Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Cha mẹ cứ thế này, bảo sao khi trưởng thành con khó thành đạt

 Có những thứ tưởng chừng tốt cho con thế nhưng cha mẹ không biết rằng đó lại là rào cản khiến con khó thành công, thăng tiến hơn khi trưởng thành.

Ai trong đời chẳng muốn con cái mình sau này thành đạt, có được địa vị xã hội và cuộc sống ấm no? Chẳng phải chúng ta vẫn hay rêu rao câu “hi sinh đời bố, củng cố đời con” đấy thôi. Có rất nhiều cách thức để nuôi dạy con cái, trang bị cho con những thứ cần thiết để chúng chắp cánh bay xa hơn khi vào đời. Mặc dù vậy, cũng có những thứ chúng ta cần tránh để con mình vững vàng hơn.

Vậy nên, nếu đang có con cái, hãy thận trọng về những thứ mình sẽ làm. Đôi khi, chúng làm ảnh hưởng tới tương lai, sự nghiệp của con sau này.

1. Bao bọc con quá chặt để rồi chúng không dám chấp nhận rủi ro

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy sự hiểm nguy, ai chẳng muốn con mình an toàn, khỏe mạnh? Cha mẹ dành hết sức, thời gian để bảo vệ con mình, nó là trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Thế nhưng, bảo vệ, bao bọc con quá mức sẽ khiến chúng mất đi sự dũng cảm để tiến bước sau này.

Một đứa trẻ không được chơi ngoài sân, chẳng bao giờ ngã sẽ không biết được việc ngã đau đớn thế nào. Dần già, nó trở thành nỗi sợ, rào cản khiến con trẻ không dám thỏa sức làm những điều mình muốn. Trẻ con nên được biết ngã để biết tự đứng dậy, nên bị xước xát để hiểu rằng nó đau đớn ra sao, phòng tránh nó thế nào. Những đứa trẻ thiếu trải nghiệm sẽ không hoàn thiện được kĩ năng của mình để trở thành những lãnh đạo sau này.

2. Cha mẹ giúp đỡ con cái quá sớm, quá nhanh

Nếu nghĩ lại về thời thơ ấu của chính mình, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng trẻ nhỏ ngày nay thiếu đi những kĩ năng sống cơ bản mà chúng ta từng có. Lý do vì sao? Đơn giản vì cha mẹ quá nhanh mỗi khi con gặp vấn đề, khi chúng chưa kịp ăn đồ cay ta đã ngăn chặn, khi chúng chưa kịp chạm chân vào bô xe máy, cha mẹ đã la lên để chúng rời đi.

Hoặc, đơn giản là mỗi khi chúng gặp rắc rối giải quyết vấn đề nào đó, giả sử như mở một chiếc hộp, đổ nước vào chai… Cha mẹ tự lấy đi sự khám phá, tò mò của con trẻ bằng việc giúp chúng ngay lập tức. Thiếu đi khả năng giải quyết vấn đề, suy nghĩ tập trung hay sự sáng tạo trong xử lý tình huống, trẻ nhỏ khi trưởng thành sẽ gặp rắc rối lớn hơn với những vấn đề trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

Hãy cứ để con thử nghiệm, hãy cứ để chúng mày mò theo cái cách của trẻ con, đừng quá vội giúp đỡ để rồi sau này con cái ỉ lại và chẳng tự làm được gì cho mình.

Hãy cứ theo dõi chúng, nhưng chỉ giúp con khi chúng thật sự cần.

3. Cha mẹ đôi khi đề cao con cái quá mức cần thiết

Tất nhiên, “con hát, mẹ khen hay”, ai chẳng muốn dành cho con mình những lời hay, ý đẹp hay những câu khen ngợi khiến con cảm thấy hạnh phúc. Mọi vấn đề trẻ nhỏ gây ra, cha mẹ đều dễ dàng bỏ qua chỉ vì tâm lý không chấp trẻ con hay nghĩ trẻ con được phép phạm sai lầm. Trong một cuộc thi đấu của trẻ nhỏ cũng vậy, đứa nào cũng là người chiến thắng vì cha mẹ luôn coi chúng là nhất.

