Đạo luật từ thập niên 1940-1990 ở Nhật Bản nhằm tạo ra một thế hệ người Nhật “ưu việt” hơn đã cướp đi cơ hội làm cha mẹ của hơn 16.000 người tại quốc gia này.
Năm Junko Iizuka 16 tuổi, bà được bố mẹ đưa đến một phòng khám ở Đông Bắc Nhật Bản, trải qua ca phẫu thuật bí ẩn và để lại hậu quả mãi mãi trên cơ thể bà.
“Tôi được gây mê và không còn nhớ gì cả”, bà kể. “Tôi thấy mình nằm trên giường khi tỉnh dậy. Tôi muốn uống nước nhưng không được phép”.
Vào thời gian đó, Iizuka đang ở cùng và giúp việc cho một gia đình. Mãi sau này bà mới nghe lỏm được câu chuyện của bố mẹ: Bà là một trong 16.500 người bị ép triệt sản theo đạo luật nhằm hạn chế những đứa trẻ “hạ cấp” ra đời.
Cuộc đời bị đánh cắp
Iizuka bị nghi ngờ thiểu năng trí tuệ và cô gái trẻ bị thắt ống dẫn trứng vào năm 1963.
50 năm sau, người phụ nữ giờ đã hơn 60 vẫn nói bằng giọng run run khi kể về những cơn đau bụng triền miên và gánh nặng tâm lý đã đè lên cuộc đời bà.
“Tôi đã đến Tokyo để xem có thể làm phẫu thuật phục hồi không. Họ nói với tôi rằng không thể”, Iizuka kể. “Họ đã đánh cắp đời tôi”.
Junko Iizuka, người bị triệt sản ép buộc vào năm bà 16 tuổi. Ảnh: Guardian.
Yumi Sato bị ép triệt sản vào năm 1972, khi là cô bé 15 tuổi. Chị dâu của Sato, Michiko nói rằng việc đó đã làm đổ vỡ cuộc hôn nhân sắp thành của bà.
“Khi nó 22, 23 tuổi và bắt đầu nói về việc hôn nhân, người đàn ông đã cầu hôn nó hủy hôn khi biết rằng nó không thể có con”, Michiko nói với Guardian.
“Vào thời gian đó, tâm lý phổ biến là kết hôn thì phải có con. Không dễ có chồng nếu bạn không sinh con được”.
Gần đây, Sato đâm đơn kiện đòi chính phủ Nhật bồi thường về hành động trên. Bà lập luận rằng Luật Bảo vệ Ưu sinh đã vi phạm hiến pháp nước này, xâm phạm đến quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân. Sato là người đầu tiên mang việc này ra tòa, các nạn nhân hy vọng rằng trường hợp của bà sẽ mở đường cho việc buộc chính phủ xin lỗi công khai.
Các tài liệu chính thức nói rằng Sato bị triệt sản vì bà bị chẩn đoán là “trí tuệ kém do di truyền”. Trong khi đó, gia đình của bà nói rằng Sato bị tổn thương não vì phải uống quá nhiều thuốc mê lúc nhỏ trong một lần phẫu thuật vì hở vòm miệng.
Michiko, người đã sống với em chồng mình trong hơn 40 năm, nói rằng Sato là cô gái được cả gia đình yêu thương. Sato đã giúp chăm sóc con cái Michiko khi chúng còn nhỏ. Michiko cho rằng việc tự chăm sóc những đứa con của mình có thể sẽ khó khăn với Sato, nhưng dù sao “việc tước đi quyền đó của nó là tội ác”.
Trong phiên xử đầu tại tòa cấp quận ở Sendai vào ngày 28/3, đại diện chính quyền kêu gọi nguyên đơn rút đơn. Chính quyền có thể sẽ lập luận rằng quy trình trên là hợp pháp vào thời đó. Luận điểm này kéo theo sự chú ý vào luật lệ đã tồn tại ở Nhật suốt 5 thập niên và chỉ bị bãi bỏ từ năm 1996.
Nửa thế kỷ ưu sinh
Sau thất bại đau đớn trong Thế chiến thứ hai, một số chính trị gia Nhật Bản bắt đầu nói về sự thiết yếu phải “nâng cấp quốc gia”.
