Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Nhân vật ‘hao hao’ Quan Vân Trường, lương thiện bậc nhất trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc

Quan Vân Trường,

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có không ít người trước sau luôn giữ được bản tính lương thiện, nổi bật nhất trong số đó là nhân vật với hình tượng “hao hao” Quan Vân Trường.

Ngày nay, mỗi khi nhắc tới hai tác phẩm văn học kinh điển là “Tam Quốc diễn nghĩa” và “Thủy Hử truyện”, người Trung Quốc vẫn còn truyền tai nhau câu nói: “Già chẳng đọc Tam Quốc, trẻ không xem Thủy Hử”.

Lý giải về vế sau của câu nói này, trang Bách Khoa (Baike – Trung Quốc) giải thích: Người còn trẻ tuổi không nên đọc Thủy Hử phần để tránh bị ảnh hưởng bởi cái nhìn bi quan trong tác phẩm này, phần vì thanh thiếu niên còn chưa đủ chín chắn, dễ nhìn nhận lệch lạc, không tiếp thu cái tốt mà lại học tập theo những thói hư tật xấu của một số anh hùng hảo hán trong truyện.

Theo nhận định của một bài viết trên Sohu, đa số các anh hùng Lương Sơn đều từng bị triều đình nhà Tống coi là những thành phần gây bất ổn cho xã hội lúc bấy giờ.

Tuy nhiên trong số đó vẫn có những nhân vật được xem là người trước sau luôn giữ bản tính lương thiện, đặc biệt trong số đó không thể bỏ qua người được miêu tả là mang dáng dấp và khí chất của Quan Vân Trường. Đó chính là Mỹ Nhiêm Công Chu Đồng.

Vị hảo hán mang dáng dấp và khí chất của Quan Vân Trường

Quan Vân Trường,
Hình tượng Thiên Mãn Tinh – Mỹ Nhiêm Công Chu Đồng trong phim “Tân Thủy Hử”. (Ảnh: Nguồn Internet).

Chu Đồng là một nhân vật được xây dựng trong tiểu thuyết “Thủy Hử” của tác giả Thi Nại Am, tước hiệu Mỹ Nhiêm Công, người huyện Vận Thành. Ông vốn có xuất thân phú hộ, làm Đô đầu mã binh ở huyện, từng đem lòng ngưỡng mộ những hảo hán thuộc nhóm người Tiều Cái, Tống Giang.

Sau cái chết của tiểu nha nội phủ Thương Châu, Chu Đồng buộc phải lên Lương Sơn. Khi các anh hùng Lương Sơn chính thức tụ nghĩa, ông được xếp hàng thứ 12, ứng với Thiên Mãn Tinh, là một trong 8 tướng tiên phong.

Kết thúc trận chiến chinh phạt Phương Lạp, Chu Đồng được phong làm Đô thống chế phủ Bảo Định, về sau làm quan tới chức Tiết độ sứ quận Thái Bình.

Trước khi bị lừa lên Lương Sơn, Chu Đồng vốn là Đô đầu của mã binh huyện Vận Thành, cũng được xem như một trong số những đội trưởng của binh lính ở địa phương này.

Sinh thời, ông vốn là một người có xuất thân khá giả, sự nghiệp thuận lợi, dáng dấp lại tuấn tú. Về ngoại hình của Chu Đồng, trong tiểu thuyết “Thủy Hử truyện” chương 12 có miêu tả: “Người Đô đầu Mã binh họ Chu tên Đồng, mình cao hơn tám thước, râu dài thước rưỡi trông như râu hùm, mặt dài mắt sắc, phảng phất giống với tướng mạo Quan Vân Trường”.

Quan Vân Trường,
Ngoại hình và tính cách của Chu Đồng được miêu tả là có nhiều nét giống với vị tướng nổi danh Tam Quốc một thời – Quan Vân Trường. (Tranh minh họa Chu Đồng: Nguồn Baidu).

Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, trong “Thủy Hử” không chỉ có một mình Chu Đồng mang dáng dấp Quan Công mà còn có Đại đao Quan Thắng.

Vốn là hậu duệ của vị tướng nổi danh Tam Quốc, Quan Thắng sở hữu vẻ bề ngoài được khẳng định là “giống với ông tổ Quan Vân Trường” . Về chi tiết này, “Thủy Hử truyện” hồi 62 có miêu tả: “Mình cao tám thước, râu nhỏ ba hàng, mày ngài mắt phượng, mặt dài môi đỏ, rõ ra một vẻ đường đường…”.

Từ những miêu tả trên đấy, không khó để độc giả nhận thấy ngoại hình của Quan Thắng cũng được khắc họa dựa trên hình tượng của Quan Vũ.

Chỉ có điều nếu so sánh với Quan Thắng, hình tượng của Chu Đồng được đánh giá là sinh động hơn, thần thái hơn, thậm chí không chỉ nhác giống Quan Công về ngoại hình mà khí chất, tính cách còn có mấy phần tương tự. (theo nhận định của Sohu).

