Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Gợi ý mâm cơm cả tuần cho mẹ ở cữ, lợi sữa cho con mà không lo tăng cân

mâm cơm,mẹ ở cữ

Sau sinh với chế độ kiêng khem đặc biệt nên các mẹ phải tránh khá nhiều thực phẩm. Vậy làm thế nào để có những bữa cơm vừa lạ miệng hấp dẫn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng? Các mẹ sau sinh cùng tham khảo những thực đơn dưới đây nhé!

Nhưng trước khi bắt tay vào nấu nướng, mẹ nhớ:

– Thức ăn cho mẹ sau sinh đang trong thời gian “ở cữ” phải mềm, ấm và dễ tiêu hóa.

– Đối với các mẹ sinh mổ, khi chưa xì hơi được (dấu hiệu thông ruột) thì không nên ăn: cháo thịt, cháo cá, cháo móng giò, sữa tươi, sữa đậu nành, nước mía… mà chỉ nên ăn cháo loãng, những món khó tiêu và thực phẩm lên men không hề tốt cho vết mổ lại khiến mẹ thêm khó chịu. Khi đường ruột đã hồi phục và mẹ có thể đi đại tiện bình thường, có thể ăn theo chế độ bình thường.

– Các mẹ sinh thường thì có sự lựa chọn đa dạng hơn, có thể uống sữa, các loại sinh tố, cháo thịt, cháo móng giò… Đối với các mẹ bị rạch tầng sinh môn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 khẩu phần ăn/ ngày trong những ngày đầu sau sinh, dần dần có thể ăn theo chế độ bình thường.

Thực đơn cả tuần cho mẹ ở cữ lợi sữa cho con mà không lo tăng cân được các chuyên gia ẩm thực gợi ý như sau:

Thứ 2:

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Canh sườn hầm rau củ.

Sườn rửa sạch chặt miếng vừa ăn, phi thơm hành băm rồi cho sườn vào xào săn lại, nêm thêm chút nước mắm cho thơm sau đó đổ 1 bát canh nước lọc vào ninh. Khi sườn chín mềm thì cho cà rốt, đậu bắp, nấm kim châm theo thứ tự vào ninh cho tới lúc rau củ chín thì nêm lại gia vị cho vừa ăn.

– Ruốc thịt heo.

Thịt nạc thăn sơ chế sạch thái miếng vuông dọc thớ, cho trần qua nước sôi rồi ướp thịt với nước mắm, bột ngọt, tiêu, hành băm trong khoảng 15 phút. Đem thịt đã ướp rim nhỏ lửa, thịt chín vớt ra để nguội rồi giã nhỏ thành sợi sau đó cho vào chảo xào vàng lên là xong. Bảo quản ngăn mát tủ lạnh.

– Rau bắp cải luộc: Đun sôi nước với một chút muối, gừng đập dập rồi cho rau vào luộc. Khi rau chín mềm thì vớt ra để ráo nước.

Thứ 3:

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Canh rau ngót nấu sườn.

Rau ngót tuốt lấy phần lá rồi rửa sạch, hành khô thái nhỏ. Phi thơm hành rồi cho sườn vào xào săn lại, nêm chút nước mắm cho thơm, sau đó đổ 1 bát canh nước lọc vào ninh. Khi sườn chín mềm thì cho rau ngót vào, đậy vung lại đun sôi canh với lửa vừa, nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi đun tiếp cho tới khi rau chín mềm là được.

– Thịt nạc rim.

Thịt nạc thăn rửa sạch thái miếng nhỏ, ướp với nước mắm, hành băm khoảng 15 phút. Cho thịt lên bếp rim lửa nhỏ tới khi thịt chín là xong.

– Tim lợn hấp.

Tim thái miếng mỏng, ướp với nước mắm, hành băm, bột ngọt rồi cho vào 1 bát con. Khi nấu cơm thì đặt bát tim vào trong lòng nồi cơm điện, tới lúc cơm chín thì tim cũng chín mềm. Cách này giúp tiết kiệm thời gian và giữ được độ ngọt của tim.

– Khoai lang tím hấp.

Khoai lang gọt vỏ, cắt khoanh tròn rồi xếp vào nồi hấp cách thủy 10 phút là chín.

– Bí xanh luộc: Đun sôi nước với một chút muối, gừng đập dập rồi cho bí vào luộc. Khi bí chín mềm thì vớt ra để ráo nước.

Thứ 4:

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Tôm nõn rim mặn.

