Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

“Nếu Nhà nước không cho thu phí tiếp trên QL 5 thì phải lấy tiền bù, hỗ trợ cho dự án”

BOT, thu phí, quốc lộ 5, trạm thu phí

Hình ảnh tài xế và người dân phản đối tại trạm thu phí QL 5 vào chiều 4/9. Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam đã có những trao đổi xung quanh việc thu phí trên Quốc lộ 5 đang gây bức xúc đối với người dân thời gian qua.

Mức phí đã được quyết định từ lâu

Chiều tối ngày 4 – 5/9, nhiều tài xế và người dân đã trả tiền lẻ, đỗ xe khiến quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài vì không đồng tình với hoạt động thu phí tại đây nhằm hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Chiều 5/9, ông Đặng Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, đơn vị đã có báo cáo nhanh về sự việc xảy ra chiều 4/9 gửi đến Bộ Giao thông vận tải.

BOT, thu phí, quốc lộ 5, trạm thu phí

Ảnh trạm thu phí QL 5 vào chiều 4/9. Ảnh: Otofun.

Theo phản ánh của các lái xe, trước khi có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 vẫn phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Nhưng nay, mức phí này tăng gấp nhiều lần và dao động từ 40.000 – 180.000 đồng/lượt (tùy loại xe).

Về việc này, ông Tâm cho biết: “Mức phí này đã được báo cáo và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính bàn bạc, thống nhất trình Chính phủ quyết định từ cách đây hơn một năm.

Hiện nay, sau sự việc 4/9 xảy ra, chúng tôi cũng không có kiến nghị gì về mức phí mà chỉ tập trung để tuyên truyền cho người dân hiểu, thực hiện”.

Thu phí để hỗ trợ dự án chứ không phải phí BOT

Nhiều lái xe cho rằng, họ không đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhưng lại phải trả phí ở quốc lộ 5 để san sẻ cho đường này là không được, không hợp lý.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Chánh văn phòng Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) khẳng định, việc hiểu như vậy là không đúng vấn đề.

Theo ông Huỳnh, quốc lộ 5 hiện tại không phải là BOT mà đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới là dự án BOT.

Cụ thể, năm 2007, Chính phủ giao cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) làm thí điểm dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Dự án được BIDV giao cho Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) làm chủ đầu tư, thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia.

Theo Nghị định 108, Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng do không có vốn nên 4.000 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng được Vidifi ứng trước.

Ngày 29/11/2007, Thủ tướng có Quyết định số 1621 về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó, nêu rõ Vidifi được quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 từ khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với mức thu theo quy định của Bộ Tài chính.

Cũng theo đó, chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá, nguyên vật liệu, chế độ chính sách và do các nguyên nhân khách quan khác làm chi phí lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt. Vidifi được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT.

“Bình thường ngân sách Nhà nước nhiều thì sẽ hỗ trợ cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhưng vì ngân sách hạn hẹp nên đã giao cho chúng tôi quyền thu phí để hỗ trợ, thu hồi vốn cho dự án chứ không phải thu phí BOT ở đường 5 này.

Chúng tôi cũng coi đây là nguồn góp vốn của Nhà nước vào dự án này còn nếu Nhà nước không cho Vidifi thu tiếp ở các trạm thu phí trên Quốc lộ 5 thì phải lầy tiền Ngân sách để bù, hỗ trợ cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”, ông Huỳnh nêu rõ.

Lãnh đạo Vidifi cũng nêu rõ, nguồn thu phí những năm gần đây tại các trạm thu phí trên QL5 cũng mới chỉ đảm bảo cho việc duy tu, sửa chữa đường chứ chưa hỗ trợ được gì cho đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 được bàn giao cho Vidifi vào tháng 11/2009. Theo thông tin, số phí Vidifi thu được trên quốc 5 từ 2009 đến hết năm 2016 là khoảng 1.700 tỷ đồng (sau thuế), tổng chi cho sửa chữa quốc lộ 5 trong giai đoạn 2013 – 2016 là gần 900 tỷ đồng.

 

theo Trí Thức Trẻ

Exit mobile version