Ảnh minh họa.
Trước khi quá muộn, hãy cho trẻ biết cuộc sống này có ngọt bùi nhưng cũng không ít đắng cay.
Trên đường đời của chúng ta, gian khổ là một đoạn đường chông gai mà tất cả mọi người đều phải vượt qua.
Nếu các bậc phụ huynh vẫn luôn giữ quan điểm chăm nom con cái tựa như những bông hoa trong lồng kính, thì đến khi bạn không còn khả năng bao bọc con trẻ, các bé bước ra cuộc đời sẽ chẳng thể nào chịu nổi dù chỉ một chút khó khăn.
Dạy con chịu khổ là bài học không thể bỏ qua trong quá trình giáo dục con trẻ, đặc biệt là đối với các bé trai.
Cho con chịu khổ là cách để bé có được sự tôn trọng
Trước kia, ở một thôn làng nhỏ có cặp vợ chồng già chung sống cùng nhau. Cụ ông từ thời còn trẻ đã chẳng quen ăn sung mặc sướng, chẳng mó tay việc gì, mọi việc đều để vợ lo liệu.
Dân làng đều cảm thấy cụ bà số khổ, chỉ riêng cụ bà lại không hề thấy vậy. Hoặc có lẽ, bà nghĩ rằng sướng khổ ở đời cũng đều do số cả.
Cũng trong thôn nhỏ ấy, có một gia đình khác lại trái ngược hoàn toàn. Cụ ông từ nhỏ đã chăm chỉ lao động, tới khi về già vẫn ngày ngày làm việc, không ngừng nỗ lực để cả nhà sống thoải mái nên người làng ai cũng tôn trọng.
Vậy mới thấy, chịu khổ vốn không hề đáng sợ. Bởi tinh thần chịu khó, chịu khổ là nền móng vững chắc của tinh thần lao động, mà lao động chính là thứ đem lại sự tôn nghiêm cho con người.
Rất nhiều người sau khi trưởng thành đã biến mình trở thành một người mà chính bản thân họ cũng chẳng thể yêu thích. Đó là bởi thứ “gốc rễ” nuôi dưỡng con người và nhân cách của họ từ sớm đã bị mục ruỗng.
Cho nên, trong giáo dục gia đình, quan niệm của bố mẹ đóng vai trò vô cùng then chốt. Con cái có khả năng chịu khổ hay không, có thể đối mặt với sự khốc liệt của cuộc sống hay không, chủ yếu đều được quyết định bởi sự rèn giũa của phụ huynh.
Nuông chiều là thứ thuộc độc “ăn mòn” tinh thần chịu khó, chịu khổ của lớp trẻ ngày nay
Từng có một kết quả điều tra xã hội học phản ánh thực trạng tồn tại trong trong rất nhiều gia đình như sau:
Nếu trong một nhà có anh chị em, người chịu khổ thường sẽ là anh chị, còn người em hầu như chẳng phải chịu thiệt bao giờ.
Đó là bởi những người sinh ra trong thân phận làm em không chỉ được bố mẹ bao bọc mà còn nhận được sự yêu thương, chở che từ chính anh chị của mình.
Tương tự như vậy, với các cặp vợ chồng muộn con, họ thường mang theo tâm lý coi con như viên ngọc quý trên tay để nâng niu, chiều chuộng.
Những đứa trẻ sinh ra trong vị trí em út của gia đình, hoặc sinh thành trong những gia đình muộn con đại đa số đều được thiên vị, chẳng mấy khi phải chịu khổ.
Thậm chí, cho dù phụ huynh, anh chị có ăn uống cần kiệm tới đâu, thì các em vẫn được chiều chuộng chẳng thiếu thứ gì.
Nhưng đổi lại, cuộc đời của họ lại trói buộc cả đời bên cạnh đứa trẻ không có năng lực chịu khổ, chịu khó ấy.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng Trung Quốc từng dậy sóng trước tâm sự của một người mẹ về gia đình mình.
