“Hãy thử chỉ cho tôi một gã trai ở bất cứ độ tuổi nào ở bất cứ đâu trên thế giới mà không sẵn sàng xin chết để được trở thành Hugh Hefner”, nghệ sĩ rock Gene Simmons từng nói.
Câu nói trên được đưa vào bộ phim tài liệu Hugh Hefner: Playboy, Activist, and Rebel (Hugh Hefner: Tay chơi, nhà hoạt động xã hội và kẻ nổi loạn), có lẽ đã khái quát chính xác nhất cuộc đời của ông trùm Playboy.
Mà không chỉ là Hugh Hefnet thời trẻ, Simmons – linh hồn của ban nhạc rock Kiss – còn khẳng định mọi đàn ông trên thế giới muốn được là Hugh Hefner khi ông 20, 50 hay 80 tuổi. Không quan trọng, chỉ cần được là ông thôi.
23 tuổi vỡ tim vì một người đàn bà, phần đời còn lại vui thú với cả nghìn đàn bà
Nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert từng viết, cũng năm 2010: “Ông ta (Hefner) đã trải qua số lượng cơn cực khoái với số lượng phụ nữ nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào từng sống trên Trái Đất”.
Năm 2013, Hefner nói với tạp chí Esquire rằng ông đã ngủ với “hơn 1.000 phụ nữ, tôi không thể nhớ chính xác được”. Ông tự nhận nếu đang có vợ thì sẽ chung thủy (ông chỉ lấy 3 vợ), còn khi ông đang độc thân thì không có một giới hạn nào.
Nhưng Hefner cũng tự nhận mình là một người lãng mạn. Tại sao ông chọn cuộc đời này?
Cuộc đời Hugh Hefner, qua một bức ảnh.
Năm 2010, ông trùm Playboy tiếp John Heilpern, cây bút của Vanity Fair, tại nhà riêng. Bên bàn ăn tối mang phong cách quý tộc, trong cuộc trò chuyện mang tính bè bạn giữa những người đàn ông, Hefner đã thú nhận về ký ức hủy diệt nhất cuộc đời ông.
“Đó là người phụ nữ đầu tiên mà tôi kết hôn”, ông nói về Mildred William, mối tình từ thời sinh viên ở Đại học Northwestern. “Tôi vẫn còn ngây thơ. Thế rồi cô ta thú nhận trước đám cưới rằng cô ta đã dan díu với người khác khi tôi còn ở trong quân ngũ, đó là giây phút đau khổ nhất đời tôi”.
“Nó phá hủy cuộc hôn nhân của tôi từ lúc bắt đầu (năm 1949, khi ông mới 23 tuổi). Nhưng nó cũng cho phép tôi sống phần đời còn lại như tôi đã sống”, ông giải thích.
Và Hefner bước ra khỏi cuộc hôn nhân vào năm 1959, làm đúng điều ông mong muốn: sống cuộc đời như một thế giới thần tiên với tất thảy đàn ông trên thế giới, vượt ra ngoài mọi tưởng tượng và giới hạn của con người.
“Thế lực văn minh hùng mạnh nhất trên thế giới không phải là tôn giáo, đó là tình dục” là tuyên ngôn của Playboy, được chứng minh bằng cuộc đời của nhà sáng lập. Nếu có ai đủ tư cách nhất để bàn về tình dục trên hành tinh này thì đó phải là Hefner.
“Tôi nhìn thấy một sự điên loạn trong thái độ nghiêm khắc của chúng ta về tình dục”, ông nói với Vanity Fair . “Và có một số đông người thuộc thế hệ sau cũng có suy nghĩ như tôi. Là một tín hữu Giám lý điển hình, thời bé tôi luôn cảm thấy thiếu thốn tình yêu và cảm xúc trong ngôi nhà của mình. Khi lớn lên, đó là ngọn lửa dẫn đường cho cuộc đời tôi. Nhu cầu được yêu”.
Đàn ông nào thì đọc Playboy?
“What kind of man reads Playboy?” (Loại đàn ông nào thì đọc Playboy?) là câu khẩu hiệu tiếp thị nổi tiếng của tờ tạp chí. Câu trả lời là: Tất thảy.
Trên số đầu tiên của Playboy vào tháng 12/1953, đăng ảnh khỏa thân của một nàng Marilyn Monroe chưa nổi tiếng, Hefner còn không đề ngày ra báo. Vì ông không chắc tạp chí sẽ ra được số thứ hai. Nói gì đến việc vẫn tồn tại và hùng mạnh suốt 64 năm sau đó. Nhưng số đầu tiên đã bạn được 54.000 bản.
Và trong thư ngỏ khởi đầu cho tờ tạp chí lừng danh, Hefner viết về gu của đàn ông: “Chúng tôi thích pha chế cocktail và làm một món khai vị, hoặc hai, bật một đĩa hát sâu lắng, mời vài cô bạn gái qua chơi và chuyện trò thủ thỉ về Picasso, Nietzsche, nhạc Jazz, và tình dục”.
Rất tao nhã, kể cả hai chữ cuối cùng.
Hugh Hefner ở thập niên 1960, khi Playboy đang vào thời hùng mạnh.
