Theo bác sĩ Thân, người nhà và các y, bác sĩ trực cho biết, đêm qua cô giáo phạt học sinh 231 cái tát ở Quảng Bình đã ngủ được và sáng nay dậy ăn cháo, trả lời người thân.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy. Ảnh: VOV
Sáng 29/11, bác sĩ Nguyễn Văn Thân, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, sáng cùng ngày, Giám đốc Bệnh viện trực tiếp xuống thăm, khám đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Thủy (giáo viên trường THCS Duy Ninh, người đã phạt một em học sinh 231 cái tát phải vào viện điều trị).
Theo bác sĩ Thân, qua thăm khám cho thấy, cô giáo Thủy ăn được cháo, tinh thần có phần ổn định hơn khi mới nhập viện, tuy nhiên bệnh nhân vẫn rất hạn chế tiếp xúc, không trả lời người lạ.
“Người nhà và các y, bác sĩ trực cho biết, đêm qua bệnh nhân ngủ được chứ không còn mất ngủ triền miên như mấy ngày trước ở nhà.
Ngoài ra, khi người nhà vào giao tiếp, bệnh nhân có trả lời, dậy ăn được chút cháo nhưng vẫn còn rất mệt mỏi.
Người ngoài, bác sĩ sáng nay có hỏi, tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không trả lời, không muốn tiếp xúc mà lý do chúng tôi phán đoán có thể do ngại, hoảng sợ”, bác sĩ Thân nói.
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh thông tin thêm, do đang nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi nên tối qua, gia đình phải đưa cháu bé vào ngủ cùng với mẹ trong giường bệnh. Bên cạnh đó, chồng và mẹ của bệnh nhân cũng túc trực suốt đêm để động viên, ngủ cùng trông nom.
“Việc làm của bệnh nhân về pháp lý đang được các cơ quan chức năng xử lý, nhưng chúng tôi cũng thấy tội cho cô giáo này nên bệnh viện đã sắp xếp cho nằm ở tầng 1 khoa hồi sức cấp cứu và ở khu khuất để tránh cho người lạ tiếp xúc, gây ảnh hưởng đến tâm lý.
Chúng tôi xác định, bệnh nhân do quá lo lắng, khủng hoảng nên bị stress nặng, tâm thần kinh không ổn định, có thể có diễn biến tâm lý khó lường. Do đó, các y bác sĩ thường xuyên thăm khám, động viên và theo dõi sát để kịp thời có biện pháp xử lý, hỗ trợ”, bác sĩ Thân cho hay.
Về hướng điều trị trong thời gian tới, bác sĩ Thân cho rằng, đối với các bệnh về tinh thần bị sang chấn, trầm cảm thời gian điều trị sẽ kéo dài, quan điểm của bệnh viện sẽ điều trị để bệnh nhân ổn định từ từ về tư tưởng, tâm lý.
“Trước mắt, chúng tôi vẫn để bệnh nhân nghỉ ngơi và cho sử dụng các loại dịch, thuốc tiêm, truyền cần thiết.
Thời gian để bệnh nhân ổn định tâm lý theo tính toán có thể từ 3 – 5 ngày hoặc lâu hơn và sau khi điều trị tại viện, sẽ về nhà tiếp tục nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng thêm.
Cơ bản nhất cần để cho bệnh nhân được tĩnh dưỡng, yên tĩnh, tránh những vấn đề gây sốc, ảnh hưởng tâm lý”, ông Thân nêu quan điểm và cho biết, đang chờ thêm ý kiến, nguyện vọng của gia đình để tiếp tục có hướng điều trị tốt hơn cho cô giáo Thủy.
Nói thêm về dấu hiệu đòi tự tử của cô giáo Thủy, bác sĩ Thân cho hay, các thông tin này được người nhà cung cấp cho bác sĩ khi mới đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu. Cụ thể, cô giáo này bất an, tuyệt thực, có dấu hiệu đe dọa tính mạng…
“Tuy nhiên, đến sáng nay, tinh thần của bệnh nhân đã ổn định hơn, không còn những biểu hiện bất an”, bác sĩ Thân cung cấp.
Theo Trí thức trẻ