Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Kết cục ít người biết đến của vợ con Lữ Bố sau thất bại ở Hạ Bì: Không bằng một con ngựa

Sau khi Lữ Bố bỏ mạng ở lầu Bạch Môn, gia quyến của ông dường như đã “bốc hơi” khỏi lịch sử một cách bí ẩn.

Liệu rằng họ có phải chịu số phận trở thành chiến lợi phẩm cho những kẻ thắng cuộc, hay đã lưu lạc và mai danh ẩn tích trong thời buổi loạn lạc lúc bấy giờ?

Trong số các chư hầu nổi lên vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, Lữ Bố thường được xem là một nhân tài sở hữu kết cục hết sức bi thảm.

Sinh thời, Lữ Phụng Tiên vốn nổi danh là dũng tướng với võ lực bất phàm. Chỉ tiếc rằng nhân tài hiếm có này lại sở hữu một tật xấu chí mạng: Đó là sẵn sàng vì tư lợi của bản thân mà phản bội bất cứ ai.

Năm xưa, Lữ Bố từng sát hại hai người chủ nhân là Đinh Nguyên và Đổng Trác, sau phải nương nhờ vào nhiều thế lực khác nhưng vẫn không ít lần gây náo loạn, cuối cùng kết thành tử thù với Tào Tháo, Lưu Bị.

Sở hữu võ lực xuất chúng, Lữ Bố từng được nhiều người ca tụng là võ tướng “đệ nhất thiên hạ” thời bấy giờ. (Tranh minh họa).

Bàn về cái chết của nhân vật này, trang báo nổi tiếng Trung Quốc là Sina từng đưa ra nhận định:

“Lữ Bố xuất thân làm một võ tướng nhưng không thể hy sinh trên trận mạc sa trường mà lại bại trong tay những thuộc hạ phản bội, sau cùng phải chết vì một câu khích tướng của Lưu Bị, quả thực không có lấy một chút tôn nghiêm”.

Sau khi ông qua đời, binh lực và lãnh thổ nghiễm nhiên bị Tào Tháo thôn tính, ngựa Xích Thố sau đó cũng về tay Quan Vũ, nhưng số phận gia quyến Lữ Phụng Tiên lại là điều mà ít ai nhắc tới.

Vậy rốt cục vợ con Lữ Bố có kết cục ra sao? Liệu họ có chịu chung số phận trở thành chiến lợi phẩm cho những kẻ thắng cuộc, hay đã biến mất một cách bí ẩn trong thời kỳ loạn lạc khi đó?

Lữ Bố – võ tướng “đệ nhất thiên hạ” hay kẻ tiểu nhân luôn đem lòng phản trắc?

Lã Bố từ khi còn trẻ đã có sức mạnh phi thường, tinh thông võ nghệ và đặc biệt là vô cùng hiếu thắng. Ngoài ra trong những bức ảnh xưa hay ở các tác phẩm liên quan đến nhân vật này, ông được miêu tả là rất tuấn tú. (Tranh minh họa).

Lữ Bố (160 – 199), còn gọi là Lã Bố, tên tự Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Năm xưa, danh tiếng và tài năng của Lữ Phụng Tiên từng vô cùng nổi tiếng. Ông chuyên sử dụng phương thiên họa kích và cưỡi ngựa Xích Thố, là một mãnh tướng tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi.

Cũng bởi vậy mà vào thời bấy giờ, người đời thường dùng câu “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố” (người có Lữ Bố, ngựa có Xích Thố) để tôn vinh hay cực phẩm nhân gian này.

Thế nhưng vị tướng họ Lữ lúc sinh thời lại bị xem là kẻ tiểu nhân với tính cách phản trắc. Năm xưa, ông từng là thuộc hạ được tin tưởng dưới trướng Đinh Nguyên, sau vì Đổng Trác mua chuộc bằng lợi lộc và ngựa quý nên đã thẳng tay sát hại người chủ nhân đầu tiên này.

Đổng – Lữ sau đó vốn vì lợi ích mà kết thành bè phái, cho nên mối quan hệ ấy cũng chẳng được lâu dài và càng lúc càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Một đại thần Hán triều lúc bấy giờ là Vương Doãn đã nhìn ra điều đó, nên dùng khích tướng và bày mưu khiến Lữ Bố tiếp tục hạ sát Đổng Trác.

Không lâu sau tru diệt họ Đổng, Lữ Phụng Tiên lại bị đánh bật khỏi Trường An trước cánh quân của Lý Thôi, Quách Dĩ. Ông đã mang số ít thân tín chạy trốn về phía Đông để hàng phục Viên Thuật, chấp nhận làm lính đánh thuê bán mạng cho vị quân chủ này.

