Đằng sau nhiều gánh hàng rong đang bám chặt vào vỉa hè đô thị, là một vấn đề chưa lời giải của kinh tế vĩ mô Việt Nam.
2h30 sáng, trong căn phòng trọ cấp bốn tường đã chuyển màu đen giữa một con hẻm quận 4, TP HCM, chị Hiệp cùng bốn “đồng nghiệp” nữ bắt đầu chà đậu – khâu đầu tiên của công cuộc chế biến tàu hũ nóng.
3h, họ xách đậu đi xay. 4h, họ nấu nước lá dứa và nước đường. 4h30, họ nấu tàu hũ, quấy bột dai, vắt và quấy nước cốt dừa. 5h, họ ăn bữa sáng bằng cơm canh từ tối hôm trước.
Đúng sáu giờ, năm người lần lượt giúp nhau cột nồi tàu hũ lên xe đạp, lên gánh, tỏa đi các quận trung tâm thành phố.
Cùng thời điểm ấy, cách đó 1.726 km, từ con ngõ hun hút phía ngoài đê Yên Phụ, Hà Nội, chị Quyên cũng bắt đầu quẩy quang gánh trứng vịt lộn tiến vào quận Hoàn Kiếm, địa bàn hoạt động của mình.
Một buổi sáng bình thường như thế, hàng vạn gánh hàng rong sẽ tỏa đi từ các căn phòng trọ khắp đất nước. Họ đại diện cùng lúc cho hai lực lượng quan trọng của nền kinh tế: các lao động di cư và lao động phi chính thức.
Theo điều tra năm 2015, những người di cư độ tuổi 15-59 tại Việt Nam chiếm 17,3% dân số. Một tỷ lệ lớn trong số họ làm việc ở khu vực kinh tế “phi chính thức”, tức là không hợp đồng, không bảo hiểm, không thuế và gần như không có quản lý. Ví dụ như những gánh hàng rong. Khối kinh tế phi chính thức này được cho là chiếm tới 20% GDP cả nước.
Bước chân của chị Quyên và chị Hiệp vào trung tâm hai thành phố lớn mỗi buổi sáng, mang theo cả những chuyển động của nền kinh tế.
Gần 20 năm buôn thúng bán bưng ở Hà Nội, chị Quyên không nhớ mình bị đuổi, bị thu quang gánh bao nhiêu lần.
Lần hú vía nhất là hồi 2004, khi chị mang thai con gái út gần 5 tháng. Vác cái bụng hơi nhô, chị ôm thúng mực đi chào khách quanh bờ Hồ. Mải lấy đồ, chị không biết trật tự phường đang lừ lừ tiến đến. Ngẩng mặt lên thấy bóng áo xanh cách vài mét, chị ôm thúng chạy, không kịp cầm tiền của khách. Luống cuống thế nào chị vấp ngã, cái bụng úp xuống đất. Thúng mực tung tóe, sau vẫn bị tịch thu lên phường.
Buổi đấy ôm bụng về phòng trọ, chị nằm thừ vì tiếc vốn, quên cả việc phải đi viện kiểm tra xem bầu bí có ổn không. Liều qua mấy ngày không thấy đau bụng, chị sắm cái thúng mới đi bán tiếp. Đứa con gái bây giờ đã học lớp 8. Chị gửi nó ở quê cho bác ruột. Vợ chồng khóa cửa ngôi nhà hai tầng mới xây để lên thủ đô. Chồng chạy xe ôm ở Hàng Da, còn chị Quyên ôm thúng hàng rong đi khắp 36 phố phường.
“Ở quê, người ta khóa cửa đi như thế cả. Tám sào ruộng nhà mình không đủ nuôi hai đứa con nên cho mượn hết. Nào có lựa chọn khác”. Quyên kể về làng Cao Xá, Hưng Yên quê chị. Những người đến tuổi lao động trong làng, một nửa đi học, vào các khu công nghiệp, một nửa lên Hà Nội bán hàng rong. Chị đã quá tuổi làm việc ở các khu công nghiệp, và tự cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác, ngoài “liều” với những anh dân phòng.
Có một nghịch lý về việc làm tại Việt Nam: tỷ lệ thất nghiệp tại nông thôn chỉ bằng nửa thành thị; nhưng tỷ lệ “thiếu việc làm” lại gấp 3 lần.
“Thiếu việc làm” nghĩa là có việc làm, nhưng tổng thời gian làm việc thấp, và có mong muốn làm thêm việc nhưng không tìm được. Nói theo ngôn ngữ đơn giản: họ không biết làm gì ra tiền lúc “nông nhàn”.
