Ảnh minh họa.
Thực chất mật chỉ mà vua Càn Long ban cho Hòa Thân vốn không phải “kim bài miễn tử” để cứu mạng tham quan này mà lại mang một dụng ý khác.
Được biết tới là một đại tham quan khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa, thế nhưng sự thực là Hòa Thân từng có một giai đoạn mặc sức lộng hành vào thời Càn Long Hoàng đế còn tại vị.
Thậm chí, có giai thoại truyền lại rằng, Càn Long còn ưu ái tham quan họ Hòa này tới nỗi bí mật trao cho ông một đạo thánh chỉ đề phòng bất trắc về sau.
Thế nhưng liệu rằng Càn Long đã viết gì bên trong mật chỉ ấy? Tại sao ngay cả khi đã có “kim bài miễn tử” như vậy, Hòa Thân vẫn không tránh khỏi kết cục vong mạng dưới tay vua Gia Khánh?
Đại tham quan khét tiếng nhà Thanh với số tài sản gấp 15 năm thu vào của quốc khố
Nhắc tới Hòa Thân, hậu thế sẽ nhớ ngay tới một đại tham quan khét tiếng trong lịch sử Thanh triều với khối tài sản khổng lồ gấp nhiều lần quốc khố.
Cho tới ngày nay, vẫn không ai biết rằng Hòa Thân đã tham ô tổng cộng bao nhiêu tiền, cụ thể bao nhiêu lần. Hoặc có lẽ ngay tới chính bản thân tham quan họ Hòa này cũng không nhớ nổi mình có bao nhiêu gia sản.
Căn cứ vào một số tài liệu, năm xưa khi Gia Khánh khám nhà Hòa Thân, số tài sản được tịch biên lên tới 1.1000 triệu lượng bạc trắng.
Vào thời bấy giờ, một năm thu vào của quốc khố Đại Thanh cũng không vượt quá con số 7000 vạn lượng bạc. Như vậy, chỉ riêng số tiền mà Hòa Thân có trong tay đã tương đương với 15 năm thu vào của quốc khố Thanh triều.
Sau khi Hòa Thân “rớt đài”, toàn bộ số gia sản kếch xù này đều bị Gia Khánh tịch biên. Cũng bởi vậy mà người thời bấy giờ vẫn thường truyền tai nhau câu nói: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.
Càn Long tình nguyện bao che cho Hòa Thân và nguyên nhân thực sự phía sau
Từ cổ chí kim, lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận sự xuất hiện của không ít tham quan. Thế nhưng sự thực là khó có tham quan nào lại được Hoàng đế bao che, dung túng như Hòa Thân.
Mặc dù nắm trong tay số tài sản kếch xù, lại có không ít thủ đoạn mập mờ để kiếm tiền, nhưng Hòa Thân vẫn có một giai đoạn thỏa sức lộng hành khi Càn Long còn nắm quyền.
Chính điều này đã khiến hậu thế không khỏi thắc mắc: Một vị vua túc trí đa mưu như Càn Long chẳng lẽ lại không hay biết đến sự lộng hành của đại tham quan họ Hòa này hay sao?
Thực tế, Càn Long không phải không biết chuyện Hòa Thân tham ô. Thế nhưng vị Hoàng đế khôn ngoan này lại lựa chọn “mắt nhắm mắt mở” vì những lý do dưới đây.
Thứ nhất, Hòa Thân thực chất chính là một chiếc túi tiền không đáy để nhà vua mặc sức bòn rút.
Khi Càn Long bước vào tuổi già, ông càng lúc càng thích xa hoa, hưởng lạc. Sau lần vi hành Giang Nam của vị Hoàng đế này thực chất đều tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ.
Trong khi đó, quốc khố vốn chỉ đủ chi tiêu. Vì vậy một tham quan giàu có như Hòa Thân nghiễm nhiên trở thành túi tiền của Hoàng đế.
Hòa Thân dù tham ô nhưng lại chịu tình nguyện bỏ tiền khi nhà vua cần đến. Chính điểm này đã khiến tính mạng của ông được đảm bảo dưới thời Càn Long nắm quyền.