Xem thêm  Cuộc đời tủi nhục của con dâu Từ Hi: Chết tức tưởi cũng chỉ vì 'sống chung với mẹ chồng'

Tuy nhiên bởi vì tính cách ngạo mạn, lại thường xuyên dung túng thuộc hạ làm điều bất nghĩa, Lữ Bố nhiều lần suýt vong mạng trong lúc nương nhờ phe cánh họ Viên.

Khi còn nương nhờ vào phe cánh Viên Thuật, Lã Bố đã để cho thủ hạ làm nhiều điều trái phép, cướp của cải của dân, khiến Viên Thuật không còn trọng dụng và muốn tìm cách trừ khử. (Ảnh minh họa).

Sau đó thừa dịp Tào Tháo đông chinh, ông đã đem quân đánh lén vào đại bản doanh ở Duyện Châu và chính thức kết thù với nhân vật khét tiếng này từ đó.

Vào thời điểm bị quân Tào phản công và đánh bật khỏi Duyện Châu, ông lại chạy tới Từ Châu nương nhờ Lưu Bị và cũng dùng thủ đoạn “hớt tay trên” mảnh đất đặt chân của Lưu Huyền Đức.

Theo nhận định của Sina, người như Tào Tháo có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ địch của mình, nhưng Lưu Bị thì không như vậy.

Do đó mà ở vào thời điểm thất bại trước liên quân Tào – Lưu ở thành Hạ Bì, Tào Tháo vốn định chiêu hàng Lữ Bố, nhưng lời nhắc nhở của Lưu Bị về kết cục Đinh Nguyên – Đổng Trác năm nào đã trực tiếp chặt đứt đường sống của viên hổ tướng này.

Cuối cùng, Lữ Bố đã bị Tào Tháo treo cổ và bỏ mạng ở lầu Bạch Môn vào năm 199 ở lầu Bạch Môn khi mới 40 tuổi.

Kết cục của vợ con Lữ Bố sau thất bại ở thành Hạ Bì: Dù trong tiểu thuyết hay ngoài đời thực đều rơi vào bi kịch

Lã Bố nổi danh kiêu dũng, thiện chiến, nhưng hữu dũng vô mưu, hơn nữa lại làm việc khinh suất, tùy ý theo hay phản, lật lọng tráo trở, chỉ mưu lợi cho mình, không trọng tín nghĩa nên cuối cùng đã thất bại. (Ảnh minh họa).

Kể từ sau khi Lữ Bố bỏ mạng ở Từ Châu, toàn bộ cơ nghiệp mà ông gây dựng suốt nhiều năm đều trở thành chiến lợi phẩm cho những kẻ thắng cuộc.

Không chỉ đất đai, tài sản và binh lính nghiễm nhiên bị Tào Tháo thu nạp, mà ngay đến vật cưỡi lừng danh của Lữ Bố năm nào là ngựa Xích Thố cũng về tay Tào Mạnh Đức, sau này mới được ban tặng cho Quan Vũ.

Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, vợ con của Lữ Phụng Tiên từ đó về sau dường như đã bặt vô âm tín và “bốc hơi” khỏi lịch sử.

Theo ghi nhận của các tài liệu chính sử, Lữ Bố lúc sinh thời chỉ có một người vợ, không rõ tên tuổi, xuất thân, có tư liệu ghi là Ngụy thị. Người này đã sinh hạ được một người con gái, cũng chính là vị tiểu thư họ Lữ suýt chút nữa trở thành con dâu Viên Thuật.

Năm xưa, Lữ Bố vốn tính toán gả con gái cho Viên Diệu – con trai Viên Thuật. Tuy nhiên sau khi nghe Trần Khuê thuyết phục, ông đã trở mặt với Viên Thuật và đem con gái về.

Năm 198, Tào Tháo bao vây thành Hạ Bì, Lữ Bố vì muốn cầu cứu Viên Thuật nên đã lần nữa đáp ứng kết thành thông gia.

Tương truyền rằng để có thể đột phá vòng vây đưa con gái ra ngoài, ông đã cõng con trên lưng và liều mạng với Tào Tháo, tuy nhiên vì quân địch bắn tên như mưa nên kế hoạch không thành.

Thế nhưng giả sử có may mắn trở thành con dâu Viên Thuật, thì tương lai Lữ thị cũng khó có được cuộc sống sung sướng. Bởi sau khi họ Viên bại vong, toàn bộ gia quyến của Viên Thuật đều đã trở thành tù binh dưới tay Tôn Sách.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, trước khi lâm đến bước đường cùng, Lữ Bố từng mang vợ mình đến chỗ Quan Vũ để hy vọng ông nói giúp với Tào Tháo. Vị tướng này sau đó đã đem mỹ nữ dâng cho Tháo, được Tháo ưng ý và giữ lại chỗ mình, nhưng vẫn quyết định vây đánh thành.

