Ông bà ta vẫn thường nói “phúc đức tại mẫu”. Nghĩa là con cái được thừa hưởng điều tốt lành may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở, cư xử gương mẫu, cách giáo dục từ người mẹ mà ra.
Muốn có một đứa con hiền lành, hiếu thảo, tử tế, thì người mẹ cũng phải là người tử tế, bao dung, biết kính trên nhường dưới, biết hành thiện tích đức, tránh xa việc ác. Vì mẹ chính là người thầy đầu tiên của con để hình thành nhân bản nơi con. Phúc báo của mẹ cũng sẽ là phúc báo của con, đứa con sẽ được thừa hưởng quả ngọt từ những cây trái mà mẹ gieo trồng.
Có một câu chuyện về lòng nhân hậu của một người mẹ như thế này.
“Tại một thành phố nhỏ có một bà mẹ đơn thân sống với con gái và cha mẹ cô. Bà mẹ đơn thân là giáo viên, với mức lương đủ tằn tiện chi tiêu trong cuộc sống giản dị của cả gia đình nhỏ. Mặc dù nghèo nhưng họ sống rất hạnh phúc và yêu thương nhau.
Cuộc sống của họ gặp sóng gió bất ngờ. Cô bé khi lên 5 tuổi bị chẩn đoán mắc một chứng thuộc ung thư máu, là loại bệnh nan y.
Gia đình họ đã phải bán hết tất cả tài sản dù nhỏ nhoi có được để làm sao cứu sống cô bé vốn là tài sản giá trị nhất của họ. Tuy nhiên sức khỏe cô bé không hề khá hơn mà ngày càng tồi tệ đi, các bác sĩ tư vấn rằng ghép tủy là lựa chọn duy nhất để cứu sống bé.
Người mẹ muốn xét nghiệm với hy vọng có cơ hội cứu con gái yêu. Thật không may là tủy của cô không phù hợp với con gái ruột của mình, nhưng lại cần để ghép tủy cho một cậu bé khác cũng mắc bệnh tương tự. Vì vậy các bác sĩ đã thuyết phục cô hiến tủy cứu cháu bé con người khác.
Cha mẹ cô không đồng tình, vì nếu có chuyện gì xảy ra với con gái họ, cháu của họ sẽ ra sao? Gia đình ai là người gánh vác đây? Tuy nhiên khi người mẹ của cậu bé đáng thương đó tới cầu xin, cô đã mủi lòng.
Để có thể hiến tủy, người mẹ đơn thân phải dùng thuốc kích một số tế bào gốc, vốn là điều rất khó chịu và gây đau đớn. Nhưng cô vẫn chấp nhận và quyết tâm chịu đựng để cứu cháu bé con người ta.
Cuối cùng cậu bé đã được cứu sống nhờ sự hy sinh của cô. Gia đình họ vô cùng cảm kích, đã mang tới nhà cô tất cả những gì họ có để cảm ơn.
Tuy nhiên cô đã từ chối, cô nói rằng họ cần số tiền này để giúp cháu bé sớm bình phục hoàn toàn. Cha mẹ cậu bé vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của người mẹ đó, và họ đã kể lại câu chuyện này với truyền thông. Rất nhiều người khi biết được câu chuyện cảm động này đã tình nguyện quyên tiền để giúp gia đình cô vượt qua cơn hoạn nạn”.
Nhờ người mẹ làm việc thiện mà con gái cô được cứu sống. Phúc báo của cô đã ảnh hưởng đến con gái. Bởi vậy, phúc phần của người phụ nữ dày hay mỏng là do cách sống của họ, cách họ đối xử với người khác. Nhờ người mẹ hành thiện tích đức, cuối cùng số phận đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ông bà ta vẫn bảo “đức năng thắng số là vậy”.
Phúc đức tại mẫu. Người mẹ ăn ở ngay lành, tu tâm tích đức thì con cái cũng nhận được phúc báo, sống đời bình yên, giàu sang phú quý. Người mẹ cần tu khẩu, không hãm hại ai, đó mới là tích đức cho con.
Người xưa nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Người phụ nữ, khi nói ra một lời cũng phải cân nhắc, xem lời của mình có gây hại đến ai hay không, có khiến ai đó phải chịu tổn thương thiệt thòi oan ức hay không. Nhiều người nói lời cay đắng mà không biết đó là khẩu nghiệp. Mà cha mẹ gieo lời khẩu nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến con cái. Con cái sẽ là người thiệt thòi khi gánh những hậu quả mà cha mẹ gây ra. “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Cha mẹ tạo nghiệp thì người trả nghiệp là con. Nhớ câu phúc đức tại mẫu thì người mẹ sẽ làm giàu thêm phúc đức cho con cái sau này, cũng là tạo nhiều phúc báo cho con.
Làm phụ nữ, nên nhớ, phúc đức tại mẫu. Mình gieo nhân thì con gặt quả. Vậy thì hãy gieo trồng những điều thiện, đừng hãm hại người khác. Người ta hay nói “gieo gió gặt bão”, “ngậm máu phun người thì dơ miệng mình”. Nếu gây ra điều ác, người bị hại chịu thiệt 1, người gây hại chịu gấp 10 lần. Báo ứng luôn là là có thật, ai gieo điều ác sẽ hái trái đắng, còn người làm điều nhân đức sẽ nhận về quả ngọt. Bởi vậy, cha mẹ muốn để đức cho con cháu thì phải ăn ngay ở lành, làm điều thiện lương.
Cũng đừng ích kỷ, chỉ biết mình mình, mà hãy nhân hậu bao dung, đừng vì cái lợi của mình mà chà đạp người khác. Hãy biết yêu thương những người khốn khó, phụ nữ có tấm lòng thiện lương thì phúc phần mới đến bên mình. Người phụ nữ lòng dạ hẹp hòi xấu xa thì cả đời không bao giờ hạnh phúc, khiến hậu vận đen tối, và còn ảnh hưởng đến cả chồng con, khiến họ bị liên lụy, vạ lây.
Câu chuyện sau đây là minh chứng rõ nhất để thấy phúc báo của con cái đều liên quan đến cha mẹ, và phúc đức tại mẫu.
“Một người phụ nữ nọ có thói quen nướng bánh mì cho gia đình, luôn làm dư một cái để lại cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư bên ngoài thành cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi, một ông lão gù lưng đến lấy ổ bánh mì đi.
Thay vì nói lời cảm ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.
Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người già đến lấy bánh và lại lẩm bẩm: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi!”.
Ngày qua ngày, người phụ nữ dần bực bội trong lòng nghĩ: “Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhải mấy lời khó chịu kia! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”.
Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ: “Ta sẽ làm cho hắn mất dạng”.
Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì dư bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, bỗng cảm thấy hốt hoảng: “Ta làm gì thế này?”. Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc vào lửa và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Như mọi khi, ông lão đến lấy bánh và lại lẩm bẩm: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi; việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.
Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến giận dữ dội.
Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi tìm việc làm xa, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.
Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa… Anh ta gầy xọp đi, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói: “Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon và chút nước. Ông ta nói: “Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”.
Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết! Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại qua ngày của ông lão…”.
Các mẹ thấy chưa, nếu người phụ nữ kia vẫn quyết tâm đưa ổ bánh có độc cho ông lão gù lưng, thì bà đã mất đi đứa con trai yêu quý. Nếu ta làm điều xấu, thì người chịu hậu quả chính là ta. Lòng nhân từ của người mẹ đã khiến bà ném ổ bánh mì có độc đi, và con trai bà được cứu sống.
Theo Giadinhtiepthi