Thống kê gần nhất trên website của Tổng cục thống kê cho thấy 2,12% lao động nông thôn đang “thiếu việc làm”, so với chỉ 0,73% của thành thị.
Đó chỉ là “thiếu việc làm” theo chuẩn Việt Nam. Theo chuẩn của Tổ chức Lao động Thế giới, cách thống kê của Việt Nam chỉ đề cập đến “thiếu việc làm hữu hình”, tức là thời gian làm việc ít. Tổ chức này còn có cả khái niệm “thiếu việc làm vô hình”, tức là làm việc nhiều nhưng vẫn không đủ sống. Hiện chưa có con số nào thể hiện bao nhiêu người dân nông thôn vẫn cố “bán mặt cho đất” nhưng không xoay xở nổi cuộc sống.
Đó là kịch bản dành cho vợ chồng chị Hiệp, người bây giờ trung thành với xe tàu hũ trên vỉa hè Sài Gòn, sau rất nhiều mồ hôi đổ xuống cánh đồng ở quê nhưng… không ăn thua.
Suốt 20 năm qua, vợ chồng chị Hiệp anh Được đã bốn lần quyết tâm rời bỏ vỉa hè, nhưng số phận không đồng tình.
Hồi xa xưa, nhà chị tính “định cư” ở quê rồi. “Quê mình mình ở chứ sao lại phải đi đâu?”, anh hùng dũng tuyên bố.
Chị Hiệp – người bán tàu hũ trên các con đường quận 4, TP HCM.
Nhà chị Hiệp có 3 sào ruộng, mỗi năm 2 vụ lúa. Một sào được 4-5 bao lúa, đủ cho người ăn chứ không đủ nuôi gà. Chị còn có một sào đất vườn. Đất ở quê đất đỏ, đất thịt, ít chất và không xốp. Nhà chị gần suối, mùa mưa bị ngập úng không trồng được gì, mùa khô được một vụ đậu phộng. Ép đậu phộng được 25-30 lít dầu, cũng chỉ đủ để ăn.
Đầu tiên, anh chị làm kinh tế bằng bốn con trâu. Một con bị xe lửa đụng chết. Một con thả ngoài ruộng bị mấy đứa nhỏ nghịch thế nào mà đánh gãy chân, phải thịt. Còn lại 2 con, chị bán đi đổi qua bò. “Bò nuôi dễ hơn”, anh bảo.
Trâu hồi đó tùy con giá từ 13 tới 17 triệu đồng. Hai con trâu “chốt lời” được 27 triệu trong khi anh chị vay ngân hàng tới 30 triệu mua trâu, cộng thêm tiền lãi ngân hàng 7%/năm.
Anh gợi ý, thử nuôi bò nái. Giá họ bán 30 triệu đồng một con bò có chửa. Bò đẻ ra con bê. Chị chăn hai mẹ con bò cả năm trời, lúc bán đúng vào đợt rớt giá, được có 25 triệu.
Những đận không đi Sài Gòn, anh làm mướn từ nhổ cỏ dưa hấu, nhổ cỏ ruộng đậu, trèo cau, bổ gỗ, gặt thuê, làm nhà, mổ heo, phụ việc đám cưới đám ma… Bất kể việc gì, ai kêu gì làm nấy. Chị cũng muốn làm gì thêm thu nhập nhưng nhà ở đường cùng, không ai đi qua mà buôn bán hàng tạp hóa hay hàng ăn như mặt tiền đường lớn. “Nếu trụ ở quê, chỉ đủ có gạo, rau mắm ăn chứ không có tiền cho bọn nhỏ đi học”.
Hành trình một ngày của chị Hiệp cùng gánh tàu hũ.
Chị nhớ cái đận anh Được kinh doanh cửa hàng in. Anh nhận in thiệp cưới, in danh thiếp. Tiền vốn mua máy in 10 triệu, do anh tích cóp sau bao năm đi bán rong, lớn lắm vì hồi đó vàng chưa tới 500 ngàn một chỉ. Được 3 tháng, máy in hỏng. In ra sản phẩm bị lỗi, khách hàng bắt đền. Tiền sửa máy in đắt bằng nửa cái máy in. Ông chủ bị đổ nợ.
Rồi cái vụ bán cơm cũng thất bại, vì quán cơm thuê mặt bằng ở Ngã tư Lò mổ, đường Trần Đại Nghĩa, là khu ven thành phố. Người ăn cơm bụi chủ yếu vào buổi trưa, đi làm ở mấy công ty, nhà máy gần đó. Buổi tối vắng khách. Bán cơm muốn không lỗ, ngày phải được hơn 100 đĩa.
