Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Đại diện Tập đoàn Trung Nguyên nói về điểm nghẽn có thể “từ từ giết chết Trung Nguyên”

Đại diện Trung Nguyên cho rằng nếu không giải quyết được triệt để vấn đề cổ phần sẽ gây ra kiện tụng liên tiếp kéo dài. Điều này ảnh hưởng nặng nề và có thể “từ từ giết chết Trung Nguyên”.  

Ngày mai (27/3), phiên xử ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ tiếp tục. Trước đó, HĐXX đã buộc phải hoãn tòa để thu thập thêm chứng cứ, xác minh khoản tài sản trị giá 2.102 tỷ đồng của vợ chồng vua cà phê được cho là gửi tại nhiều ngân hàng.

Điểm nghẽn có thể “giết chết Trung Nguyên”

Trong vụ án này Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đóng vai trò có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Phước (đại diện Tập đoàn Trung Nguyên) cho biết tỷ lệ cổ phần tại công ty rất quan trọng, một người nắm 51% cổ phần công ty có thể quyết định nhiều vấn đề, khi nắm 65% cổ phần công ty thì được quyết định hầu hết các hoạt động, ngoại trừ cơ cấu tổ chức, nghành nghề kinh doanh.

Đại diện Trung Nguyên chia sẻ: “Điểm nghẽn đối với sự phát triển của Trung Nguyên là bất kỳ cổ đông nào chiếm 10% cổ phần công ty đều có thể khởi kiện bất cứ quyết định nào của hội đồng cổ đông hay lãnh đạo công ty ra tòa án. Dù quyết định đó đúng hay sai thì việc bị khởi kiện ra tòa đều ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của công ty.

Còn nếu cứ khởi kiện liên tục thì công ty không thể hoạt động nổi, chỉ riêng thời gian gần đây Trung Nguyên đã vướng phải 18 vụ kiện tụng liên quan tới tranh chấp với cổ đông công ty rồi. Đặc biệt có nhiều vụ phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài sản sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự hoạt động của công ty”.

Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa thống nhất việc phân chia cổ phần tại Trung Nguyên.

Ông Phước cho rằng việc tranh chấp giữa các cổ đông sẽ mang lại nhiều khó khăn cho công ty, điều này nếu không được giải quyết “từ từ sẽ giết chết Trung Nguyên”. Nói về giải pháp, ông này cho rằng: “Chị Thảo có thể rút hết toàn bộ cổ phần, nhận giá trị bằng tiền mặt. Hoặc cổ đông này có thể chuyển giao cổ phần cho ông Vũ để Trung Nguyên có thể phát triển ổn định…”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: “Tỉ lệ cổ phần của cổ đông trong một công ty là rất quan trọng! Một cổ đông có đóng góp cổ phần dù chỉ có 1% nhưng nếu trong trường họp các quyết định của đại hội cổ đông hay các quyết định của lãnh đạo công ty nếu phương hại tới quyền lợi của người ta thì người ta vẫn có quyền khởi kiện ra tòa”.

Trong các tranh chấp chưa thỏa thuận được của vợ chồng vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ, cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên được đánh giá là khó phân chia nhất. Tập đoàn Trung Nguyên là tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực: Kinh doanh cà phê, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản.

Chìa khóa định đoạt số phận của Trung Nguyên

Tập đoàn Trung Nguyên có 7 công ty chính, bao gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.

Trong đó Trung Nguyên Investment chiếm 70% cổ phần, đây chính là chiếc chìa khóa quyết định mọi hoạt động của cả Tập đoàn. Về cổ phần của Trung Nguyên Investment thì ông Vũ nắm 61,66% (bao gồm 1,66% thừa kế từ người cha đã mất), bà Thảo nắm giữ 30%, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) có 6,68% và một cá nhân ẩn danh sở hữu 1,66%.

Có nhiều kịch bản có thể xảy ra đối với số phận của Trung Nguyên sau khi có phán quyết của tòa án.

Theo phương án của bà Thảo và đại diện pháp luật đưa tại tòa, cụ thể là bà Thảo sẽ được phân chia tài sản theo sở hữu 51% của Trung Nguyên Investment,  Như vậy ông Vũ chỉ còn chiếm 39% cổ phần công ty này, cộng thêm sự hỗ trợ của mẹ là 40,66%. Trường họp này, bà Thảo sẽ có quyền quyết định tại Trung Nguyên Investment, sau đó chi phối toàn bộ tập đoàn.