Thứ hai, Hòa Thân được xem là một bề tôi sở hữu thiên phú lấy lòng Hoàng đế. Chỉ cần nhìn qua một cử chỉ hay ánh mắt của Càn Long, tham quan họ Hòa này đã biết phải làm gì, nên nói gì.
Có giai thoại truyền lại rằng, năm xưa khi mẹ ruột của Càn Long lâm bệnh liệt giường, người làm bề tôi như Hòa Thân thậm chí còn kêu khóc thương tâm hơn cả Hoàng đế.
Nhờ tài nịnh bợ ở trình độ thượng thừa như vậy, Hòa Thân đã trở thành một sủng thần thấu hiểu thánh ý và luôn đem đến cho Càn Long sự vui vẻ, hài lòng.
Thứ ba, Hòa Thân thực sự là một nhân tài. Mặc dù bị coi là một đại tham quan, nhưng vị quan họ Hòa này lại luôn duy trì những nguyên tắc, phàm là những chỗ không nên tham ô thì ông cương quyết không lấy dù chỉ một đồng.
Tương truyền rằng mặc dù là “trùm sò” trong những phi vụ mua quan bán chức hay nhận hối lộ, nhưng Hòa Thân không bao giờ đụng tới những khoản tiền quan trọng như tiền cứu nạn thiên tai cho bách tính.
Từ những yếu tố này có thể thấy, Hòa Thân trong mắt Càn Long vừa là một người có năng lực, một bề tôi tuyệt đối trung thành, lại hiểu ý Thiên tử, cho nên Hoàng đế đã tình nguyện trở thành một “thần hộ mệnh” cho vị quan lắm tài nhiều tật này.
Do đó, vào giai đoạn Càn Long còn nắm quyền, trên dưới triều đình gần như không một ai dám động tới Hòa Thân.
Mặc dù có một số người từng tố cáo việc tham quan này tham ô, nhưng Càn Long vẫn luôn mắt nhắm mắt mở cho qua.
Nhầm tưởng mật chỉ vua ban là kim bài miễn tử và cái kết đắng cho tham quan họ Hòa
Có lẽ bản thân Hòa Thân hiểu rõ hơn ai hết, một khi Càn Long không còn, tính mạng của mình chắc chắn càng khó giữ.
Vì vậy, có giai thoại truyền lại rằng, tham quan thức thời này đã xin Càn Long để lại cho mình một mật chỉ cứu mạng, coi đó như “kim bài miễn tử” để dùng trong lúc nguy nan.
Mặc dù Càn Long đồng ý giao cho mật chỉ, nhưng lại dặn Hòa Thân cất kỹ, chỉ mở ra khi nào cần dùng tới.
Cũng bởi vậy mà nội dung của mật chỉ này chỉ thực sự được tiết lộ khi Hòa Thân đã rơi vào đường cùng.
Ngày 7/2/1799, Thái Thượng Hoàng Càn Long băng hà ở tuổi 87. Chỗ dựa vững chắc nhất của Hòa Thân đã chính thức sụp đổ, việc đại tham quan này rơi vào tầm ngắm của Gia Khánh cũng là điều hiển nhiên.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Càn Long qua đời, Hòa Thân đã bị Gia Khánh hạch tội và khám nhà.
Nhận thấy bản thân đã rơi vào tình thế nguy nan, Hòa Thân liền dùng đạo mật chỉ mà Càn Long đã ban cho năm nào với hi vong có thể cứu vớt đại cục.
Thế nhưng khi mở “kim bài miễn tử” ra, đại tham quan họ Hòa không khỏi tá hỏa khi nhìn thấy mật chỉ chỉ có vẻn vẹn 3 chữ: “Cho toàn thây”.
Những chữ này ám chỉ rằng Càn Long cũng đã hết cách che chở cho Hòa Thân, vị tham quan này cũng chỉ còn nước chờ ngày tận mạng.
Sau khi bị hạch tội và tịch thu gia sản, Hòa Thân đã bị Gia Khánh xử án lăng trì. Tuy nhiên có lẽ vì kiêng nể mật chỉ của tiên đế, vị vua này lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn và cho ông được chết toàn thây bằng cách tự vẫn tại phủ vào ngày 22/2/1799.
Theo Trấn Quỳnh- Trí thức trẻ/Soha