Theo đó, gia đình chồng cô có một cậu em được cả nhà cưng chiều. Dù đã 26 tuổi, cậu em chồng ấy vẫn chẳng hề biết lo nghĩ cho người khác.
Gia cảnh nhà chồng cô vốn không khá giả, bố mẹ đều làm ruộng ở quê. Mỗi dịp năm hết Tết đến, hai người còn không dám mua đồ ngon để ăn.
Thế nhưng cậu em chồng kia thì năm lần bảy lượt đổi Iphone thời thượng, liên tục ra nước ngoài chơi, tối ngày còn vay mượn vợ chồng anh chị mấy chục triệu để… sửa mũi.
Khi mới về, cô vợ còn nghĩ rằng có thể cậu em mình chưa hiểu chuyện. Sau này, cô mới phát hiện tính cách ấy của em chồng đều do nhà chồng chiều chuộng mà sinh hư.
Mẹ chồng còn ngao ngán thở dài mà than rằng, cậu ta từ nhỏ đã như vậy, muốn thứ gì thì nhất định phải có cho bằng được.
Nhìn thấy cảnh ngộ đầy cay đắng ấy, người mẹ trẻ càng quyết tâm tự nhủ:
“Dù bận tới đâu cũng phải tự mình chăm con, dạy con cách chịu khó, chịu khổ chứ tuyệt đối không thể để con mình lớn lên trở thành một người như vậy”.
Mỗi lần nhìn thấy những bậc cha mẹ lắc đầu hết cách trước con cái như vậy, liệu rằng có suy nghĩ gì?
Nguyên nhân duy nhất khiến con cái của nhiều gia đình trở thành những “ký sinh trùng” bám dính bố mẹ như vậy chỉ bắt nguồn từ hai chữ: Nuông chiều.
Sự nuông chiều tai hại ấy không ở đâu xa, mà bắt nguồn từ chính những thói quen trong đời sống hàng ngày của các bậc phụ huynh.
Liệu bạn đã bao giờ động viên con của mình bằng câu nói: “Con chỉ cần học giỏi là được, còn lại cứ để bố mẹ lo”?
Hay bạn có thường xuyên chấp nhận làm hết mọi việc lớn bé trong nhà, để cho con cái chẳng phải mó tay vào bất kỳ một việc nào?
Và hệ quả của sự nuông chiều tai hại ấy, là con cái dù đã lớn, nhưng chưa bao giờ biết một bịch muối, một chai dầu ăn có giá bao nhiêu tiền, thậm chí còn chẳng biết nấu cơm, quét nhà sao cho đúng.
Bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trước khi quá muộn
Trước khi con cái của bạn trở thành những “bông hoa trong lồng kính”, hãy để cho trẻ có cơ hội chịu khổ, có ý thức vượt khó. Bởi trẻ nhỏ chịu khổ sớm một chút, sau này mới có thể kiên cường trưởng thành.
Muốn làm được điều ấy, bạn không cần phải tạo ra những thử thách đao to búa lớn nào. Thay vào đó, chỉ cần tạo điều kiện để trẻ giúp đỡ mình làm việc nhà, cổ võ con tham gia các hoạt động tình nguyện, cho phép con cái đi làm thêm để các em có điều kiện rèn luyện bản thân.
Những điều ấy sẽ giúp các bé rèn luyện tinh thần không ngại khó, ngại khổ ngay từ khi còn nhỏ, để các em hiểu được lao động là vinh quang, đồng thời cũng đem lại cho các em sự tôn trọng từ mọi người.
Lời khuyên này nghe có vẻ rất phong trào, rất khẩu hiệu. Nhưng qua nhiều năm nữa, khi thấy đứa con đã 30 tuổi của mình vẫn ngửa tay xin bố mẹ tiền ăn, bạn sẽ chân chính hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục con trẻ chịu khổ.
Vì vậy, trước khi quá muộn, hãy nói cho trẻ biết, cuộc sống này có ngọt bùi nhưng cũng không ít đắng cay, cho nên con đường thành công chưa bao giờ là dễ dàng.
Theo Trí Thức Trẻ