Theo phương án phân chia tỷ lệ 7:3 của ông Vũ, sau ly hôn, ông này sẽ sở hữu 64,66% Trung Nguyên Investment (bao gồm 1,66% cổ phần thừa kế từ cha), và bà Thảo chỉ còn 27%. Cộng thêm sự hỗ trợ của mẹ, ông Vũ sẽ dễ dàng nắm giữ công ty, điều khiển mọi hoạt động của tập đoàn.

Nếu việc phân chia tài sản theo tỷ lệ 5:5, ông Vũ sẽ có 46,66% và bà Thảo nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên Investment. Kèm theo sự hỗ trợ của mẹ, ông Vũ sẽ có tổng cộng 53,34% cổ phần, đủ để quyết định vận mệnh của cả tập đoàn. Tuy nhiên, với cổ phần lớn hơn 35%, bà Thảo có quyền phủ quyết một số quyết định quan trọng của Đại hội đồng cổ đông Trung Nguyên Investment

Vì sao khó phân chia cổ phần Trung Nguyên?

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia về luật cho rằng việc chia cổ phần tại Trung Nguyên rất khó. Bởi theo Luật hôn nhân và gia đình xác định việc chia đều tài sản và nợ nần cho hai bên khi ly hôn, trừ khi họ có ký thỏa thuận chia tài sản.

Tuy vậy, Điều 59 của bộ luật này lại quy định khoản chia có thể chênh lệch nếu: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập” và “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”.

Theo luật này, tòa sẽ phải xác định công sức đóng góp cho các doanh nghiệp Trung Nguyên của ông Vũ và bà Thảo để phân chia số cổ phần cho từng người tại các doanh nghiệp. Mà việc xác định công sức đóng góp này rất khó có thể thực hiện.

Việc phân chia cổ phần tại Trung Nguyên được các chuyên gia đánh giá sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên gồm những công ty cổ phần nhưng chủ yếu là 2 cổ đông lớn là ông Vũ và bà Thảo. Hiện này, họ gần như không thể cùng nhau làm việc, cùng điều hành Trung Nguyên. Chính vì thế, phương án tối ưu được đưa ra là một bên nhận cổ phần, một bên nhận tiền. Trong khi đó, cổ phần của Trung Nguyên được cho là định giá thấp hơn giá trị thực và giá trị phát triển gia tăng. Việc ai nhận tiền, ai nhận cổ phần sẽ là một câu hỏi khó!

Trước đó, trong quá trình xét xử, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho biết bản thân đã nhiều lần khuyên vợ lui về quán xuyến việc gia đình, nuôi dưỡng con cái và quản lý tài sản. Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng Trung Nguyên được khởi nghiệp là do ông và gia đình nổ lực, không có sự góp vốn của bà Thảo.

” Qua là linh hồn của Trung Nguyên… Hai mươi năm nay, Qua không đụng vào két sắt, tài khoản ngân hàng… Tiền bạc gia đình này đâu có thiếu. Cô muốn lấy gì thì lấy, để cho Qua phát triển Trung Nguyên đúng như cái tầm nhìn của nó”, Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói. Ông này cho rằng “20 năm nay Trung Nguyên không còn tính mới”, mong muốn phát triển tập đoàn theo “triết đạo Trung Nguyên cà phê” với “tầm nhìn chiến lược đi trước 20 năm”.

Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng bản thân đã có nhiều đóng góp cho Trung Nguyên trong những ngày đầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ vừa khởi nghiệp. Bà cũng khẳng định bản thân có quyền làm việc với một khát khao giữ gìn và đưa thương hiệu Trung Nguyên phát triển.

“Tôi cũng có công lớn, góp vốn cho anh Vũ làm những điều mong muốn khát khao, hướng anh đi từng bước từng bước để xây dựng nên thương hiệu Trung Nguyên. Bản thân tôi cũng là một doanh nhân danh tiếng cả trong nước lẫn trên thế giới.

Tôi phải nỗ lực lớn sau hơn 20 năm nhường hết cho chồng mình, chấp nhận lùi về sau, nghĩ chồng mình tỏa sáng thì mình cũng tỏa sáng. Mình cũng không bao giờ suy nghĩ về việc lo lắng hay đề phòng về chồng mình cả… “, bà Lê Hoàng Diệp Thảo giãi bày. Bà cho rằng: “Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con tất cả, còn mình đi tạo lập cái mới”.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ không một lần ngoảnh mặt nhìn nhau tại phiên tòa xử ly hôn”]

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link 

 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version