“Mục tiêu của luật này”, theo dòng đầu tiên trong luật, “là để ngăn chặn sự ra đời của những hậu duệ hạ đẳng từ góc nhìn của việc bảo vệ sự ưu sinh và bảo vệ cuộc sống cũng như sức khỏe của người mẹ”.
Luật này nhắm vào những người được cho là có vấn đề về tâm thần do di truyền hoặc “trí não chậm phát triển do di truyền”. Về sau, bộ luật được sửa đổi để bao gồm cả một số người gặp tình trạng trên nhưng không do di truyền.
Nhóm luật sư đại diện cho một người phụ nữ trong vụ bà khởi kiện chính phủ đã ép buộc mình triệt sản. Ảnh: Kyodo.
Michiko nói rằng việc bộ luật này từng được áp dụng là “sỉ nhục” và là “nỗi xấu hổ của Nhật Bản”.
“Cái luật đó cơ bản nói rằng có những người nên sinh con và những người không nên”, bà nói. “Về bản chất nó nhằm loại bỏ những người có khiếm khuyết khỏi xã hội”.
Từ năm 1948-1996, khoảng 25.000 người đã bị triệt sản theo luật, bao gồm 16.500 người không ưng thuận. Những nạn nhân nhỏ nhất khoảng 9-10 tuổi. 70% trường hợp là phụ nữ.
Vào giữa thập niên 1950, số người bị triệt sản đạt mức đỉnh điểm với 1.362 trường hợp chỉ trong một năm. Dù vậy, nhiều sự cố đã kéo theo sự chú ý và phản đối từ dư luận, số người bị triệt sản ngày càng ít đi và luật chính thức bị bãi bỏ năm 1996.
Yasutaka Ichinokawa, giáo sư xã hội học tại Đại học Tokyo, nói rằng các bác sĩ tâm thần là người chỉ định người nào cần phải được triệt sản, đôi khi là người chăm sóc tại các trung tâm tâm thần hoặc nhân viên an sinh xã hội.
“Tất cả họ đã làm việc với ý tốt, họ nghĩ rằng việc triệt sản là vì lợi ích của người dân mà họ có trách nhiệm. Nhưng đến ngày hôm nay chúng ta phải nhìn nhận đó là sự xâm phạm quyền sinh sản của người khuyết tật”, Ichinokawa nói.
Chính phủ Nhật Bản vài lần đứng trước yêu cầu từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc phải đối mặt với thời gian đen tối này trong lịch sử của họ. Lời cảnh báo gần nhất đến từ ủy ban của Liên Hợp Quốc về chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Cơ quan này kêu gọi chính quyền giúp đỡ các nạn nhân tiếp cận bồi thường và các phương thức phục hồi.
Dalia Leinarte, chủ tịch ủy ban, nói rằng triệt sản ép buộc là “vi phạm quyền của phụ nữ” và “trong vài trường hợp không khác gì tra tấn”.
Dù phủ nhận việc này trong quá khứ, chính phủ Nhật đang cho thấy một số thay đổi. Tháng 3, Kyodo đưa tin chính phủ đang lên kế hoạch để cùng giới chức các địa phương để mở đường cho việc bồi thường các nạn nhân. Quốc hội cũng thành lập một nhóm sửa sai.
Áp lực buộc chính phủ hành động lớn dần khi ngày càng có nhiều nạn nhân lên tiếng. Trong một hội trường của Đại học Tohoku Gakuin ở Sendai, các nạn nhân nói trước 50 người về những gì họ trải qua. Iizuka cũng ở đó, bà tốn nhiều năm để có đủ dũng khí cho việc này.
Iizuka nói trước khán giả tại Đại học Tohoku Gakuin. Ảnh: Guardian.
“Tôi muốn mọi người biết sự thật về những gì đã xảy ra”, bà nói. “Những gì tôi muốn là chính phủ xin lỗi và bồi thường cho những người đã phải chịu đựng”.
Tên nhân vật đã được Guardian thay đổi.
Theo Zing