Thiên lương trong sáng của nhân vật lương thiện nhất Thủy Hử

Quan Vân Trường,

Có ý kiến cho rằng Chu Đồng là vị hảo hán lương thiện nhất trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Vậy đâu là lý do khiến Chu Đồng được mệnh danh là hảo hán lương thiện và tốt bụng nhất Lương Sơn Bạc? Đáp án cho câu hỏi này chính là “cái nghiệp” của vị Đô đầu họ Chu ấy.

Sẽ không hề quá lời nếu nói rằng, Chu Đồng lúc bình sinh đã gắn cả cuộc đời mình với cái nghiệp… thả người.

Mặc dù đã từng làm việc trong bộ máy triều đình phong kiến đã bắt đầu có nhiều thối nát, nhưng với thiên lương trong sáng và tinh thần chính nghĩa, Chu Đồng từng thả không ít nhân vật bị triều đình cho là tội phạm.

Người thứ nhất mang ơn của vị hảo hán này chính là Tiều Cái.

Khi Tiều Cái và các huynh đệ đánh cướp Sinh Thần Cương, nhóm người được tróc nã vốn là Chu Đồng và Lôi Hoành – một Đô đầu khác trong huyện.

Hai vị Đô đầu này đều có lòng muốn thả người, nhưng Lôi Hoành đã chặn cửa trước, còn Chu Đồng chặn cửa sau, đều định bụng nếu gặp Tiều Cái sẽ ngấm ngầm giúp ông trốn thoát.

Kết quả là Tiều Cái gặp Chu Đồng ở lối cửa sau và được ông tạo cơ hội chạy thoát. Vì vậy có thể nhận định rằng, mặc dù Lôi Hoành và Chu Đồng đều có lòng thả người, nhưng người khiến Tiều Cái mang ơn nhất vẫn là vị đô đầu họ Chu.

Người thứ hai được Chu Đồng thả đi trong lúc nguy cấp chính là Tống Giang.

Bấy giờ, Chu Đồng và Lôi Hoành lại nhận được lệnh đi bắt Tống Giang. Vị Đô đầu họ Chu đã để cho bạn mình giữ cửa, còn bản thân thì vào trong lục soát.

Hiển nhiên trong cuộc lùng bắt ấy, dù đã bị phát hiện nhưng Tống Giang vẫn thuận lợi đào tẩu, thậm chí sau đó Chu Đồng còn lấy tiền túi để dàn xếp ổn thỏa vụ án.

Người thứ ba được Chu Đồng phóng thích không phải ai xa lạ, mà là người đồng nghiệp của ông – Đô đầu Lôi Hoành.

Lúc đó khi Lôi Hoành chịu án lưu đày vì lỡ tay đánh chết người, Chu Đồng nhận lệnh áp giải nhưng đã tháo gông thả người và nói dối quan trên rằng mình sơ ý để phạm nhân chạy thoát.

Quan Vân Trường,

Sau này, Chu Đồng ở Thường Châu được Tri phủ trọng dụng, lại có quan hệ thân thiết với tiểu nha nội – con của quan lớn. Thiết nghĩ một người đàn ông võ biền lại có được sự yêu quý của một đứa trẻ không phải chuyện dễ, điều này chứng tỏ Chu Đồng vốn là một người rất có lòng.

Có ý kiến cho rằng, tình cảm thân thiết giữa Chu Đồng và tiểu nha nội là cảnh tượng ấm áp hiếm có trong “Thủy Hử truyện”. Thế nhưng ngay vào lúc độc giả đang đắm chìm trong khung cảnh bình yên và cảm động ấy thì Thi Nại Am đã khiến cuộc đời nhân vật này đột ngột rẽ sang một hướng khác.

Người phá vỡ cuộc sống yên ả của vị Đô đầu họ Chu chính là Lý Quỳ – kẻ đã khiến tiểu nha nội phải chết thảm. Mà Chu Đồng khi ấy từ một người có tương lai xán lạn đã bị đẩy vào cảnh không lên Lương Sơn sẽ chẳng có đường về.

Sau này, Chu Đồng cũng là một trong số ít những hảo hán Lương Sơn may mắn có được kết cục không quá bi thảm.

Trở về kinh khi đã thành công bình định Phương Lạp, ông được triều đình phong làm Đô thống chế phủ Bảo Định. Sau này, Chu Đồng tiếp tục theo Lưu Quang Thế chống Kim, làm quan tới chức Tiết độ sứ quận Thái Bình.

Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, Chu Đồng không chỉ đơn thuần là một nhân vật sở hữu dáng hình hao hao Quan Vân Trường mà còn mang khí chất quân tử, trượng nghĩa giống như vị tướng uy chấn Hoa Hạ năm nào.

Cho nên, việc ông có được kết cục tương đối viên mãn có lẽ chính là sự ưu ái mà tác giả “Thủy Hử” đặc biệt dành cho nhân vật có thiên lương trong sáng nhất trong tác phẩm của mình.

Trần Quỳnh- Thời Đại/Soha

Link 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version