Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Con hay cáu giận chứng tỏ cha mẹ không biết kiểm soát cảm xúc

Nếu cha mẹ không biết kiểm soát cảm xúc, trẻ sẽ rập khuôn điều đó, và mất nhiều cơ hội thành công trong đời.

Mỗi người đều có lúc trải qua cảm giác chán nản, tồi tệ, như thể rơi xuống đáy vực. Đối diện với nó, một số người rất nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, tuy nhiên một số người lại vật lộn trong mớ cảm xúc, thậm chí bốc đồng đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến phá hủy hôn nhân, hủy hoại cuộc đời, để rồi sống trong hối tiếc, hoài nghi.

Tại một ga tàu điện ngầm ở Nam Kinh, một thanh niên 23 tuổi đã không hợp tác với yêu cầu kiểm tra của cảnh sát: khi bị chặn lại, anh chống đối, tức giận, la hét… Khi bị trấn áp, anh ta nằm lăn ra đất và khóc. Hóa ra, lý do chỉ là anh dậy muộn, vội vã lao ra khỏi nhà trong tình trạng còn ngái ngủ, dẫn đến cảm xúc vượt khỏi kiểm soát, gây ra tình huống như vậy. Điều này cho thấy khả năng quản lý cảm xúc của anh ta quá thấp, giống như “một đứa trẻ trong thân xác một người trưởng thành”.

Đứa trẻ không biết kiểm soát cảm xúc là tấm gương phản chiếu cha mẹ. Ảnh: Toronto.com.

Napoleon từng nói rằng những người có thể kiểm soát được cảm xúc thậm chí còn giỏi hơn cả những vị tướng giành chiến thắng. Ngược lại, những người không thể kiểm soát cảm xúc của mình thực sự tệ hại: làm mọi việc không lường đến hậu quả, dựa vào cảm xúc để kiểm soát mọi hành vi, làm tổn hại chính mình và tổn thương người khác.

Việc quản lý cảm xúc thực tế là biểu hiện quan trọng trong sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến việc bé có được các mối quan hệ giữa các cá nhân tốt và một tinh thần lành mạnh trong tương lai hay không.

Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc có thể chấp nhận và quản lý những vui buồn, lo lắng… của mình và không làm hại đến ai.

Nghiên cứu mới nhất về giáo dục trẻ em cho thấy, những trải nghiệm cảm xúc trước 6 tuổi có một tác động lâu dài trong cuộc đời một người. Nếu trẻ không thể tập trung chú ý, tính cách của bé sẽ là tức giận, bi quan, cô đơn, âu lo, không hài lòng với bản thân…, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách tương lai của bé. Hơn thế nữa, nếu những cảm xúc tiêu cực xảy ra thường xuyên và liên tục, chúng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nhân cách, sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân của trẻ.

Do đó, cha mẹ cần chú ý tới cảm xúc của trẻ từ sớm và có sự giúp đỡ điều chỉnh,  hướng dẫn trẻ quản lý cảm xúc của bé.

Vậy làm thế nào để hướng dẫn trẻ học cách quản lý cảm xúc? Trước tiên, cần phải bắt đầu với một bài kiểm tra nhỏ: Bạn là kiểu cha mẹ nào?

“Bố mẹ nào, con nấy”, tức là bạn là kiểu cha mẹ nào, con bạn sẽ là tấm gương phản chiếu điều đó, việc quản lý cảm xúc cũng không ngoại trừ.

Vai trò của phụ huynh có thể chia làm hai loại: Một là hướng dẫn cảm xúc, hai là loại bỏ cảm xúc.

Cha mẹ hướng dẫn cảm xúc sẽ điều chỉnh cảm xúc của trẻ, coi cảm xúc tiêu cực của đứa bé là cơ hội để trẻ biết được về bản thân mình, hướng dẫn trẻ đối phó với cảm xúc của chính mình một cách hiệu quả nhất. Trong khi đó, cha mẹ loại bỏ cảm xúc thường chọn cách chấm dứt cảm xúc của trẻ, thay đổi trẻ.

Cha mẹ hướng dẫn cảm xúc thường chính là những người quản lý cảm xúc tuyệt vời, trong khi kiểu cha mẹ loại bỏ cảm xúc thường đã có sai lệch trong việc quản lý cảm xúc của chính họ.

Trước khi giáo dục trẻ học cách quản lý cảm xúc, cha mẹ nên nghiêm túc suy nghĩ về bản thân, xem liệu bạn đã tự quản lý cảm xúc của chính mình hay chưa? Trong quá trình dạy con cái, liệu bạn có tức giận, chán nản, buồn bã? Khi bạn bị mất kiểm soát, liệu bạn có tìm ra một giải pháp thích hợp?

Để học cách kiểm soát cảm xúc cùng con, bạn phải tự mình tham gia một lớp kiểm soát cảm xúc đã. Bởi vì, khi đứa trẻ đã thách thức giới hạn kiên nhẫn của chúng ta một lần và nhiều lần sau đó, nó đồng thời thách thức giới hạn việc kiểm soát cảm xúc của chúng ta. Nói cách khác, việc giáo dục trẻ cũng là cơ hội để ta cọ xát và tự rèn giũa những kỹ năng quản lý cảm xúc của chính mình.

