“Tôi không biết nấu đồ Ấn, chỉ có mẹ chồng mới nấu được. Ăn đồ Ấn cũng không dễ vì họ dùng nhiều gia vị, rất nặng mùi” – Võ Hạ Trâm chia sẻ.
Mới đây, trong một buổi gặp gỡ báo chí và công chúng, Võ Hạ Trâm đã chia sẻ đôi điều về cuộc sống hiện tại của mình với người chồng doanh nhân Ấn Độ, vốn được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực kinh doanh đá hoa cương.
Chồng tự nấu của chồng, vợ tự nấu của vợ, ăn xong tự rửa bát của mình
Sau khi lấy chồng, tôi thấy vui hơn, vì được sống với người mình yêu thương và bắt đầu cuộc sống của người có gia đình.
Làm vợ có nhiều cái bỡ ngỡ, như chăm sóc gia đình, chăm sóc chồng… Có nhiều cái tôi chưa làm tốt, nhưng cần có thời gian chung sống để có thêm kinh nghiệm, để hiểu bạn đời, để biết hi sinh, thấu hiểu.
Khi sống chung với một người khác hoàn toàn về văn hóa sẽ có mâu thuẫn, bất đồng, nhưng vẫn có cách để cùng ngồi lại với nhau, cùng vượt qua khó khăn. Đó là lúc tôi và chồng hoàn thiện bản thân.
Tôi và chồng tôi đều là người trưởng thành, nên việc giải quyết mâu thuẫn diễn ra rất nhanh. Rồi sau này có con cái còn nhiều vấn đề nữa, nhưng nền tảng gia đình vẫn là yêu thương, thấu hiểu và chung thủy.
Cả tôi và chồng đều không biết nấu ăn. Nhưng tôi đã bắt đầu học nấu ăn. Tôi nấu cho mình thôi vì hai vợ chồng ăn tối khác giờ nhau. Tôi ăn tối lúc 6 giờ, còn chồng ăn lúc 10 giờ nên không ai đụng ai, chồng tự nấu của chồng, vợ tự nấu của vợ. Ăn xong thì tự rửa bát đũa của mình.
Nếu tôi lười không muốn làm việc nhà thì thuê người tới làm
Tôi đang tính đi Ấn Độ thăm nhà chồng, nhưng chưa đi được vì bên đó đang quá lạnh, cả tôi và chồng đều sợ lạnh. Tôi sẽ sang đó vào tháng 11, đúng dịp tết của họ.
Tôi không phải làm dâu vì nhà chồng ở bên kia, chỉ có tôi và chồng ở bên này. Việc ở riêng có nhiều thuận tiện vì công việc của tôi phải đi nhiều nên sẽ thoải mái hơn về tinh thần, không bị va chạm nhiều.
Tôi không biết nấu đồ Ấn, chỉ có mẹ chồng mới nấu được. Ăn đồ Ấn cũng không dễ vì họ dùng nhiều gia vị, rất nặng mùi. Tôi chỉ ăn được một số món Ấn chứ không ăn hết được. Bởi vậy, nếu qua Ấn, tôi phải mang theo đồ ăn bên này.
Nhưng tôi rất muốn đến Ấn Độ vì tôi thích văn hóa của họ qua phim ảnh. Tôi cũng muốn thăm nơi đã sinh ra chồng mình.
80% người Ấn nói tiếng Anh nên tôi giao tiếp không khó, chỉ có mẹ chồng của tôi nói tiếng Hindi thôi. Tôi giao tiếp với mẹ chồng thông qua chồng.
Tuy không hiểu nhau, bất đồng ngôn ngữ, nhưng tôi cảm nhận được mẹ chồng rất ấm áp, thương tôi. Lúc nào gọi điện về, mẹ cũng dặn chồng không được làm tôi buồn. Mẹ nói tôi không phải con dâu mà đã là con gái rồi.
Đây là sự may mắn của tôi, khi có chồng và gia đình chồng luôn yêu thương. Cái gì cũng phải có sự bù trừ, bù đắp cho nhau.
Chồng tôi không bắt tôi làm cái này cái kia, tôi làm cái gì cũng được. Nếu tôi lười không muốn làm việc nhà thì thuê người tới làm, chứ không bắt tôi phải làm việc nhà hay bắt buộc khuôn khổ gia đình phải ra sao.
Không bao giờ nghĩ tới chuyện làm dâu Ấn Độ
Ăn uống không phải vấn đề khó khăn giữa tôi và chồng vì chồng tôi không phải lúc nào cũng ăn đồ Ấn. Anh ấy cũng ăn đồ Tây, ăn đơn giản. Nhiều lúc chỉ cần luộc trứng thôi cũng ăn được rồi. Chúng tôi đều dễ ăn nên không bao giờ bất đồng về khẩu vị.
Tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện qua Ấn Độ làm dâu, vì đây là thiên đường rồi. Kể cả gia đình chồng sang đây chơi cũng nói Việt Nam quá tuyệt vời, quá đẹp. Chồng tôi cũng nói sẽ chỉ ở Việt Nam, không đi đâu cả.
Người Việt Nam mình không đi ra ngoài nên không biết vấn đề của các nước khác. Nhưng dân các nước khác về đây đều kêu đây là thiên đường, đồ ăn rẻ, con người thân thiện, bình yên, không có chuyện bạo loạn, nổ súng.
Chuyện có con thì phải để 2 năm nữa vì bây giờ tôi và chồng đang muốn tận hưởng cuộc sống vợ chồng son và dồn hết tâm lực cho công việc. Với tính cách của tôi, chỉ khi nào có kinh tế ổn định để nghỉ hát thì tôi mới sinh con. Bây giờ, tôi còn đang tích cóp.
Chồng tôi thích có con trai để hướng nghiệp theo gia đình còn tôi thích con gái hơn để chăm chút cho nó. Nhưng dù con trai hay con gái thì cũng đều là con của tôi.
Theo Thế giới trẻ