Tôm làm sạch và bóc vỏ, ướp với 1 thìa nước mắm, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa đường, 1 thìa tiêu. Bắc chảo lên bếp phi thơm hành băm rồi cho tôm vào xào săn lại. Đậy vung lại rim tôm với lửa nhỏ, khi tôm bắt đầu chín thì nêm nếm lại gia vị vừa ăn rồi rim thêm tầm 5 phút nữa thì tắt bếp.

– Trứng hấp thịt.

Thịt nạc xay trộn với trứng gà, chút hành lá, 1 thìa nước mắm, 1 chút bột ngọt rồi đánh đều hỗn hợp lên. Tiếp theo, cho vào bát con và hấp cách thủy 20 phút, lọc lấy 1 lòng đỏ trứng khuấy đều rồi quết lên trên bề mặt để tạo lớp màu vàng bắt mắt. Hấp thêm 2 phút nữa thì tắt bếp.

– Canh rau ngót nấu thịt bằm.

Rau ngót tuốt lấy phần lá rồi rửa sạch, hành khô thái nhỏ. Phi thơm hành rồi cho thịt băm vào xào săn lại, nêm chút nước mắm cho thơm. Sau đó cho rau ngót vào xào cùng với thịt, khi rau chín tái thì đổ thêm một bát canh nước lọc vào. Đậy vung lại đun sôi canh với lửa vừa, nêm lại gia vị rồi đun tiếp cho tới khi rau chín mềm là được.

– Đậu cove luộc.

Đậu cove tước hết phần xơ, rửa sạch với nước. Đun sôi 1 nồi nước có pha một chút muối. Khi nước sôi thả đậu vào luộc sao cho nước ngập, đảo liên tục cho tới khi đậu cove chín mềm thì vớt ra để ráo nước rồi xếp ra đĩa.

Thứ 5:

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Canh mồng tơi nấu thịt bằm.

Mồng tơi nhặt phần ngọn và lá non, rửa sạch, hành khô thái nhỏ. Phi thơm hành rồi cho thịt băm vào xào săn lại, nêm chút nước mắm cho thơm, sau đó đổ 1 bát canh nước lọc vào đun. Khi nước sôi thì thả rau vào, đậy vung lại đun lửa vừa, nêm lại gia vị rồi đun tiếp cho tới khi rau chín mềm là được.

– Tim lợn nạc rim nước mắm.

Tim lợn thái nhỏ, ướp với nước mắm, bột ngọt, gia vị khoảng 10 phút. Phi thơm hành băm rồi cho tim vào xào săn lại, đậy vung rim nhỏ lửa. Khi tim chín thì nêm lại gia vị cho vừa miệng là xong.

– Đậu bắp luộc.

Đậu bắp cắt bỏ 2 đầu rồi ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút cho bớt nhớt sau đó rửa lại với nước lạnh. Đun sôi nước có pha 1 chút muối rồi cho đậu bắp vào luộc. Đậu bắp vừa chín tới thì nhanh tay vớt ra đĩa.

-Trứng gà ta hấp. Để tiết kiệm thời gian thì khi nấu cơm chúng ta cho trứng vào nồi cơm điện hấp cùng.

Thứ 6:

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Bí ngô non xào thịt bò.

Bí ngô non nạo vỏ, thái miếng mỏng, thịt bò thái nhỏ ướp với một chút dầu hào, gia vị. Bắc chảo lên bếp phi thơm hành tỏi băm rồi cho thịt bò vào xào tái sau đó để thịt riêng ra một đĩa. Dùng luôn chảo đó cho thêm 1 chút dầu ăn rồi cho bí ngô vào xào, khi bí ngô bắt đầu chín thì nhanh tay cho thịt bò vào xào cùng khoảng 5 phút là xong.

– Thịt chân giò luộc.

Thịt chân giò rửa sạch, dùng chỉ cuốn chắc miếng thịt lại rồi cho vào nồi luộc. Chú ý hớt bọt trong quá trình luộc. Khi thịt chín vớt ra để nguội thái miếng vừa ăn.

– Canh mùng tơi.

Dùng nước luộc thịt pha thêm một chút gia vị rồi đun sôi, sau đó thả rau mùng tơi đã rửa sạch thái nhỏ vào. Nêm lại gia vị vừa ăn khi rau chín là được.

Thứ 7:

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Canh sườn dê non hầm rau củ quả.