Xem thêm  Để cải thiện chức năng não, chỉ cần mười phút thể dục nhẹ mỗi ngày

Sau khi Lữ Bố chết, tung tích của vợ con ông cũng không còn được chính sử đề cập mà chỉ xuất hiện ở một vài giai thoại dân gian và một số tác phẩm văn học.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, dù gia quyến của Lữ Bố may mắn trốn thoát hay chịu chung số phận trở thành chiến lợi phẩm, thì hậu vận của họ ở vào thời buổi loạn lạc khi đó cũng chưa chắc đã được bình an.

Mặc dù có không ít sử liệu đều cho rằng Lữ Bố đối xử rất tốt với vợ con, thế nhưng chung quy số phận của những gia quyến này rơi vào bi kịch cũng do tính cách bất nghĩa bất trung của ông mà ra. (Ảnh minh họa).

Trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lữ Bố năm xưa từng có 3 người thê thiếp, bao gồm chính thất Nghiêm thị, vợ hai Tào thị (con gái Tào Báo) và người thiếp Điêu Thuyền. Cô con gái duy nhất của ông vốn do người vợ cả họ Nghiêm sinh hạ.

Mặc dù gia quyến của Lữ Phụng Tiên trong diễn nghĩa phần lớn đều do La Quán Trung xây dựng nên, nhưng số phận của họ cũng không hề may mắn hơn so với ngoài đời thật.

Ở hồi thứ 11 trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, khi bè lũ Lý – Quách đánh bật Lữ Bố khỏi Trường An, vợ con ông từng bị bỏ lại trong thành, may nhờ có Bàng Thư che chở thì mới có thể an toàn thoát khỏi nơi đây.

Sau cái chết của Lữ Phụng Tiên, số phận của những nữ quyến này cũng không còn được đề cập.

“Tam Quốc diễn nghĩa” hồi 16 có viết: “Nguyên Lữ Bố có hai vợ, một thiếp […]. Duy chỉ có họ Nghiêm sinh được một con gái. Lã Bố yêu con gái ấy lắm”. (Ảnh minh họa).
Về người thiếp nổi tiếng trong tiểu thuyết của ông là Điêu Thuyền, việc mỹ nữ này có thực sự tồn tại hay không cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi. Cũng có giai thoại truyền lại rằng, sau khi Lữ Bố chết, Điêu Thuyền đã về tay Quan Vũ.

Tuy nhiên sau đó, đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc cuối cùng vẫn bị Quan Vân Trường hạ sát để tránh khỏi mối họa hồng nhan (theo giai thoại “Quan Đại vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền”), phiên bản khác thì lại khẳng định mỹ nữ họ Điêu đã chủ động tự vẫn.

Từ một vài dẫn chứng trên đây, không khó để nhận thấy những người phụ nữ mang danh phận là nữ quyến của Lữ Bố đều không có được kết cục tốt đẹp dù là trong tiểu thuyết hay ngoài đời thật.

Và có lẽ, bi kịch cuộc đời của họ ít nhiều đều có liên quan tới những điều bất nghĩa mà Lữ Phụng Tiên từng làm ra lúc sinh thời.

Mặc dù có nhiều giả thuyết xoay quanh số phận của Điêu Thuyền sau khi Lữ Bố chết, nhưng đa số các giả thuyết này đều khẳng định đệ nhất mỹ nữ Tam Quốc cuối cùng vẫn không có được kết cục tốt đẹp. (Ảnh minh họa).

Theo nhận định của tờ Sina, Lữ Bố vốn là một dũng tướng sở hữu tài năng xuất chúng nhưng lại không có số mệnh trở thành quân chủ. Thiết nghĩ nếu năm xưa ông có thể dốc toàn tâm toàn lực để phò tá cho một minh chủ thì danh tướng ấy sau này chắc chắn đã có thể công thành danh toại.

Chỉ tiếc rằng tính cách phản trắc đã biến Lữ Phụng Tiên trở thành một kẻ tiểu nhân có nhiều thù địch. 

Tính từ Đinh Nguyên cho đến Lưu Bị, ông đã từng nương nhờ không ít người, tuy nhiên vị tướng này đều dùng sự phản bội để đoạn tuyệt với họ, thậm chí còn nhẫn tâm sát hại vị quân chủ mà bản thân từng phò tá.

Cũng bởi vậy mà việc Lữ Phụng Tiên thảm bại và bỏ mạng ở lầu Bạch Môn vẫn thường được hậu thế xem như một kết cục tất yếu. 

Chỉ có điều cách làm người bất trung bất nghĩa ấy không chỉ khiến một mình Lữ Bố lãnh hậu quả, mà còn khiến cho cuộc đời của vợ con ông cũng rơi vào bi kịch không lối thoát.

>>5 võ tướng có thể đánh bại Quan Vũ: Triệu Vân không có cửa, Lữ Bố chưa phải người đứng đầu

Theo Trí thức trẻ soha

Link