Chi phí cơ bản mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng quán cơm 2,5 triệu, tiền mua đồ dùng nguyên liệu 3 triệu. Bán mấy tháng thì tiền lời không thấy, tiền vốn cũng bay gần hết. Anh chị lại dẹp.
Nếu bỏ tàu hũ, bỏ vỉa hè, đi làm thuê cho người ta, như rửa chén, chị tính: tiền công chắc được 4 triệu chỉ đủ nuôi con bé lớn đang học năm 3. Ngoài tiền học phí và sách vở, tiền nó ăn mỗi ngày 20 ngàn, lên tới hai triệu một tháng là ít nhất. Thế thì 4 đứa nhỏ còn lại làm sao đi học?
Hỏi chị Nhung: “Sao chị ngoan cố thế? Cứ bám víu vào Sài Gòn làm chi cho cơ cực vậy?” Chị bảo: “Chị thử chứ. Mà xui tận mạng, cách nào cũng đổ bể hết trơn”.
Ở quê có 6 sào ruộng, nếu thời tiết không mưa nắng bất thường thì năm cấy được 2 vụ. Nhà chị giữa một bên đồng một bên núi. Ruộng ở khu đất núi, không có thủy lợi nên trời không mưa, hồ chứa không có nước thì chỉ cấy được một vụ. Mùa hè miền trung rất khô, có năm nắng thiêu cháy hết lá cây. Còn khi lụt thì lại “lụt bự quá”. Có năm làm đất sẵn rồi, nhưng trời không mưa nên vụ hè thu bị đổ bể. Còn có khi tháng 9-10 lại mưa quá to, ngập lụt hết cả một vùng, cũng nhìn đất mà lắc đầu. Gia đình nào có đất vườn thì trồng được thêm vụ đậu, nhưng nhà chị thì không có, chỉ có ruộng với mảnh đất đủ xây cái nhà và mảnh sân con.
Có lần chị định buôn bán ở quê nhưng ế quá. Nhà bà chị làm bánh hỏi bán mà mỗi ngày chỉ bán được có 3 kg. “Ở quê ai cũng nghèo, mấy ai mua nhiều đâu bán”, chị bảo.
Mấy năm trước anh chị thử nuôi heo nái. Nuôi tới 4 con heo nái. Một con thì bị ốm chết. Chỉ có 2 con sinh con, sau gần một năm bán đi cả bầy đều bị lỗ. Vì tiền cám và tiền heo vốn đã bằng tiền bán heo, tính ra lỗ công nuôi và rau rợ củi lửa cả năm trời.
Chị bàn với chồng nuôi thêm đàn gà mấy chục con. Năm 2015 nó bị dịch cúm vào tháng 7 nóng nhất. Chết gần hết. Từ đó, anh bảo chỉ nuôi vài con để ăn. Nuôi chó thì chó bị trộm. Cuối cùng, anh chốt: “Mệt. Không có nuôi con gì hết”.
Chồng chị 51 tuổi, ở nhà coi lúa làm ruộng. Anh bị huyết áp và yếu, không làm nổi việc nặng. Anh phải ở nhà trông mẹ và hai đứa con cho chị yên tâm đi bán đến khi hai thằng học xong.
Thằng nhỏ lớp 8, thằng lớn lớp 12. Nhà có mình chị làm ra tiền, làm được bao nhiêu phải gửi bấy nhiêu, tháng năm trăm tháng một triệu, gửi vào tài khoản ở Ngân hàng Nông nghiệp phòng giao dịch xã.
Chị Nhung bảo không phải chị muốn bán rong. Hồi 15 tuổi ở quê chị đã đi làm thuê làm mướn, bắt cua bắt ốc đem chợ bán. Nhà đông con quá không đủ ăn. Bắt hoài bán hoài vẫn không được bao nhiêu nên mới theo bà con vô Sài Gòn. Vào Sài Gòn năm đầu tiên chị đã đi rửa chén thuê cho quán cơm, rồi đi ở cho nhà người ta. Buổi tối ngủ ở quán cơm, chỗ ngủ chật quá. Chủ lại khó quá, la hoài. Giờ nói đến “đi ở” chị vẫn sợ.
Cửa hàng được gói trong chiếc quang gánh của chị Quyên.
Báo cáo phát triển Việt Nam của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2016 cho thấy xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng mạnh. Ở thời điểm World Bank thực hiện điều tra, thì đến 20% số hộ cho biết có ít nhất một thành viên di cư.
47% trong số họ đến các trung tâm lớn như Hà Nội và TP HCM, 10% ra nước ngoài và phần còn lại đến các tỉnh khác, chủ yếu để tìm cơ hội kinh tế. Tỷ lệ di cư nội địa ở Việt Nam là “khá cao”, theo nhận xét của World Bank.