Dưới đây là cách dạy trẻ kiểm soát một số kiểu cảm xúc cơ bản, theo tiến sĩ Tâm lý học Phát triển Yang Xin (Trung Quốc):

Khi trẻ tức giận

Khi trẻ tức giận, nhiều bậc cha mẹ sẽ dùng phép răn đe: “Thử làm một lần nữa xem, mẹ/bố sẽ đuổi con ra khỏi cửa” như một hình phạt nghiêm khác, có tính đe dọa.

Trên thực tế, điều này không chỉ giết chết lòng tự trọng và cảm giác an toàn của trẻ, thậm chí còn dẫn đến sự phá hoại và chống trả thụ động như một sự trả thù.

Ảnh: ameliaspicks.

Khi trẻ có cảm xúc tiêu cực, trước tiên cha mẹ nên có thái độ thông cảm, vận dụng kỹ năng lắng nghe để chấp nhận cảm xúc của bé. Ví dụ, khi gia đình có khách tới chơi, con bạn bị trẻ khác giật đồ chơi, bé sẽ tức giận, muốn đánh “vị khách nhí” kia. Lúc này, là một người mẹ, điều bạn nên nói không phải là đổ lỗi cho con không biết chia sẻ đồ chơi, hoặc mắng con là không ngoan, mà nên chấp nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ. Sau đó, bạn chia sẻ với con cách xử lý tình huống một cách thích hợp.

Bạn có thể nói với con: “Nếu món đồ mà mẹ thích bị lấy đi, mẹ cũng rất tức giận. Nhưng con cho bạn mượn một chút, rồi bạn sẽ trả lại mà”. Bạn cũng có thể thương lượng với bé: “Tại sao các con không chơi chung đồ chơi, chơi cùng nhau sẽ rất vui đấy… “.

Khi trẻ sợ hãi

Trẻ có thể sợ chó, sợ bóng đêm, thậm chí sợ những người lạ. Mẹ nên làm gì khi bé sợ hãi? Trước tiên, cần phải cùng trẻ trải nghiệm chính những cảm xúc này, và sau đó tâm sự với bé, ví dụ: “Mẹ biết con sợ, mẹ cũng có những nỗi sợ đấy nhé. Khi chúng mình sợ hãi, mình sẽ muốn trốn trong vòng tay của bố hoặc tìm một nơi an toàn nào đó để lẩn trốn. Tuy nhiên, đôi khi, nỗi sợ là không cần thiết đâu. Ví dụ, con từng rất sợ tới trường mẫu giáo, nhưng khi tới trường, con thấy lớp mẫu giáo rất vui, đúng không nào…. ?”.

Khi trẻ cảm thấy ghen tị

Mọi đứa trẻ đều có cảm giác ghen tị, đặc biệt khi mẹ quan tâm những trẻ em khác. Thế nên nếu thấy mẹ bế trẻ khác, bé sẽ rất lo lắng và bảo vệ “sự độc quyền yêu thương” bằng cách khóc lóc, thậm chí đánh đứa trẻ kia.

Thay vì mắng bé, bạn nên nhân cơ hội này để nói với con: “Mẹ biết rằng con yêu mẹ, nhưng con thấy xem, con ngày nào cũng ôm mẹ, nhưng em bé thi thoảng mới được mẹ ôm mà”.

Khi trẻ cảm thấy có lỗi

Bé vô tình làm vỡ bể cá, khiến con cá chết, điều này khiến con bạn cảm thấy day dứt, có lỗi. Lúc này, người mẹ nên nói gì với con? “Không có chuyện gì to tát đâu”, hay “Bố mẹ đã đổ lỗi cho con chưa mà con khóc… “.

Trên thực tế, điều quan trọng nhất mà mẹ nên làm lúc này là nhận biết cảm xúc “thấy có lỗi” của trẻ, sau đó chia sẻ với con: “Mẹ biết là con cảm thấy mình có lỗi lúc này. Khi mẹ gặp những chuyện như vậy, mẹ cũng như con. Nhưng, sự day dứt không thể thay đổi những việc đã xảy ra. Tốt nhất là nên dọn bể cá vỡ và cá chết, tại sao con không chôn những con cá nhỉ? Sau đó chúng ta sẽ mua cá mới, và con sẽ chăm chúng cẩn thận chứ?”.

Những cảm xúc không quan trọng đúng, sai, chỉ là cách biểu đạt có được xã hội chấp nhận. Cha mẹ vì thế nên học cách chấp nhận biểu hiện cảm xúc đa dạng của con, hiểu rằng có thể biến đổi cảm xúc. Cảm xúc tiêu cực có thể trở thành tích cực. Chỉ bằng cách đối mặt với tất cả, sự phát triển của cảm xúc tích cực mới tăng lên. Chỉ trẻ có thể kiểm soát cảm xúc mới trở thành những đứa trẻ thành công.

>>8 cách dạy con thành tài của bậc cha mẹ thông minh: Không phải để lại núi vàng, hãy giúp con có tư duy và trở thành “doanh nhân nhí” ngay từ bây giờ

Theo Vnexpress

Link

Exit mobile version