Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Hiểm họa ô nhiễm từ sân golf

Để duy trì cảnh quan tuyệt đẹp với thảm cỏ xanh mượt… ở những sân golf, người ta phải sử dụng một lượng cực lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, với các sân golf nằm gần sông hay khu dân cư thì hiểm họa của nó là không thể đo đếm nổi.

Để duy trì cảnh quan tuyệt đẹp với thảm cỏ xanh mượt… ở những sân golf, người ta phải sử dụng một lượng cực lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, với các sân golf nằm gần sông hay khu dân cư thì hiểm họa của nó là không thể đo đếm nổi.

sân golf

Tưới nước sân golf – Ảnh: shutterstock

“Ngốn” hàng trăm tấn hóa chất mỗi năm

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), xem các sân golf là “hiểm họa” về môi trường. Dẫn các nghiên cứu của thế giới, TS Tuấn nói các nhà khoa học của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết trên mỗi héc ta sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 – 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư.

Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này bị nước tưới, nước mưa… hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và thẩm thấu vào nước ngầm, tiếp tục trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực.

Trên thế giới, sân golf được xây dựng ở những nơi xa khu dân cư, đất không canh tác được hoặc hiệu quả không cao. Còn ở VN đang có xu hướng làm sân golf ngay gần các con sông. Ở các vị trí nhạy cảm như vậy rất khó để xử lý được vấn đề về môi trường. Chất độc hại rất dễ chảy tràn ra sông, thẩm thấu xuống đất và người dân ở xung quanh đó sẽ lãnh đủ
Một chuyên gia môi trường 

Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số sân golf còn trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí. “Các báo cáo này được làm khá lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị, bởi bây giờ người ta có thể thay đổi các loại phân, thuốc nhưng để chăm sóc được sân golf xanh tốt vẫn cần một lượng hóa chất rất lớn và chắc chắn sẽ thải ra môi trường một lượng độc chất rất cao”, TS Tuấn nhận định.Còn tại VN, theo tính toán của TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM – HASCON) và TS sinh học Nguyễn Đăng Diệp (Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp) về trường hợp sân golf Tân Sơn Nhất, chỉ tính các loại phân hóa học dùng để chăm sóc cỏ, mỗi năm mặt đất sân golf này “ngốn” tới 189,468 tấn. Bên cạnh đó là khoảng 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ (chất sát trùng, thuốc trừ sâu…). “Cỏ sân golf là một loại cỏ rất đặc trưng, giống như “tiểu thư” vậy. Nó chịu khô không được, dư nước cũng không xong mà sâu bọ lại rất thích ăn nên người ta phải tưới nước liên tục kèm với phân bón, thuốc trừ sâu. Lượng nước phải tưới liên tục và rất lớn. Cụ thể như một sân golf 18 lỗ ở Malaysia tiêu thụ 5.000 m3 nước mỗi ngày, lượng nước này đủ cho ít nhất 20.000 hộ gia đình sử dụng”, TS Tuấn nói.

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Đáng lo ngại là tình trạng phát triển sân golf kế bên các dòng sông đang diễn ra ở nhiều nơi. Đầu năm nay, TP.Hà Nội có công văn xin ý kiến Bộ NN-PTNT về chủ trương làm sân golf ngoài đê sông Đuống. Sân golf này có diện tích dự kiến lên đến 291 ha, đi kèm một số hạng mục như bể bơi, khu tập gym, tennis, nhà điều hành… với tổng mức đầu tư 1.368 tỉ đồng.

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án này, vì cho rằng việc nó nằm ngoài đê sông Đuống là vi phạm luật Đê điều năm 2006, ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Đặc biệt, với việc sử dụng một lượng lớn hóa chất để chăm sóc cỏ sân golf sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước khu vực hạ lưu, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Ở khu vực miền Trung, dự án Khu biệt thự golf cao cấp Đảo Hồng Ngọc lấy trọn vẹn một đảo nổi trên sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh An (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư tháng 3.2011 với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, tổng diện tích quy hoạch khoảng 233,4 ha. Tuy nhiên, dự án này đang có nguy cơ bị thu hồi vì chậm triển khai. Rồi dự án sân golf Sầm Sơn 18 lỗ (Thanh Hóa) sắp đi vào hoạt động sau khi khởi công xây dựng ở cửa sông Mã tháng 5.2014. Theo giới thiệu trên trang web của công ty, sân golf này “là địa điểm có vị trí tiềm năng hiếm có để xây dựng một sân golf dạng links độc đáo, nơi giao thoa giữa cửa biển và dòng sông Mã, giáp khu du lịch biển Sầm Sơn”.

Trong số những sân golf nằm ở vị trí nhạy cảm không thể không nhắc đến sân golf sông Giá (Hải Phòng), đã đi vào hoạt động. Sân golf nằm ngay ngã ba sông, một mặt giáp sông Móc, một mặt giáp sông Giá. Đây là một sân golf 27 lỗ do Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đầu tư.

Nhận xét về tình trạng này, một chuyên gia môi trường bức xúc: “Trên thế giới, sân golf được xây dựng ở những nơi xa khu dân cư, đất không canh tác được hoặc hiệu quả không cao. Còn ở VN đang có xu hướng làm sân golf ngay gần các con sông. Ở các vị trí nhạy cảm như vậy rất khó để xử lý được vấn đề về môi trường. Chất độc hại rất dễ chảy tràn ra sông, thẩm thấu xuống đất và người dân ở xung quanh đó sẽ lãnh đủ”.

Tăng lượng thủy ngân trong đất, nước


Việc sử dụng thuốc trừ sâu ở sân golf sẽ làm tăng lượng thủy ngân có hại cho sức khỏe. Một nhóm nghiên cứu ở Canada đã lấy mẫu đất từ những khu vực trồng cỏ của sân golf và mẫu bùn lắng của các kênh dẫn nước. Sau khi phân tích, các chuyên gia nhận thấy các khu vực trồng cỏ có nồng độ thủy ngân cao nhất và vượt tiêu chuẩn môi trường của Canada. Phần bùn lắng của một hồ ở sân golf cũng có mức thủy ngân cao hơn mức ở một hồ khác cách đó hơn 8 km. Cá ở hồ sân golf cũng có nhiều thủy ngân hơn cá ở hồ kia.

Những dạng gây độc trực tiếp

Theo nghiên cứu của chuyên gia Charles Melton (Đại học California, Mỹ), đa số các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu dùng cho sân golf đều có chứa các hợp chất nitrogen và phosphorus gây tổn hại môi trường. Nếu trời mưa hoặc sân golf được tưới nước sau khi bón phân hóa học và thuốc trừ sâu, các hóa chất này sẽ hòa tan và trôi theo dòng nước đến nguồn nước xung quanh, gây tác động xấu đến hệ sinh thái.Theo TS Phúc và TS Diệp, về phân bón hóa học, đạm dư thừa bị chuyển thành dạng nitrat (NO3-) hoặc nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thủy sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn khi sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khỏe những người trực tiếp sử dụng các nguồn nước hoặc sử dụng các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi. Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm, hàm lượng nitơ và phospho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối (nitrit và nitrat) cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em. Dư thừa phospho trong nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu can xi dẫn đến nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ

Theo Thanh niên

Link gốc

Exit mobile version