Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Hơn 165.000 người mắc mới năm 2018: Thực trạng ung thư ở Việt Nam có nghiêm trọng

ung thưViệc tăng đột biến về tỷ lệ ung thư 1 vài năm thường chưa nói được gì, có khi nó chỉ là kết quả của việc phổ biến các phương tiện chẩn đoán hiện đại và tăng hoạt động tuyên truyền.

Ung thư ở Việt Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm 2 bản đồ ung thư thế giới, hơn 165.000 người bị phát hiện ung thư tại Việt Nam trong năm 2018… khiến nhiều người rất lo lắng. 

Tuy nhiên, trước hết cần nhấn mạnh rằng tỉ lệ mắc bệnh ung thư đang tăng trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Gánh nặng ung thư lên sức khỏe mỗi người, mỗi gia đình và tổng thể toàn xã hội khiến người ta phải lưu ý phòng chống căn bệnh này bất chấp đứng ở nhóm nào trên thế giới.

Trong nghiên cứu khoa học, mô tả hiện tượng thì khá đơn giản, nhưng tìm ra nguyên nhân lại cực kỳ khó.

Ung thư là căn bệnh phức tạp, hình thành qua một thời gian dài tiếp xúc với nhiều yếu tố môi trường khác nhau nên người bác sĩ cần tìm hiểu bệnh sử rất kỹ mới có thể đánh giá đâu là nguyên nhân.

Có một số ít ca bệnh có liên quan tới yếu tố di truyền và có những ca bệnh do bị tác động vì những yếu tố gây ung thư mạnh.

Các yếu tố này đã được biết tới và cảnh báo như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nhiễm aflatoxin, tiếp xúc amiăng…vẫn chưa được kiểm soát ở Việt Nam.

Một nhóm nguyên nhân gây ung thư nữa là lây nhiễm mạn tính các virus như HPV (trong ung thư cổ tử cung), HBV và HCV (trong ung thư gan), EBV (trong ung thư vòm hầu) hay vi khuẩn Helicobacter Pylori (trong ung thư dạ dày)…

Chúng ta cần đẩy mạnh các vận động giúp người dân giảm tiếp xúc với các yếu tố nói trên, cân nhắc việc tiêm ngừa, điều trị để giảm nguy cơ phát bệnh đồng thời phân tích các ca mới xuất hiện để nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và thực phẩm khác.

Ngoài ra, cần lưu ý là đời sống hiện đại làm người ta dễ căng thẳng tinh thần và ít vận động, gián tiếp dẫn tới các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, béo phì,… mà cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Trên thế giới, nước Mỹ đã và đang tập trung cải thiện hai mặt này rất mạnh.

Theo dữ liệu từ GLOBOCAN năm 2018, ung thư gan, phổi, dạ dày, vú, đại tràng…chiếm phần lớn số ca mới chẩn đoán ở Việt Nam.

Mặc dù những loại ung thư trên cũng khá phổ biến ở những nước Đông Nam Á nhưng tỷ lệ mỗi loại ung thư lại khác nhau ở mỗi nước. Một số mặt bệnh thì các nước khác lại ghi nhận nhiều hơn (như ung thư vú ở Indonesia và Malaysia).

Chúng ta cần thận trọng khi xem xét con số tỷ lệ mắc bệnh vì nó dễ bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ người dân đi khám và khả năng chẩn đoán của các cơ sở y tế.

Việc tăng đột biến một vài năm thường chưa nói được gì, có khi nó chỉ do “bùng nổ” việc phổ biến các phương tiện chẩn đoán hiện đại và tăng hoạt động “tuyên truyền” làm người dân sợ hãi, đua nhau đi khám.

Những câu chuyện trên mạng Internet cũng rất cần lưu ý vì nhiều khi chẩn đoán ra chỉ là Polyp tiền ung thư nhưng nhiều người vẫn la lên là ung thư rồi.

Cần hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lâu dài-kinh nghiệm của Nhật

Các nước tiên tiến luôn có Cancer Registry chuyên nghiệp. Đó là cơ sở dữ liệu thu thập toàn bộ ca bệnh ung thư phát hiện trong cộng đồng, ghi lại chi tiết các thông tin về loại bệnh, giai đoạn bệnh, cách điều trị, các yếu tố môi trường – xã hội liên quan để từ từ phân tích.

Số liệu phân tích so sánh mỗi 5-10 năm thì mới đủ độ tin cậy để đánh giá và cân nhắc các chiến lược giảm thiểu ảnh hưởng của căn bệnh.

Như ở Nhật Bản, người ta có các con số đó và tập trung vào ung thư gan trước; nhờ phổ cập tiêm vắc xin ngừa virus viêm gan B và cải thiện việc điều trị virus mà tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư gan đã bắt đầu giảm từ 1995.

Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cũng đã giảm nhờ việc tăng cường tầm soát và điều trị nhiễm Helicobacter Pylori, phát hiện sớm qua nội soi định kỳ.

Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên xi thành quả này vào Việt Nam lại là một chuyện khác vì hệ thống y tế và mức sống trung bình ở hai nước là khác nhau; rất cần các phân tích chi phí-hiệu quả (cost-effectiveness analysis) để cân nhắc.

Tại Việt Nam, nhiều người khi phát hiện có bệnh ung thư thì tìm mọi cách để ra nước ngoài chữa.

Như một số chuyên gia trong nước đã phân tích, hiện tượng này có lẽ là do các dịch vụ y tế liên quan tới điều trị ung thư tại Việt Nam nhìn chung còn kém về chất lượng.

Khả năng giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân cũng làm nhiều người bệnh và gia đình của họ không yên tâm tin tưởng điều trị ở địa phương.

Và tuy một số kỹ thuật tiên tiến và thuốc men thì đã được cập nhật và tiến hành rất tốt ở một số cơ sở y tế trọng điểm ở Việt Nam, nhưng vấn đề quá tải và truyền thông y tế cũng là thách thức cần cải thiện.

Ngoài ra, qua một số câu chuyện chia sẻ trong nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư (Facebook Group) mà nhiều bác sĩ, sinh viên nhóm Y Học Cộng Đồng tư vấn miễn phí cho bệnh nhân.

Tôi thấy rằng hiểu biết của người dân về căn bệnh còn hạn chế, rất dễ bị các công ty tư vấn/môi giới lôi kéo dụ dỗ ra nước ngoài, theo các phương pháp điều trị không đúng chuẩn, với niềm kỳ vọng bị bơm thổi quá đáng.

Phạm Nguyên quý – Trí thức trẻ

Link

Exit mobile version