Trong bối cảnh đó, chính sách vĩ mô quan trọng nhất mà chị Quyên, chị Nhung và chị Hiệp được tiếp cận năm 2017, là “chiến dịch dẹp vỉa hè”. Tình trạng thiếu cân bằng và quá tải tại các đô thị lớn được lựa chọn giải quyết ngay từ phần ngọn, bằng việc ngăn chặn sinh kế của những người di cư này.
Nhưng bất chấp các đợt ra quân hùng hậu, những người “ngoan cố” này tuyên bố sẽ cương quyết bám trụ. “Ngoài làm ruộng thì chỉ biết đi Sài Gòn thôi chứ làm gì”, chị Nhung kết luận.
Những ngày mưa rét mướt, gánh trứng vịt lộn ế. Quyên nản, thêm đau khớp, đau vai nhưng chị không dám nghỉ ngày nào. Vợ chồng chị phải lo hơn 100 triệu chi phí cho cậu con trai đầu đi Nhật Bản làm việc theo hệ thực tập sinh. Chị nhẩm tính, “Nó sang bên đó còn phải học tiếng mấy năm. Số tiền nợ ngân hàng, vợ chồng cứ tích cóp dần mà trả”.
Mấy năm nay, hàng rong khu phố cổ cũng nhiều lên. Trước mỗi ngày, Quyên bán được hơn trăm quả trứng vịt lộn lẫn trứng gà rán ngải cứu, giờ có khi chỉ còn già nửa. Cậu em bán phở ở Trương Định khuyên chị chuyển “địa bàn” xuống đó, ít gánh hàng rong dễ bán hơn. Quyên muốn đi nhưng chồng không đồng ý. Anh bảo xe ôm quen đường quen xá, đến nơi mới dễ bị bắt nạt. Vợ chồng lại tiếp tục sống bám vỉa hè khu phố cổ.
“Cũng chẳng tính được là bao giờ bỏ phố mà về quê. Thôi thì cứ buôn bán thế, người ta đuổi thì đi, người ta đi thì mình quay lại”, chị thật thà.
Những câu hỏi về việc đầu tư cho nông thôn đã liên tục được đặt ra trong các thập kỷ qua. Giáo sư Vương Đình Huệ, trong một bài viết năm 2013, khi còn là Trưởng ban kinh tế Trung ương, khẳng định rằng nguồn lực đầu tư “chỉ đáp ứng được 55-60% yêu cầu”.
Mong ước trở về quê của những người như chị Quyên, chị Hiệp sẽ chỉ dừng lại trong tưởng tượng. Cơ hội ở quê đang ít dần đi. Tốc độ tăng năng suất lao động trong nông nghiệp giảm từ 5,7%/năm giai đoạn 1991-1995 xuống chỉ còn 3,51%/năm giai đoạn 2006-2010.
Biết bao giấc ngủ trên nền phòng trọ ở quận 4, chị Hiệp mơ thấy tán cây me cổ thụ trước sân nhà ở Quảng Ngãi. “Cây me lớn lắm, mấy chục năm rồi, bà già chồng trồng từ hồi trẻ”. Tán nó vỗ về cả khoảng sân đất của ngôi nhà mái ngói đã chuyển màu đen xỉn. Ngôi nhà có chồng chị và ba đứa con.
Mỗi lần chị về, ba đứa trẻ đợi sẵn ở đó. Đêm nào cũng xảy ra cãi lộn vì vụ nằm cạnh mẹ. Cuối cùng, hai đứa ôm hai cái chân chị ngủ. 20 năm qua, chuyến xe đò nào chở chị Hiệp đi khỏi Sài Gòn về Quảng Ngãi, rồi lại đi từ Quảng Ngãi ra Sài Gòn, đều xuất phát lúc 2h chiều.
Lúc đó, anh Được áo sơ mi nhăn nhúm, đội nón bảo hiểm, ngồi trên xe máy đợi. Chị leo lên yên xe sau lưng chồng mà mắt vẫn nhìn dáo dác ngôi nhà ba gian với căn bếp sắp sụp bên hông. Quan trọng nhất, là đã thoát con bé Xí. Con bé 6 tuổi khi nào cũng la hét tới kiệt sức khi biết mẹ sắp “đi Sì Gòn”. Thằng anh với con chị trước đó tìm mọi cách để “bế Xí đi mua kẹo, mua bim”.
Câu đầu tiên chúng hỏi, lần nào mẹ gọi điện, cũng là: “Bao giờ mẹ về?”.
Bài: Hoàng Phương – Hồng Phúc – Đức HoàngẢnh: Cường Đỗ Mạnh – Thành NguyễnĐồ họa: Tiến Thành
Theo Vnexpress