Nghe có vẻ bình thường thế nhưng lối suy nghĩ này trái ngược so với thực tại. Trẻ sẽ sớm nhận ra rằng mình dù làm gì cũng được cha mẹ ủng hộ từ đó có xu hướng lười biếng, không nỗ lực và không chịu hết mình. Nếu dạy cho con chấp nhận sự thật từ nhỏ, có thể đó là hành động có phần “phũ” với con nhưng đó lại là thứ cần thiết.

Phần thưởng chỉ dành cho người chiến thắng, thứ đó càng chính xác hơn trong cuộc sống trưởng thành. Chính vì thế, hãy dạy cho con biết về thua cuộc, cảm giác hân hoan trong chiến thắng và quan trọng nhất là nỗ lực hết mình để đạt được những gì mình mong muốn.

4. Cha mẹ không chịu kể lại quá trình tưởng thành của chính mình

Trong những gia đình có con cái đang ở độ tuổi “ẩm ương”, thứ chúng cần không phải là những lời dạy bảo, chỉ trích từ phía cha mẹ. Chúng cần hơn bao giờ hết những câu chuyện thật, quá trình trải qua tuổi trẻ của cha mẹ. Vì sao ư? Chúng sẽ chẳng muốn nghe những lời dạy bảo khô cứng của bạn đâu, thế nhưng câu chuyện, những kinh nghiệm sẽ là thứ giúp chúng vượt qua rắc rối. Về cơ bản, hãy chuẩn bị tinh thần đi vì con cái trong độ tuổi trưởng thành chẳng bao giờ làm những gì mà bố mẹ mong muốn.

Thay vì cấm đoán, trách móc con, hãy dạy cho chúng những lỗi lầm mà bạn từng gặp phải, những rủi ro có thể có, phòng tránh chúng ra sao. Hãy cứ để cho chúng tự lớn, tự phát triển, tự trải nghiệm. Quan trọng nhất, để cho chúng tự giải quyết rắc rối do chính chúng gây ra. Kinh nghiệm được hình thành qua trải nghiệm, nếu chỉ biết cấm đoán mà không cho con thử nghiệm, chúng sẽ rất “non” khi ra ngoài đời sau này.

5. Cha mẹ quá quan trọng về điểm số, sự thông minh

Có lẽ đây là đặc điểm điển hình của những cha mẹ châu Á, họ nghĩ rằng con mình phải học trường giỏi, có điểm số cao, phải thông minh thì mới thành công trong trường đời. Lối suy nghĩ này không những khiến con trẻ kiệt sức bởi những giờ học trên lớp, học thêm, học tại nhà. Nó còn khiến cho chúng bị áp lức để làm hài lòng gia đình, hài lòng cha mẹ.

Còn đối với những đứa nhỏ hơn, đôi khi cha mẹ cho rằng chúng thông minh để rồi bồi bổ cho chúng quá nhiều thứ chúng không cần. Sự thông minh cũng cần được rèn luyện, thứ quý giá nhất không phải là điểm số mà là kinh nghiệm sau này. Con trẻ cần đi học, cần có kiến thức nhưng không phải quá độ, hãy hướng cho chúng học những gì chúng thích, làm những gì chúng đam mê. Đừng chạy theo điểm số và nghĩ rằng con mình thông minh số 1.

6. Cha mẹ chẳng chịu làm theo những gì mình nói

Khi con nói dối, cha mẹ có thể vẽ ra cả tỷ lý do vì sao nói dối là không tốt. Thế nhưng, trong cuộc sống bên con cha mẹ vẫn nói dối. Vậy thì, đâu là hình mẫu để con theo đuổi?

Hãy nhớ rằng, cha mẹ chính là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới con trẻ. Thế nên, nếu muốn con mình như thế nào, cha mẹ hãy thể hiện mình như thế. Giả sử nếu muốn con đọc nhiều sách hơn, cha mẹ cũng cứ hãy đọc nhiều đi, con trẻ sẽ học theo thói quen này và rồi tự hình thành thói quen của riêng chúng.

Hãy làm gương, làm người chỉ dẫn và theo dõi con trẻ. Cuộc sống này là của riêng chúng, bạn phải để chúng tự phát triển. Trách nhiệm của một người làm cha, làm mẹ là nuôi dưỡng, dìu dắt con chứ không phải sống hộ hay áp đặt cho cuộc sống của chúng.

PV- Trí thức trẻ

Link

Exit mobile version