Trong hai ngày 29 và 30/8, triển lãm quốc tế về an ninh Homeland Security Expo 2017 được tổ chức tại Hà Nội, trong đó giới thiệu nhiều trang thiết bị an ninh độc đáo được sản xuất trong và ngoài nước.
Triển lãm quốc tế về an ninh Homeland Security Expo 2017 có sự tham gia của 50 đơn vị đến từ nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Belarus, Singapore, Việt Nam… với 80 gian hàng. Triển lãm tạo cơ hội cho các đơn vị hoạt động trong và ngoài ngành an ninh tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực an ninh.
Đáng chú ý tại triển lãm, Tổng cục hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam giới thiệu rất nhiều trang thiết bị thuộc ngành an ninh được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam, do phía Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ.
Đây là thành tựu to lớn mà Tổng cục hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp quốc phòng – an ninh của Việt Nam nói chung đã đạt được trong thời gian vừa qua. Những sản phẩm này còn đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng – an ninh Việt Nam, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hệ thống nhận dạng căn cước điện tử eID của hãng Elyctis (Hong Kong) cho phép kiểm tra nhanh thông tin hộ chiếu và các loại thẻ căn cước với 2 dạng thiết bị – máy tính bảng (bên trái) và đầu đọc kết nối với máy vi tính (bên phải).
Hãng Secusmart (Đức) giới thiệu giải pháp mã hóa cuộc gọi viễn thông và đặc biệt là giải pháp bảo vệ dữ liệu di động được tích hợp thẳng vào một số mẫu điện thoại và máy tính bảng do Samsung sản xuất với ‘chìa khóa’ có dạng một thẻ nhớ microSD.
Giải pháp nhận diện khuôn mặt trên cơ sở kết hợp công nghệ của hãng Miyoshi (Singapore) và NEC (Nhật Bản) với hệ thống được tích hợp vào áo chuyên dụng trang bị cho nhân viên an ninh.
Hệ thống này có thể nhận diện nhanh đối tượng với khả năng xử lý 3 triệu gương mặt trong khoảng 1 giây, đồng thời báo vị trí chính xác của đối tượng thông qua thiết bị định vị mà nhân viên an ninh mang trên người.
Giải pháp thông tin vô tuyến điện của Red Sun Synthesis (Singapore) tích hợp các hệ thống liên lạc của JPS, Panasonic, OTS và Codan nhằm phục vụ nhu cầu liên lạc tại các khu vực hiểm trở, không có hạ tầng cơ sở viễn thông.
Hệ thống bảo mật công nghệ cao Gate Scanner của Athena Dynamics (Singapore) có thiết kế nhỏ gọn và hoạt động độc lập không cần máy tính, có khả năng chống sao chép trái phép dữ liệu và phát hiện mã độc được nhúng trong các tập tin.
Các loại thiết bị ghi âm nhỏ gọn của hãng Gedion (Litava) với thời gian hoạt động khoảng 25-35 tiếng liên tục, hỗ trợ thẻ nhớ microSD, riêng bộ thiết bị bên trái có thể nhận dữ liệu qua kết nối không dây trong bán kính 12 m.
Gedion còn giới thiệu mạch ghi âm siêu nhỏ (bên phải) với bộ điều khiển từ xa và thiết bị ghi âm ngụy trang dưới dạng thẻ tín dụng (bên trái) với thời gian hoạt động khoảng 30-35 tiếng liên tục.
Mô hình pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M4 Shilka của hãng Minotor Service Belarus, với radar có thể bắt được nhiều mục tiêu theo mọi hướng tối đa 12 km cùng hệ thống tạo khói ngụy trang, tên lửa phòng không Ilga và camera xung quanh xe.
Mô hình xe bọc thép đa nhiệm Vitim với trọng lượng 7 tấn, có khả năng chống các loại đạn cỡ 7,62x39mm thường dùng cho súng CKC và AK-47, có thể tích hợp các loại mô-đun chiến đấu khác nhau bên trên nóc xe.
Mô hình phòng không tự hành Moskit/Kornet-EM tích hợp trên thiết giáp, hệ thống này có thể tích hợp với nhiều loại phương tiện cơ giới quân đội khác nhau.
Mô hình thiết giáp chở quân lội nước BTR-50PKM do Belarus sản xuất với động cơ mạnh hơn phiên bản BTR-50 nguyên thủy, cùng với hệ thống quang điện tử hiện đại.
Súng phóng lựu ổ quay (phía trên bên trái), súng phóng lựu (phía dưới, bên trái), súng phóng quả nổ (phía trên, bên phải) và súng đa năng, sản phẩm của Tổng cục hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam.
Súng phóng lựu ba nòng (phía trên), các loại quả nổ (phía dưới, bên trái), súng bắn lưới (phía dưới, bên phải) và súng ngắn (dưới cùng, bên phải, loạt sản phẩm ‘made in Vietnam’ khác của Tổng cục hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam.
Thiết bị kiểm tra bom thư và Đèn tử ngoại kiểm tra tài liệu, sản phẩm của Tổng cục hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam.
Thiết bị phá sóng flycam do Việt Nam sản xuất với thời gian hoạt động trong vòng 4-6 tiếng tùy phiên bản, đây là một trong những sản phẩm do Việt Nam sản xuất được nhiều khách quốc tế quan tâm tại triển lãm.
Theo VTC