Sườn dê non rửa sạch với rượu trắng để khử mùi hôi, sau đó cho sườn dê vào nồi và đổ thêm một bát canh nước vào hầm. Khi nước hầm đã xong thì cho hạt sen vào hầm cùng đến khi chín nhừ thì tiếp tục cho cà rốt và khoai tây vào. Khi tất cả củ quả đã chín thì nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi rắc hành lá vào và tắt bếp.

– Đùi gà hấp: Chặt lấy phần đùi gà rồi cho vào nối hấp cách thủy 15 phút là chín. Khi ăn mẹ ở cữ có thể bỏ lại phần da gà để hạn chế phần mỡ gà.

Chủ Nhật

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Canh chả cá thác lác nấu cải cúc.

Cải cúc nhặt cọng vừa ăn, rửa sạch rồi để ráo. Cá thác lác nêm gia vị sau đó giã nhuyễn cho đến khi dai. Muốn biết cá có đủ độ dai hay chưa bạn có thể luộc sôi rồi ăn thử nhé. Khi đã xong phần chuẩn bị bạn bắt một nồi nước lên bếp, đợi khi nào sôi thì bỏ cá thác lác vào, nêm nếm vừa ăn thì bỏ cải cúc vào đợi sôi nhẹ một lần nữa là được.

– Mực xào: Mực rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Bông hành cắt khúc. Với cách xào cũng rất đơn giản. Nhắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng thì bạn cho dầu và tỏi phi cho thơm. Tiếp đến là bỏ mực trước xào cho săn rồi tới bỏ hành vào, nêm nếm vừa ăn thế là xong rồi đấy.

– Thịt bò chiên: Thịt bò cắt miếng vừa ăn, ướp chung với gia vị cho thấm. Sau đó bắt chảo lên bếp, khi chảo nóng bạn cho thêm một ít dầu, đợi khi dầu sôi thì bỏ thịt bò vào chiên thôi. Lưu ý: Chiên thịt bò bạn nhớ chiên vừa tới, nhưng cũng phải chín, nếu chiên quá lâu sẽ rất dễ bị dai.

Thực phẩm sau sinh tuyệt đối không nên ăn:

– Thực phẩm để qua đêm, thực phẩm để chung với những nguyên liệu sống: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mẹ sau sinh không nên để thực phẩm qua đêm vì trong quá trình bảo quản thức ăn rất dễ bị nhiểm khuẩn từ môi trường, do vậy các mẹ nên chế biến thực phẩm theo từng bữa và ăn hết trong ngày. Trong khi bảo quản thực phẩm các mẹ cũng nên đóng túi hoặc đóng hộp những thực phẩm chín, không để chung với thực phẩm sống.

– Thực phẩm cay nóng: Sau sinh nếu mẹ ăn đồ cay nóng thì những thực phẩm này có thể thông qua sữa mẹ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của bé.

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Thực phẩm nặng mùi, gia vị nặng mùi: Những thực phẩm nặng mùi thông qua sữa mẹ cũng ảnh hưởng đến bé, một số bé có thể bỏ bú, hoặc bú ít nếu sữa mẹ có mùi khác lạ so với bình thường.

– Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Dầu mỡ là thực phẩm chứa nhiều calo nhưng giá trị dinh dưỡng lại không nhiều, vừa gây tăng cân cho mẹ, lại có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé.

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Thực phẩm chứa caffein: Trà hay cà phê là những thực phẩm có chứa caffein, các mẹ nên tránh những loại đồ uống này, vì caffein thông qua sữa mẹ có thể làm trẻ mất ngủ hay bồn chồn, quấy khóc.

– Thực phẩm sống chưa được chế biến kỹ: Đây là những thực phẩm chưa được nấu chín nên rất dễ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ sau sinh cũng như chất lượng sữa mẹ, khi ăn những thực phẩm nhiễm nhuẩn em bé sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường ruột, tiêu hóa.

mâm cơm,mẹ ở cữ

– Mẹ tuyệt đối không dùng các chất có chứa cồn như rượu, bia.

Ngoài các loại thực phẩm nêu trên các mẹ cũng không nên kiêng khem quá mức, nên ăn uống đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để tránh tình trạng chán ăn hay thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ăn uống khoa học cùng với một chế độ nghỉ ngơi luyện tập hợp lí sẽ giúp các mẹ sau sinh có một tinh thần thoải mái tránh được trầm cảm và những biểu hiện tâm lí tiêu cực.

* Theo bestie

Exit mobile version