Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, Đại tá Đỗ Đình Hào đã không làm sai khi cho thuộc cấp điều tra xem có hay không người xúi giục các lái xe cố tình chọc thủng lốp xe gây cản trở giao thông (bên cạnh việc trả tiền lẻ không vi phạm) ở trạm thu phí số 1 quốc lộ 5.
1. Bỏ tù Giăng Van Giang thì quá dễ…
Đại tá Hào có cơ sở pháp luật để làm việc đó. UBND tỉnh cũng có cơ sở chỉ đạo công an điều tra việc đó. Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 đã mô tả khá rõ tội danh này.
Nhưng cuối cùng, có vẻ UBND tỉnh Hưng Yên đã chọn một con đường tốt lành hơn nhiều để giải tỏa điểm nóng.
Bắt bỏ tù người ăn cắp một mẩu bánh mì cho những đứa cháu đói của mình, như Jean Valjean (Giăng Van-Giăng) trong Những người khốn khổ, là việc làm quá dễ.
Nhưng bỏ tù những người bị xã hội đẩy vào cảnh cùng quẫn, không làm cho bi kịch của người đó chấm dứt, không làm cho xã hội tốt đẹp lên.
Tôi tin rằng những người lái xe với đồng lương còm cõi thấm đẫm mồ hôi không bao giờ muốn gây khó cho người khác khi họ phải đánh đổi chính bằng thù lao cơm áo hàng ngày của mình.
Đại tá Hào ở Hưng Yên cũng như các đại tá, thượng tá khác ở nhiều tỉnh thành đang thất thủ BOT, có thể cho mời lái xe lên làm việc, nhưng mong các ông hãy nhìn sâu vào đôi mắt và túi tiền của những người bán tay cho vô lăng, bán mặt cho đường, để có thể tìm ra giải pháp gốc đạt lý, thấu tình.
Rất có thể, đại tá Hào và đồng nghiệp cũng đã nhìn như vậy và sau đó, những những công văn tốt lành ra đời.
2. “Dòng chữ kỳ lạ” trong khuôn viên bảo tàng muốn tiêu hơn 11.000 tỉ của dân
Đề án hơn 11.000 tỉ xây lại bảo Lịch sử Quốc gia, đang gây bão dư luận. Trong các phòng trưng bày, nếu các hiện vật biết buồn ngủ, chúng đã ngủ lâu rồi vì cái “chùa Bà Đanh” mang tên bảo tàng này, có vô cùng ít khách tham quan.
Trái ngược với cảnh đìu hiu ấy, quán bia Lan Chín (được bảo tàng cho thuê đất mặt đường), lúc nào cũng đông như trảy hội.
Trên biển hiệu của quán bia ấy, có một dòng chữ khôn khéo nhưng phản cảm:
“Phục vụ khách thăm quan bảo tàng”.
Chỉ cần ngồi đó một buổi, ngay cả đứa trẻ con cũng biết thực chất có mấy người ra quán ăn nhậu sau khi thăm bảo tàng.
Lý do “phục vụ khách thăm quan”, ấy, dù có khôn khéo đến đâu, cũng không thể che nổi mục đích thực sự của nhà hàng và bảo tàng.
Tất nhiên trên thế giới cũng không thiếu gì những lý do lãng xẹt, như chuyện của đôi vợ chồng trẻ ở Kuwait. Sau một tuần kết hôn, người vợ đã đệ đơn ly dị sau khi phát hiện ra chồng không chịu ăn hạt đậu bằng… dĩa mà lại dùng miếng bánh mì để xúc.
Nhưng chuyện ly dị bằng lý do vớ vẩn kia, cùng lắm chỉ tác động đến hai nhân vật và vài người thân.
Còn lý do xài hơn 11.000 tỉ xây bảo tàng trong khi một phần của bảo tàng hiện tại cho thuê để bán bia, để làm trung tâm tiệc cưới, thì lại bất nhẫn với hàng triệu người đang lo miếng cơm manh áo. Hơn 11.000 tỉ đó là thuế của dân.
Một phần rất nhỏ trong 11.000 tỉ ấy có thể giúp hàng ngàn học sinh không phải bơi qua sông trong sợ hãi suốt 15 năm tìm con chữ (đọc tin chính); giúp hàng ngàn đứa trẻ không phải đón khai giảng trên vũng bùn nước trong sân trường và học giữa những chái lớp tranh tre mái lá.
Những ngày này khi vụ án Ocean bank được xét xử, nghe những từ “tỉ đồng” hối lộ, lo lót, cảm ơn được lặp đi lặp lại, ai cũng thấy xót xa đến cùng cực.
Vì vậy, rất may là đề án hơn 11.000 tỉ ấy đã không được Bộ xây dựng đồng tình.
3. TGĐ Viettel và câu chuyện kỳ lạ về hai người phụ nữ ung thư
Trong 7 năm, một phụ nữ đã chiến đấu chống căn bệnh ung thư đến 9 lần và cô đã chiến thắng nhờ 6 bí quyết dễ nhớ, dễ học. Y học có giới hạn nhưng khả năng con người là vô hạn nếu biết đánh thức nó.
Cuộc chiến chống ung thư của người phụ nữ trẻ Việt Nam cam go hơn nhiều. Bước chân ung thư có vẻ không dừng lại trong cơ thể cô, nhưng nó không khuất phục được trí não và trái tim của người nó đang ám hại.
Thông điệp của nhân vật quyền lực nhất Viettel và cô gái Việt mà ông vừa gặp ấy, xứng đáng là tin tốt lành khiến chúng ta vừa xúc động vừa có thể được tiếp thêm nhựa sống và khát vọng.
Một người sắt đá như TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng vẫn có thể tan chảy khi gặp một phụ nữ trẻ đang mang trong mình bệnh ung thư phổi giai đoạn 4.
Đó là “nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam” Trương Thanh Thủy – người thành lập một tổ chức phi lợi nhuận phòng chống ung thư ở Việt Nam.
“Một năm sau, tôi gặp Thuỷ, gầy hơn, xanh hơn, da mặt bị tàn phá bởi các loại thuốc nhằm khống chế các khối u ác tính đang di căn vào xương một cách đau đớn.
Nhưng năng lượng trong Thuỷ vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí, Thuỷ còn khẳng định, từ ngày sống với căn bệnh ung thư, cuộc đời Thuỷ trở lên có ý nghĩa hơn…
Kể câu chuyện này, tôi muốn nói với các bạn trẻ Viettel rằng, nghịch cảnh là một điều tuyệt vời mà cuộc sống này mang lại cho chúng ta” – TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng kể như vậy với những người trẻ Viettel.
Từ câu chuyện của Thủy, ông Hùng đặt vấn đề rất hay: Chúng ta là nạn nhân hay làm nguyên nhân? Làm chủ hay làm thuê? Đều xuất phát từ nỗ lực và lựa chọn của chính mình.(đọc tin chính)
Cuộc chiến của Thủy vẫn tiếp tục và dù số phận có giáng xuống cô bất kỳ một kịch bản nào, cô vẫn sẽ là chiến binh bất khuất về nghị lực sống và truyền cảm hứng.
iều đó càng ý nghĩa hơn, khi quanh Thủy, vẫn có những kẻ như Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh… thay vì dùng mọi sức lực thời kỳ sung mãn nhất của mình cống hiến cho cộng đồng, thì lại nghĩ ra trăm mưu ngàn kế vơ vét mồ hôi nước mắt của dân vào túi tham vô đáy.
theo Trí Thức Trẻ