Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Kathryn và nỗi lo sợ trước thế lực của Ronaldo

Phần bốn loạt bài điều tra của Spiegel (Đức) nói về cuộc đấu tranh tư tưởng của Kathryn sau vụ việc được cho là Cristiano Ronaldo cưỡng bức cô.

Kathryn Mayorga nghiêng hẳn người về phía trước, cơ thể bất giác như lại cảm giác rớt xuống bể bơi. Rồi cô tiếp tục câu chuyện: “Tôi đã uống rượu ở chỗ làm. Sau đó lại làm thêm một hai hay ngụm champagne nữa. Tôi đã say, một trăm phần trăm luôn”.

Nhưng cú ngã ấy, cô nói, đã giúp cô lấy lại một chút tỉnh táo. Jordan cứ liên tục hỏi cô có sao không. Và cô đã trả lời theo phản xạ: “Đâu có gì, đâu có gì”. Kathryn bước lên bờ, bạn của Ronaldo đưa cho cô một chiếc khăn để lau khô.

Trên đường vào thang máy, cô nói với Jordan kiểu như: “Đêm nay vui nhỉ?”. Rồi hai người chúc nhau ngủ ngon. Chỉ đến khi bước vào ô tô, cô mới bắt đầu cảm thấy đau đớn. “Cứ mỗi nhịp tim đập là tôi lại thấy cơ thể nhói đau”, cô kể lại. Rồi cô lái xe đến bệnh viện, nhưng sợ quá chẳng dám vào. Đành lái về nhà, leo lên giường, cố vỗ giấc ngủ, nhưng chẳng tài nào chợp mắt nổi.

Chỉ vài giờ sau, cô nhận cuộc gọi từ Jordan. Tin tức về việc một nhóm bạn gái được Ronaldo rủ rê đi chơi đã tràn ngập các mặt báo. Kathryn cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại khác, rồi những tin nhắn với cùng một thắc mắc: phải chăng cô đang hẹn hò với Ronaldo. Bức ảnh Ronaldo và cô thân mật trong quán bar đã xuất hiện trên mọi tờ báo.

Cô nói với Jordan: “Chết rồi, việc ấy không tốt chút nào cả”. Nhưng Jordan đâu hiểu bạn mình nói gì. Gặng hỏi một hồi, Kathryn mới nói: “Jordan ơi. Hắn đã cưỡng bức tớ!”.

Jordan lo lắng tức thì, nhưng tỉnh táo khuyên bạn phải hết sức cẩn thận, bởi vì những cầu thủ đã nổi tiếng đến tầm đó thì cũng rất quyền lực. Trong những trường hợp như thế này, đừng mong chờ quá nhiều vào thứ gọi là công lý.

Khi cơn đau không hề dịu bớt thì cơn lo lắng bắt đầu tăng cao. Cô bắt đầu cảm thấy hoảng loạn. Đành gọi cho một người bạn thân từ bé, bộc bạch những gì đã xảy ra, cô nhận được lời khuyên: “Hãy gọi cho cảnh sát, nhưng giấu danh tính đi”.

RonaldoKathryn từng hoảng loạn vì những tổn thương sau vụ hiếp dâm cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng về việc có nên công khai danh tính kẻ hiếp dâm – Ronaldo – với cảnh sát hay không. Ảnh: Spiegel.

“Tôi không muốn cảnh sát biết mình là ai”, Kathryn kể. “Tôi cũng chẳng nói người ấy là ai ngay lúc này. Tôi chỉ cần ai đó hãy đến đây mang tôi vào bệnh viện, hãy giúp tôi hồi phục vết thương trước khi tôi trình báo về một vụ hiếp dâm. Thế là cảnh sát đến, những năm chiếc xe đậu trước nhà tôi và gây ra một cuộc hỗn loạn”.

Kathryn và bố mẹ cố cấu trúc lại những gì định nói với cảnh sát. Họ suy nghĩ xem nên nói với ai và khi nào. Ký ức của họ đều trở nên lộn xộn khi nhớ lại giờ phút bối rối ấy. Tất cả chỉ nhớ là cảnh sát đã vào nhà, lấy váy và đồ lót của cô bỏ vào trong một chiếc bao ni lông đựng vật chứng rồi mang đi. Sau đó, trước sự nài nỉ của bà Celia, Kathryn rốt cục cũng kể lại những gì đã xảy ra với mình trong đêm ấy.

Bố của Kathryn – Larry – nhớ ông đứng bên ngoài căn phòng, vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục cứu hỏa và nói chuyện với cảnh sát. Ông kể: “Thanh tra nói với tôi là dù bất kỳ ai đã tấn công con bé đi nữa, thì con bé cũng cần phải nói ra”. Rồi ông nhìn sang Kathryn và nói: “Sau đó, bố có thử thuyết phục, nhưng con từ chối. Lúc đó con nói là: ‘Bố không hiểu câu chuyện rồi. Việc này lớn hơn bố nghĩ rất nhiều”.

Trụ sở cảnh sát thành đô Las Vegas vẫn còn lưu lại cuộc điện thoại của Kathryn lúc 14h16 ngày 13/6/2009. Tường trình của cô đã được lưu lại vào hồ sơ, và sau này hồ sơ ấy đã xuất hiện trong một thỏa thuận bên ngoài tòa án giữa cô và Cristiano Ronaldo. Hồ sơ ấy có số 426, loại mã dành cho những vụ tấn công tình dục.

