Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Nguy cơ bệnh viêm não Nhật Bản tăng cao trong mùa hè, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản được xem là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể để lại nhiều dư chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần nắm được cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Nguy cơ bệnh viêm não Nhật Bản tăng rất cao trong mùa hè

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, mùa hè là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não trong đó có cả bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Đây cũng chính là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ.

Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật đều có thể bị mắc bệnh. Hiện tại ở Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ em 5 – 9 tuổi, hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu chưa từng được tiêm chủng, họ có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, đi hợp tác lao động hoặc đi công tác vào vùng bệnh VNNB đang lưu hành.

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người, qua đó truyền virus cho người. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa virus.

Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao 39 – 40 độ C, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn, nôn ói nhiều. Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng phổ biến có thể là thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi. Hoặc quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng… Những di chứng sớm có thể gặp là: bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…

Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virus. Mặc dù đã có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải tất cả. Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng ở người bệnh, phối hợp những điều trị hỗ trợ và nâng đỡ giúp nâng cao thể trạng và sức khỏe cho người bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Khi đi ngủ cần ngủ mùng (màn) để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp chống và diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.

>>Ngày càng nhiều trẻ em bị viêm loét, thủng dạ dày: Nguyên PGĐ BV Bạch Mai chỉ ra nguyên nhân

Theo Afamily

Link

Exit mobile version