Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Đề xuất cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi: Tại sao không cấm ô tô cá nhân?

Các chuyên gia giao thông cho rằng, một ô tô cá nhân chiếm mặt đường gấp 5-10 lần xe máy và cũng là nguyên nhân gây ùn tắc, vậy “tại sao Hà Nội không cấm ô tô mà lại cấm xe máy?”.

Cấm xe máy, người dân sẽ dồn vào mua ô tô dẫn đến ùn tắc hơn?

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang phối hợp với các đơn vị chức năng, nghiên cứu xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó, dự kiến phương án sẽ chọn một trong 2 tuyến đường: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm cấm xe máy.

Lộ trình chung của đề án là từ năm 2030, nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.

Trao đổi với PV, TS Đinh Thị Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho hay, hiện nay, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều nhà cao tầng, mật độ dân cư, phương tiện lưu thông rất đông.

Trong khi đó, hệ thống vận tải công cộng lớn là đường sắt trên cao, BRT mới chỉ được một đoạn từ phía Tây vào trung tâm, còn các hành lang lớn khác từ trung tâm đi phía Nam, Đông Bắc… vẫn chỉ là xe buýt.

Với tuyến đường Nguyễn Trãi mới chỉ có một tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Trong trường hợp cấm xe máy tuyến đường này, bà Bình cho rằng số lượng người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối tuyến đường sắt chỉ chiếm khoảng 1/3.

Số còn lại 2/3 người dân chỉ đi một đoạn trên tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông và sau đó phải sử dụng xe buýt để tiếp tục di chuyển đến nơi cần đến. Tương tự, tuyến đường Lê Văn Lương cũng mới chỉ có phương tiện BRT, chưa có tuyến đường sắt.

“Nếu như phương tiện giao thông công cộng không được tăng cường thêm, cải thiện về năng lực, độ thuận tiện sẽ không đáp ứng nhu cầu cũng như thu hút người dân sử dụng.

Khi nhu cầu không được đáp ứng, bị gây khó khăn bởi xe buýt quá tải, người dân sẽ lại chọn phương tiện cá nhân để di chuyển.

Nhiều người chọn xe máy cho thuận tiện và để tránh đường cấm, họ sẽ đi vào ngõ ngách hoặc các tuyến đường song song với hai trục kia, ùn tắc lại xảy ra.

Một bộ phân khác có điều kiện hơn có thể sắm xe ô tô cá nhân sử dụng hay dùng taxi, grab… để đỡ bị cấm và lưu lượng ô tô tăng cao, sẽ gây áp lực rất lớn cho giao thông”, bà Bình phân tích.

Nữ TS nhìn nhận, do số chuyến đi bằng xe máy của người dân vẫn chiếm đến hơn 70% nên khi xây dựng đề án cấm, thành phố đã tập trung vào loại hình phương tiện đông nhất.

Việc hạn chế xe máy nhằm mục đích đánh vào số đông và sẽ nhìn thấy ngay tức thì tác động. Tuy nhiên, nhiều người sẽ đặt vấn đề, hiện nay ô tô cá nhân đang tăng trưởng cao ở Hà Nội cũng như dọc hai trục Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi.

Trong khi so về mặt chiếm diện tích đường thì ô tô chiếm nhiều hơn xe máy và nếu cấm xe máy mà không có giải pháp với ô tô, khi ô tô cá nhân tăng lên, thì tình trạng ùn tắc chắc chắn còn nghiêm trọng hơn.

Từ đó, người dân có thể đặt câu hỏi, vậy tại sao không cấm ô tô cá nhân mà lại cấm xe máy? Chưa kể, người đi xe máy có thể đi xe buýt, đi tàu trên cao còn người đi ô tô chưa chắc đã thích các loại hình công cộng”, TS Bình nêu vấn đề.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cũng cho rằng, nếu Hà Nội cấm xe máy, mọi người sẽ dồn vào mua ô tô. Trong khi chỉ khoảng 200 triệu đồng đã mua được một chiếc xe bình thường, khi đó sẽ khiến đường phố đông đúc ô tô, ùn tắc, tai nạn.

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: P.L

 

“Ùn tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có ô tô với số lượng rất lớn. Một ô tô chiếm mặt đường gấp 5-10 lần xe máy. Vậy tại sao không cấm ô tô mà lại cấm xe máy?”, ông Thủy đặt vấn đề.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ, nếu cấm xe máy trên các trục dài như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương thì rất dễ thất bại và gây khó cho người dân, khiến tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường khác thêm trầm trọng hơn.

Ông nói, tuy đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đã hoặc sắp có buýt nhanh BRT, tàu đường sắt đô thị nhưng cũng chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn được xe máy.

Bởi buýt BRT, tàu điện chưa trở thành mạng lưới khép kín để người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối.

“Với tuyến Nguyễn Trãi – Lê Văn Lương là hai tuyến giao thông huyết mạch, kéo dài, nếu cấm xe máy sẽ chuyển sang đường khác để đi.

Ví dụ đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi bị cấm, xe máy sẽ dồn sang trục Trần Duy Hưng và gây ra ùn tắc hơn“, ông Tạo nêu.

Không nên cấm hoàn toàn xe máy

Nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, cơ quan chức năng trước mắt chỉ nên khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng, không nên cấm hoàn toàn xe máy.

Xe máy trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Kenh14.vn.

 

Trường hợp đối với các tuyến phố cấm, cơ quan chức năng cần phải phân luồng cho xe máy đi vào đường tránh, vòng, hoặc tuyến đường chạy song song.

Ngoài ra, phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng, nâng cao năng lực phục vụ đối với xe buýt trên hành lang của các tuyến còn lại.

Nếu Hà Nội muốn cấm được phương tiện cá nhân thì giao thông công cộng phải đạt được ít nhất 40% nhu cầu đi lại của người dân còn không sẽ rất khó khăn”, bà Bình chỉ ra.

Còn theo ông Tạo, thay vì cấm xe máy, Hà Nội nên có quy hoạch hạn chế, tổ chức cấm xe máy theo không gian khu vực lõi theo địa bàn quận rồi lan dần.

Ở khu vực lõi đó có đủ phương tiện công cộng, xe buýt, xe điện để phục vụ đi lại rồi mở rộng dần khu vực cấm hóa xe máy.

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version