Người cảnh sát trả lời điện thoại hôm ấy vẫn nhớ người gọi đến rất run rẩy và sợ hãi. Cô không dám cung cấp tên tuổi của người tấn công, chỉ dám nói đấy là một VĐV và là người của công chúng. Hồ sơ ấy cũng ghi lại: cảnh sát đến nhà Kathryn tầm 14h30, tức là gần như ngay lập tức sau cuộc gọi. Khi đã đến nơi, cảnh sát còn gọi về trụ sở để báo cáo. Một người đã nói rất rõ: “Nạn nhân rất muốn được đi khám kỹ những thương tổn có thể bị gây ra do hiếp dâm”.

Cảnh sát sau đó đã mang Kathryn đi khám. Họ tiếp tục thuyết phục cô tường trình sự việc, nhưng cô chỉ tiết lộ đấy là một khách sạn ở gần đường Flamingo.

Cuộc kiểm tra y tế ấy kéo dài hai tiếng đồng hồ. Các bác sĩ tiết lộ cô đã hồi hộp, nhưng hợp tác và cởi mở. Cô nói với họ mình thỉnh thoảng uống rượu, nhưng không phải dân nghiện. Họ cũng kiểm tra xem cô nghiện ma túy không, và kết quả cho âm tính.

Y tá lưu ý là trực tràng của bệnh nhân đã bị xâm nhập. Họ kiểm tra xem liệu cô có bị nhiễm bệnh lây lan qua đường tình dục. Y tá chụp lại vết thương của Kathryn: một vết sưng, một vết bầm tím và vết rách. Họ kê cho cô Zithromax và Rocephin – hai loại thuốc kháng sinh, rồi cho về.

Ronaldo

Vụ việc liên quan tới Kathryn vừa được cảnh sát Las Vegas mở lại cuộc điều tra, nhưng Ronaldo đã bị ảnh hưởng, khi tuyển Bồ Đào Nha thông báo không gọi anh ở hai đợt tập trung trong tháng 10 và 11.

Vài ngày sau đó, cô không rời khỏi phòng. Kathryn nói: “Tôi cảm thấy mệt mỏi và xấu hổ. Tôi đã khóc rất nhiều suốt ba tháng sau đó”.

Bà mẹ Cheryl chen vào: “Tôi đã muốn ôm nó, muốn an ủi nó. Chúng tôi đã cố vào phòng nhưng nó không cho ai vào cả”. Một người bạn gọi tới và giới thiệu cho cô người luật sư tên Mary Smith (tên vị luật sư này cũng đã được thay đổi). Kathryn mô tả Mary Smith là một người thân thiện và tốt bụng. Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn bộ câu chuyện, mọi người cảm thấy lẽ ra Kathryn phải tìm đến một luật sư giàu kinh nghiệm hơn.

Smith khuyên cô nên khai với cảnh sát. Hai đến ba tuần sau lời khuyên này, Kathryn đồng ý. Và cô đã để cho cảnh sát tới nhà rồi ghi âm lại lời khai của mình. Trong lời khai này, cô cũng nhắc đến cái tên Ronaldo. Nhưng viên cảnh sát kia phải nhờ cô in tấm ảnh của Ronaldo ra, vì anh ta không biết Ronaldo là ai. Ở Mỹ, vẫn còn nhiều người không mê bóng đá, và không biết Ronaldo là ai.

Cảnh sát cũng khuyên cô hãy đưa vụ việc ra tòa, nhưng cô quá lo sợ. Cô sợ cuộc sống của mình và gia đình mình bị đảo lộn. Và thế là suốt một thời gian dài sau đó, Kathryn phải sống trong một nghịch lý. Một mặt cô không muốn công khai danh tính kẻ làm nhục mình, nhưng mặt khác cô lại muốn công lý. Luật sư cho cô lời khuyên: Thử gặp phía Ronaldo để tìm một thỏa thuận phi pháp lý.

Ở Mỹ, những vụ tấn công tình dục vẫn thường được xử lý bằng những thỏa thuận bên ngoài tòa án. Trừ ở Nevada, nơi hiếp dâm được xem là trọng tội, chỉ sau giết người. Nếu bị phát hiện có tội, kẻ hiếp dâm sẽ đối diện với án tù. Nhưng ngay cả ở Nevada, các nạn nhân vẫn có xu hướng xử lý dân sự hơn là hình sự. Chẳng ai muốn làm ồn ào chuyện bản thân bị hiếp dâm.

Ronaldo

Khi Kathryn còn chưa báo cảnh sát tên của Ronaldo, màn nhảy nhót thân mật giữa cô với siêu sao người Bồ Đào Nha trong quán bar đã là một quả bom truyền thông vào thời điểm tháng 6/2009.

Kathryn cũng không muốn ầm ĩ. Cô nói: “Tôi chỉ muốn dạy cho hắn một bài học. Tôi muốn hắn phải đối mặt với mình. Tôi muốn hắn phải trả toàn bộ phí tổn điều trị. Hắn cưỡng hiếp tôi, hắn phải trả giá”. Mary Smith đã liên lạc với một luật sư của Ronaldo, ngày ấy còn ở Anh thi đấu cho Man Utd, vào giữa năm 2009. Và họ đồng ý sẽ gặp nhau để tìm thỏa thuận mà không gây ra một sự ồn ào nào.

Và đấy là khởi nguồn cho màn “bút sa gà chết” của Ronaldo.

Hoài Thương – Theo vnexpress

Link gốc 

Exit mobile version