Điện thoại, máy tính bảng là những “sát thủ” đang giết chết mối quan hệ gia đình và khiến những đứa trẻ không còn được phát triển tự nhiên như trước nữa.
Những hậu quả đón lõng
Thạc sĩ Phương Hoài Nga – cán bộ tư vấn tâm lý học đường của trường phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội cho biết chị gặp rất nhiều gia đình đang là nạn nhân của những thiết bị công nghệ số mang lại.
Trường hợp của bé Phan M.C 8 tuổi trú tại Hà Nội là điển hình. C nghiện công nghệ số với đủ loại các thiết bị máy điện thoại, máy tính bảng. Đi học về là em chỉ đòi mẹ cho mượn máy điện thoại hoặc máy tính để xem.
Kết quả, những rối loạn đầu tiên đã đến với em. Dù còn quá nhỏ nhưng cậu bé đã có thể lấy móng tay cào nát tay còn lại mình.
Nhìn cánh tay như bị chà sát mạnh bởi những bức tường xi măng rắn chắc, nhiều người không khỏi xót xa. Đây chính là hậu quả của việc gia đình quá bận bịu mà bỏ mặc em với các công nghệ số.
Hỏi ra, mẹ em cho biết hầu như cả nhà đều chìm vào các loại điện thoại thông minh và hầu như không giao tiếp trực tiếp với nhau nhiều.
“Bố ơi bố tắt điện thoại đi, mẹ ơi mẹ tắt điện thoại đi” đó là câu nói cửa miệng của bé Nguyễn Nhã Uyên 3 tuổi con của chị Hoàng Thị Hải Yến ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.
Chị Yến kể buổi tối chị và chồng đều có thói quen xem điện thoại. Hai vợ chồng ném cho con bộ lego và mỗi người cầm một chiếc điện thoại vào facebook rồi zalo đủ thứ.
Nhiều lần, con chị muốn đi ngủ chị khất con “chờ mẹ tý” và cứ như thế chị chìm vào facebook. Con chị gào lên xin bố mẹ tắt điện thoại. Lúc ấy chị mới ngớ người ra rằng thời gian chị dành cho con quá ít.
Sáng ngủ dậy vội vàng cho con đi học đến 6h về nấu nướng xong dọn dẹp là hai vợ chồng lại nhoay nhoáy điện thoại.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Viện sức khoẻ tâm thần quốc gia điều này rất nguy hiểm có thể gây sang chấn tâm lý cho trẻ và điều đặc biệt là tình cảm gia đình rạn nứt.
Nhiều đứa trẻ cảm thấy bị xa cách trong chính ngôi nhà của mình và khi lớn lên chúng thường bất cần, có thể bỏ nhà đi bất cứ lúc nào.
Cảnh báo những đứa trẻ trong lồng
Thạc sĩ Nga cho biết nếu cứ sống như hiện nay ở các gia đình thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng ta có thể nuôi ra những “con gà công nghiệp” chỉ biết những kiến thức hình ống tre.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Lời nói, sự tiếp xúc giữa cha mẹ với con cái, thậm chí là quá trình chơi với con, không chỉ giúp não bé phát triển mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm.
Khi sự gắn kết không có chỉ có điện thoại và tablet thì chúng ta sẽ tạo ra những “bộ não mới” cho trẻ và đến đời con, đời cháu chúng ta thực sự không biết sẽ như thế nào?
Ngoài ra, trẻ dành quá nhiều thời gian để tương tác với màn hình điện thoại, máy tính bảng thì khác. Liên kết thần kinh của trẻ sẽ bị thay đổi.
Dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị đọc điện tử trước khi đi ngủ sẽ khiến con người khó đi vào giấc ngủ.
Ánh sáng phát ra từ màn hình ức chế hoóc môn gây buồn ngủ và làm thay đổi chu kỳ ngủ – thức tự nhiên của cơ thể điều này đã được chứng minh.
Có một vị giáo sư nổi tiếng đã kể rằng ông thấy mình khoẻ hơn rất nhiều chỉ sau khi thay đổi thói quen check mail của mình. Ông chỉ check mail khi đến cơ quan thay vì vừa ngủ dậy đã check mail ngay.
Thực tế, không ít đứa trẻ ngủ không đủ giấc vì bận mải chơi điện thoại và có những đứa trẻ học lớp 6 nhưng trí tuệ chỉ bằng lớp 4. Thua kém nhau 2 năm trí tuệ, 2 tuổi khôn ở đứa trẻ là điều cực kỳ nguy hiểm cho mỗi bé.
Những hình ảnh ta thường bắt gặp thường xuyên đó là trên bàn ăn gia đình hay trong nhà hàng, những thành viên trong gia đình, những người bạn cúi mặt xuống chiếc smartphones, tablets để nhắn tin, lướt facebook, instagram thay vì ngẩng lên trò chuyện với nhau.
Chúng ta cũng thường xuyên bắt gặp những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học nhưng đã thông thạo cách vào youtube xem hoạt hình siêu nhân, công chúa.
Thế hệ mới này được gọi là thế hệ thạo công nghệ, nhưng thế hệ này cũng đồng thời là thế hệ đang phải đối diện với một loạt các vấn đề mới nảy sinh: cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ và giao tiếp, trưởng thành giả,…
Các hiện tượng này, đặc biệt ở trẻ em, gây ra những vấn đề có thật trong sự phát triển của trẻ em nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.
Thay vì mỗi người sử dụng các thiết bị mình yêu thích, con cái xem điện thoại, các chuyên gia đều cho rằng chúng ta nên quy ước với con thời gian xem các thiết bị công nghệ.
Quy ước này đặt ra cần có sự lắng nghe nhu cầu của trẻ để trẻ cảm thấy mình không bị áp đặt, kiểm soát nhưng vẫn hạn chế được thời gian tiếp xúc với đồ công nghệ.
Theo Tri thức trẻ