Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Dấu hiệu ở miệng cảnh báo ung thư: Ai đau trên 1 tháng phải đi khám ngay, đừng để muộn

ung thư

Ung thư khoang miệng chiếm khoảng từ 10 – 12% trong tổng số các ung thư bệnh dễ nhầm với các triệu chứng của loét miệng và các triệu chứng khác.

Ung thư sau 30 năm hút thuốc

Ông Nguyễn Văn D. (Diễn Châu, Nghệ An) ra Hà Nội khám với khối u ở lưỡi. Ông D cho biết khối u nhỏ xuất hiện khoảng mấy tháng nhưng ông không thấy có dấu hiệu đau chỉ gần đây khối u sùi sùi như súp lơ khiến việc ăn uống, nói cũng bất tiện nên ông đi khám.

Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ông D được chẩn đoán ung thư lưỡi nhưng ông chưa tin lắm nên ra Hà Nội kiểm tra lại lần nữa. Các bác sĩ xét nghiệm, sinh thiết tế bào học và cũng kết luận là ung thư lưỡi.

Ông D không nghĩ lưỡi cũng có thể bị ung thư. Bác sĩ chỉ định cắt 1/3 lưỡi.

Hay trường hợp ông Ngô Văn H. (62 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) hút thuốc lá 30 năm nay. Gần đây, miệng ông xuất hiện vết loét. Ông H nghĩ nhiệt miệng nên chẳng điều trị mà thay đổi chế độ ăn các đồ mát mát nhưng không có tác dụng.

Hai tuần qua, vết loét ngày càng to, sùi dễ chảy máu ông mới đi kiểm tra ở phòng khám tư bên ngoài. Bác sĩ nghi ngờ ung thư nên giới thiệu ông H đến bệnh viện chuyên khoa kiểm tra. Kết quả sinh thiết giải phẫu tế bào học chẩn đoán ông bị ung thư sàn miệng.

Ông H kể điểm loét này xuất hiện khoảnghai tháng nay ban đầu hơi khó chịu nhưng ông không đi kiểm tra mà sống chung với nó vì không nghĩ đó là ung thư.

Dấu hiệu nào cần nhớ

TS.BS. Nguyễn Huy Cảnh – Phó chủ nhiệm Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết phần lớn những ung thư niêm mạc và vùng hàm mặt chưa được phân chia ranh giới rõ ràng.

Tuy nhiên, gần đây người ta quan niệm rằng ung thư khoang miệng bao gồm: ung thư lưỡi, ung thư sàn miệng, thư niêm mạc má, ung thư khẩu cái mềm, ung thư khẩu cái cứng, ung thư vùng tam giác hậu hàm… Ung thư khoang miệng chiếm khoảng từ 10 – 12% trong tổng số các ung thư.

TS. Cảnh cho biết các nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây các ung thư trong khoang miệng liên quan nhiều đến rượu, thuốc lá, do vệ sinh răng miệng kém, những nhiễm khuẩn mạn tính, những người có nhiễm virus Epstein – Bar. Tuy nhiên cơ chế cho đến nay các nguyên nhân trên còn chưa rõ ràng.

ung thư

Vết loét ở miệng lâu liền có thể nghĩ tới ung thư

Triệu chứng của ung thư khoang miệng thường dễ nhìn và khám trực tiếp hơn những tổn thương ung thư ở sâu như vùng hầu họng, thực quản, dạ dày… nên có thể phát hiện được sớm nếu được thăm khám sớm thì tiên lượng điều trị sẽ tốt.

Những triệu chứng cơ năng thường xuất hiện sớm và thường gây ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và phát âm, đau và dễ chảy máu. Nên nếu bệnh nhân có những triệu chứng này nên đến khám kiểm tra và theo dõi để phát hiện bệnh sớm.

Triệu chứng thực thể quan trọng nhất để có thể phát hiện sớm thường gặp trong ung thư khoang miệng là:

Tổn thương loét: thường đáy gồ ghề, có thể loét đơn thuần hoặc có những nhú phủ trên những mảnh tổ chức hoại tử, có mùi hôi thối, dễ chảy máu, sờ thấy bờ gồ ghề, cứng chắc, ít hoặc không di động, ranh giới không rõ, và có thể thấy thâm nhiễm ra các vùng và tổ chức xung quanh.

Tổn thương sùi: thường là những nụ nhỏ, gồ, như hình súp – lơ, có thể kết hợp tổn thương loét, chảy máu.

Do tổn thương thực thể chủ yếu là tổn thương sùi, loét, chảy máu… Nên người ta khuyến cáo với những người có tổn thương loét dù nhỏ mà tồn tại ở 1 vị trí cố định trên 1 tháng là có chỉ định sinh thiết để xác định bản chất tổn thương. 

Nhiều trường hợp bệnh nhân loét miệng kéo dài chủ quan không đến khám mà để lâu đến khi phát hiện ra bệnh thường giai đoạn cũng khá muộn do các ung thư trong khoang miệng di căn khá sớm.

Di căn ung thư vào các hạch đầu mặt cổ thường xảy ra sớm, đặc biệt là với những ung thư của lưỡi và sàn miệng. 

Sớm nhất là di căn vào các nhóm hạch vùng dưới cằm, dưới bờ hàm và hạch cổ, có thể di căn 1 bên mà cũng có thể di căn 2 bên. Hạch di căng to dần gây chèn ép đường thở, xâm lấn vào các mạch máu lớn gây khó thở, đau đầu, và hoại tử gây chảy máu ồ ạt vùng hàm mặt dẫn đến tử vong rất nhanh.

TS Cảnh cho biết việc phát hiện sớm tiên lượng rất tốt do đó những tổn thương loét nhỏ ở miệng, mà tồn tại lâu trên 1 tháng nhất là những người trên 40 tuổi nên được làm sinh thiết để xác định tổn thương. Không nên để đến lúc tổn thưởng đã sùi loét, thâm nhiễm thì giai đoạn bệnh cũng đã muộn và tổ chức ung thư đã đi căn thì hiệu quả điều trị sẽ rất thấp.

Ngọc Anh – Trí thức trẻ

Link

Exit mobile version