Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà chiều 30 Tết: Tướng công an giải thích lý do khen thưởng ban chuyên án

Sát hại nữ sinh giao gà

Trước những ý kiến băn khoăn của nhiều người về việc khen thưởng cho ban chuyên án vụ nữ sinh Điện Biên bị sát hại hôm 30 Tết, Thiếu tướng Lê Văn Cương có những phân tích lý giải việc này.

Ngày 18/2, sau khi khởi tố, bắt giam 5 bị can, kết thúc chuyên án điều tra vụ nữ sinh bị sát hại khi phụ giúp gia đình đi giao gà chiều 30 Tết, Công an tỉnh Điên Biên đã tổ chức họp báo thông tin về vụ án và tổ chức khen thưởng ban chuyên án cùng các tập thể, cá nhân có thành tích trong điều tra.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận xét việc khen thưởng này là chưa thỏa đáng khi cho rằng thời gian điều tra vụ án kéo dài, nhiều vật chứng cũng như thi thể nạn nhân đều được người dân phát hiện, hay công tác khám nghiệm tử thi diễn ra chưa kỹ càng dẫn đến việc phải khai quật tử thi nạn nhân để khám nghiệm lại.

Trả lời VTC News về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, mỗi sự kiện có những cách tiếp cận, đánh giá nhiều chiều khác nhau, ý kiến cho rằng việc khen thưởng là chưa nên cũng là một cách tiếp cận. Tuy nhiên, ở góc độ tiếp cận khác, việc khen thưởng là cần thiết.

Sát hại nữ sinh giao gà
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an).

Theo tướng Cương, trong vụ án này, sự việc đã xảy ra rồi, trong một thời gian ngắn, lực lượng công an đã tìm ra nghi phạm. Điều đó cho thấy cán bộ trinh sát, công an đã làm việc hết mình.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, để phá án, các cán bộ trinh sát phải nắm chắc địa bàn.

Bên cạnh đó là sự lăn lộn, hóa trang, tìm từng vết tích nhỏ nhất mới có thể tìm ra được manh mối vụ án. Những chuyện như vậy đều đòi hỏi sự tận tâm và trình độ chuyên môn giỏi.

Tất cả các vụ án đều phải dựa vào dân chứ không riêng vụ này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

“Làm án thế này cũng phải như làm việc nhà của mình. Phải làm việc suốt ngày đêm thì mới ra được, chứ không phải việc hành chính theo kiểu 7-8h sáng đến cơ quan, 11h về nhà ăn cơm rồi 2h chiều đến cơ quan đến 5h chiều về… Không có chuyện như vậy, làm án không làm thế, phải làm việc không kể giờ giấc thì mới ra được.

Nếu hiểu theo góc độ như vậy thì việc khen thưởng là cần thiết. Bởi vì người ta đã lăn lộn đến thế, người ta đã xem đó như là việc của nhà mình.

Ban chuyên án này chắc chắn là không có giờ nghỉ, chứ không phải làm hành chính, ngồi trong phòng điều hòa. Những cán bộ sĩ quan, công an trinh sát này cũng phải làm việc suốt ngày đêm, cho nên việc khen thưởng này là cần thiết”, tướng Cương nhấn mạnh.

Về ý kiến cho rằng những vật chứng hay thi thể nạn nhân đều do người dân phát hiện ra rồi báo cho công an biết, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng việc này không chỉ là việc của cơ quan công an.

“Vụ việc xảy ra trong rừng, trong cánh đồng, trong làng…, người dân biết thì công an phải dựa vào dân và người dân tin tưởng công an nên mới báo.

Công an của ta là gắn với dân nên mới gọi là Công an nhân dân.

Cụ Hồ từng nói rằng một triệu người tài, một triệu con mắt của người dân thì phải hơn lực lượng công an chứ, không dựa vào người dân làm sao được. Tất cả các vụ án đều như vậy chứ không riêng vụ án này”, tướng Cương nói.

Sát hại nữ sinh giao gà
UBND tỉnh Điện Biên trao thưởng cho ban chuyên án.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, ở đây một mặt là công an, một mặt là người dân. Công an trên thế giới không được như vậy.

“Cảnh sát Pháp không có cảnh sát nhân dân, cảnh sát Mỹ không có cảnh sát nhân dân, Nhật Bản, Thái Lan không có. Ngày 17/8/2015, một vụ khủng bố ngay giữa Thủ đô Băng Cốc mà đến giờ an ninh, cảnh sát Thái Lan đã tìm ra đâu”, tướng Cương nêu ví dụ.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, cần phân tích rằng từ một sự kiện nhưng có những cách tiếp cận khác nhau, và ở đây, vì người ta không hiểu được thực chất, người ta chỉ nhìn một phía nên mới thấy việc khen thưởng là không thỏa đáng.

“Vụ án ở Điện Biên thể hiện quyết tâm làm đến cùng khi tìm ra nghi phạm trong thời gian vài ngày như vậy. Người ta coi việc không tìm ra là lẽ sống như vậy thì việc khen thưởng là đúng”, tướng Cương một lần nữa khẳng định.

Cũng liên quan đến sự việc này, chia sẻ với VTC News, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng đồng ý với việc khen thưởng thưởng ban chuyên án trong vụ án nữ sinh bị sát hại dịp Tết.

“Theo tôi, thực ra ban chuyên án điều tra họ có thành tích thì họ mới đề nghị khen thưởng, nếu thành tích không xứng đáng thì họ cũng không đề nghị cũng như khen thưởng.

Chỉ có người trong cuộc họ mới hiểu được vất vả của anh em trong quá trình làm án. Theo quan điểm của tôi, trong quá trình đấy người ta cũng đã phải suy nghĩ rất kỹ rồi mới đề xuất vì việc khen thưởng bây giờ đã làm rất chặt chẽ rồi”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.

Chiều 18/2, Công an tỉnh Điện Biên tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả điều tra vụ nữ sinh đi giao gà bị sát hại ở Điện Biên.

Kết thúc chuyên án 219D, UBND tỉnh Điện Biên tặng bằng khen cho 2 tập thể (Phòng Trọng án Cục hình sự Bộ Công an và Công an huyện Điện Biên), 14 cá nhân thuộc Công an tỉnh Điện Biên và Bộ Công an; thưởng tiền mỗi tập thể gần 3 triệu đồng, mỗi cá nhân hơn 1 triệu đồng.

Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cũng tặng giấy khen cho 48 cá nhân có thành tích trong đấu tranh chuyên án.

Theo VTC

Link 

 

 

 

 

 

Exit mobile version