Nhiều người dân xã Quang Thiện (Ninh Bình) bàng hoàng khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Đường vào xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) – quê hương Chủ tịch nước Trần Đại Quang chiều 21/9 trầm lắng hơn thường lệ.
Căn nhà cấp bốn gắn liền với tuổi thơ của ông nằm ẩn sâu trong khu vườn rộng trồng cây lưu niên, bên trong nhiều người thân túc trực. Lực lượng an ninh cũng có mặt để làm nhiệm vụ ở khu vực này, bắt đầu từ con đường liên thôn.
Ông Cao Hoàng Đảng chia sẻ ký ức về người bạn ấu thơ Trần Đại Quang. Ảnh: Lê Hoàng.
Nghe tin Chủ tịch nước qua đời, nhiều người nghỉ cả công việc đồng áng tìm đến ngôi nhà nhỏ mong ngóng tin tức từ Thủ đô. Mọi người đều chung tâm trạng đau xót, tiếc thương trước sự ra đi đường đột của vị lãnh đạo.
“Lúc 12h, gia đình tôi đang ăn cơm trưa thì nghe tivi thông báo bác qua đời. Cả nhà ai cũng rụng rời chân tay, vứt bát đũa chạy sang hàng xóm hỏi han sự tình”, bà Trần Thị Thắng (ở xóm 13, xã Quang Thiện) kể.
Bà Thắng bảo, thời gian trước có nghe phong thanh về sức khoẻ Chủ tịch nước nhưng không biết thông tin cụ thể. “Chúng tôi cầu mong ông tai qua nạn khỏi nhưng không ngờ hôm nay nghe tin buồn”, bà Thắng xúc động.
Chung tâm trạng, bà Trần Thị Liễu (61 tuổi) cho hay, vợ chồng bà như không tin vào tai mình khi nghe bản tin trưa. “Chúng tôi không còn thiết ăn uống nữa. Buồn và tiếc thương bác lắm”, bà Liễu nói với đôi mắt đỏ hoe.
Lặng trong giây lát, bà Liễu tiếp lời, tối hôm kia, bà còn thấy Chủ tịch nước xuất hiện trên tivi. “Lâu nay, tôi theo dõi đài báo thường xuyên, thấy gần đây bác xuất hiện gầy hơn nên rất lo lắng”, bà Liễu chia sẻ.
Người dân xã Quang Thiện chỉnh trang đường sá, dọn dẹp vệ sinh. Ảnh: Lê Hoàng.
Với nhiều người dân xã Quang Thiện, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người có lối sống giản dị và tình nghĩa. Ông Cao Hoàng Đảng (63 tuổi), hàng xóm và cũng là bạn thuở “chăn trâu cắt cỏ” với Chủ tịch Trần Đại Quang kể: “Gia đình anh Quang hồi xưa khó khăn lắm, nhà nghèo lại đông anh em nhưng anh ấy có tố chất thông minh, học giỏi từ bé”.
Ông cho hay, Quang Thiện từ xưa vốn là xã thuần nông, thân sinh Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng là người gắn bó với ruộng đồng.
“Chúng tôi lớn lên bên bờ tre gốc rạ, đi học về lại cưỡi trâu ra đồng hay đi đơm cá, bắt cua cùng nhau, nhưng anh Quang học giỏi nên thoát ly từ lúc còn trẻ”, ông Cao Hoàng Đảng nói.
Ông cho hay, Chủ tịch nước mồ côi cha từ khi còn học tiểu học, 6 anh chị em ông Quang đùm bọc nhau lớn lên từ đôi vai gánh gồng bán chuối, buôn rau của người mẹ. Kỷ niệm nhớ nhất của ông Đảm với Chủ tịch nước là những lần cùng nhau đánh đáo, đánh đu, chơi trò trận giả trên đồng.
“Anh Quang hiền lắm, chẳng mấy khi làm mất lòng bạn bè cùng trang lứa. Anh ấy là niềm tự hào, làm rạng danh cho vùng quê nơi đây”, ông Đảng tâm sự.
Tuyến đường xung quanh ngôi nhà quê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh:Lê Hoàng.
Người dân và đại diện chính quyền địa phương cho hay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mỗi lần về quê đều tặng quà cho các cháu nhỏ, quan tâm đến công tác khuyến học ở xã nhà với các món quà như tủ sách, góp phần xây dựng trường, nhà văn hoá…
Dù chưa có thông tin, lịch trình chính thức về lễ Quốc tang, nhưng chiều nay, nhiều người dân xã Quang Thiện đã nghỉ việc đồng áng. Bà con tay liềm tay cuốc, cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Ông Vũ Hồng Quyết, Phó chủ tịch HĐND xã Quang Thiện cho hay, địa phương huy động cán bộ, công chức, các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… làm công tác vệ sinh môi trường.
“Các khu phố, đường làng ngõ xóm sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất trong những ngày tới”, ông Quyết nói.
Sau thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần ở tuổi 62 vào sáng 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông quê ở Ninh Bình, là giáo sư, tiến sĩ Luật học; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV.
Ông làm Bộ trưởng Công an trước khi được bầu làm Chủ tịch nước tháng 4/2016.
Lê Hoàng
Theo VnExpress