi ông đã từng làm việc.
Sau này, Verhejen không được bất cứ đội bóng nào mời làm việc nữa và chỉ tập trung vào việc giảng dạy do chính mình lập nên.
Ông Verhejen (trái) từng làm việc cùng HLV Guus Hiddink tại đội tuyển Nga. Ông Verhejen cũng dùng chính những thông tin bí mật ở các đội tuyển mình làm việc để viết sách.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa có đơn thuần là “vạ miệng”
“Một HLV thể lực thì nên làm đúng vai trò của mình thay vì đi nói về chiến thuật và các phạm trù khác trong bóng đá”, cựu cầu thủ Chelsea, Ray Wilkins nói về Verhejen như vậy.
Thay đổi ý tứ một chút, ông Lê Huy Khoa đã rơi vào đúng tâm điểm của vấn đề này. Ông đang vượt quá quyền hạn của một trợ lý ngôn ngữ. VFF và HLV Park Hang Seo chưa nêu ý kiến chính thức nhưng người hâm mộ đã bày tỏ thái độ ngay lập tức.
Ông nói về việc Công Phượng không được thi đấu ở trận tranh hạng 3 ASIAD 2018 với UAE vì khiến HLV Park Hang Seo hiểu nhầm mình đang chấn thương. Ông tiết lộ thêm việc đội tuyển Việt Nam tập trung từ 40 – 50 cầu thủ cho AFF Cup 2018 trong một buổi ra mắt sách mới đây tại TPHCM.
Verhejen cũng ra rất nhiều sách liên quan đến bóng đá, trong đó có nhiều câu chuyện
ở những nơi ông đã từng làm việc.
Báo chí, người hâm mộ thích những câu chuyện trong lòng đội bóng vì kích thích sự tò mò. Thế nhưng, trợ lý Lê Huy Khoa cần hiểu rằng ông đang là một thành viên của đội bóng và không phải chuyện gì cũng có thể chia sẻ. Ông có lẽ cũng là người hiểu rõ nhất khi đã từng đi du học nước ngoài, làm việc với người nước ngoài và thấu hiểu quy tắc bảo mật thông tin tập thể là yếu tố vô cùng quan trọng.
Chưa dừng lại ở sự vạ miệng, kể từ thời điểm lên làm trợ lý ngôn ngữ cho BHL thời HLV Park Hang Seo, trợ lý Lê Huy Khoa đã chắp bút và ra tới 3 đầu sách liên quan đến bóng đá. Từ “Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” đến “U23 Việt Nam – những chuyện chưa kể” và gần nhất là “Phong cách quản trị Park Hang Seo – Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc”. 8 tháng, 3 cuốn sách, một năng suất khó tin.
Trợ lý Lê Huy Khoa (trái) có năng lực rất tốt, giúp ích cho U23 và Olympic Việt Nam trong những thành công vừa qua. Thế nhưng, ông không phải người không thể thay thế trong tập thể của HLV Park Hang Seo. Ảnh: Tiến Tuấn.
Chưa bàn đến chất lượng nhưng dù muốn hay không, ông vẫn đang dùng những thông tin mà chính ông lấy từ trong lòng đội tuyển để viết sách. Đáng nói hơn, những cuốn sách ra đời khi ông vẫn đang làm việc cho đội tuyển.
Cuốn sách đầu tiên có thể là sự ghi nhận cho một tác phẩm ghi lại khoảnh khắc lịch sử của bóng đá nước nhà. Thế nhưng, những tác phẩm tiếp theo không thể tránh khỏi những lạm bàn, suy đoán về một sự vụ lợi từ chính thương hiệu mang tên “U23 Việt Nam” và “Park Hang Seo.
Nhân Văn – Theo Trí thức trẻ/Kenh14