Playboy không đơn thuần là tạp chí khiêu dâm như người ta vẫn nói. Những người đàn ông đọc Playboy vẫn tự hào rằng trong tờ tạp chí với trang bìa luôn là một cô nàng nóng bỏng này, có cả thế giới. Là chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, thể thao, văn chương.
Đây là nơi các tiểu thuyết của Ray Bradbury, John Updike, Ian Fleming, Gabriel Garcia Marquez, Margaret Atwood, Jack Kerouac và Haruki Murakami từng được đăng tải dài kỳ.
Đặc biệt, mục phỏng vấn của Playboy mang tên “Playboy Interview” là nơi hội tụ những tên tuổi lớn nhất của các thời đại. Bắt đầu từ năm 1962, với bài phỏng vấn huyền thoại nhạc Jazz Miles Davis của cây bút lâu năm Alex Haley, mục phỏng vấn này đã đưa độc giả đến gần hơn với những nhân vật quan trọng của nền văn hóa và lịch sử như Malcolm X (1963), Martin Luther King (1965) và thậm chí George Lincoln Rockwell (1966) – nhà sáng lập của Đảng Phát xít Mỹ.
Theo Vanity Fair, chính tầm nhìn đi trước thời đại của nhà sáng lập đại tài này đã đưa phong cách sống mà Playboy quảng bá trở thành một khát vọng của công chúng, đặc biệt là công chúng nam giới. Và Hefner đã sống cả cuộc đời mình như một biểu tượng cho phong cách đó.
Hefner năm 1956, đang ngồi chọn ảnh cho một số của tạp chí Playboy.
Không giống như thời hiện đại, thường có sự tách biệt giữa các gương mặt thương hiệu và những bộ óc đằng sau thương hiệu đó, Hugh Hefner với Playboy là một. Ông là gương măt đại diện cho thương hiệu Playboy, đồng thời là khối óc, trái tim, bàn tay, và cả một số bộ phận khác nữa.
Vào năm 1975, tờ tạp chí lên đến đỉnh cao về phát hành khi đạt 5,6 triệu bản mỗi số. Đến tận hôm nay, khi báo và tạp chí in suy yếu, Playboy vẫn phát hành ở 20 quốc gia và có doanh thu 1 tỷ USD mỗi năm.
Hefner đã sáng lập ra cái gọi là “Triết học Playboy” và biến chính mình thành hiện thân của nó. Không chỉ đơn giản là khiêu dâm, đây là thứ triết học về giải phóng tự do cá nhân, đấu tranh vì các quyền lợi xã hội của con người như quyền công dân, quyền tự do giới tính và tự do tình dục.
Nhưng triết học đôi khi cũng là mớ rối rắm, và Hefner, như những con người bình thường khác, tồn tại mâu thuẫn bên trong mình. Ông đấu tranh cho bình đẳng giới, từng tự nhận mình là một nhà nữ quyền, nhưng cả tờ tạp chí lẫn ông đều từng bị “kết tội” sử dụng thân thể phụ nữ như công cụ, ngay từ việc “lột trần” họ để chụp ảnh.
Về lời kết tội này, chính Hefner cũng từng thừa nhận với Vanity Fair năm 2010: “Ờ thì, họ là công cụ mà”.
Bách khoa thư sống về đàn bà: Marilyn Monroe và Pamela Anderson, ai hơn?
“Họ là công cụ mà”, câu nói này có thể khiến các nhà nữ quyền phát điên. Nhưng trong 91 năm trên đời, Hefner đã sống với hai bộ mặt song song: một bên là nhà hoạt động xã hội vì quyền con người, nhà cách mạng và một bên là kẻ “xài” phụ nữ như phá, kẻ coi phụ nữ như đồ chơi hay… nội thất tô điểm cho ngôi biệt thự nguy nga Playboy Mansion của mình.
Chương trình truyền hình The Girls Next Door, hay còn gọi là The Girls of the Playboy Mansion, được coi như một chương trình nhằm tuyển chọn phụ nữ cho “hậu cung” đông đúc của ông trùm Playboy.
Những cô gái được Hefner cưng chiều nhất được ưu ái làm show riêng về cuộc sống của họ, như show Kendra và Kendra on Top (của Kendra Baskett), Bridget’s Sexiest Beaches (của Bridget Marquardt) và Holly’s World (củaHolly Madison).
“Bộ sưu tập” các nàng thỏ Bunny của Hefner từ thập niên 1960.
Cả ba cô gái đều từng là bạn gái của Hefner. Và độ tuổi của họ thay đổi theo thời gian: Kendra năm nay 32, Holly 37, Bridget 43. Họ từng được Hefner sủng ái, nhưng rồi bị thay thế bởi cặp song sinh trẻ trung Karissa và Kristina Shannon (năm đó 20 tuổi, nay thì 27).
Nhưng cặp song sinh cũng bị đá sớm, thế chỗ là Crystal Harris (năm nay 31), cô bạn gái ghê gớm từng hủy hôn với Hefner rồi kết hôn vào năm 2012, đổi họ thành bà Hefner. Crystal kém chồng 60 tuổi.
Nếu ai đó muốn tìm ví dụ cho sự bất bình đẳng giới đến lố lăng, thì hẳn là đây: qua 64 năm, ông trùm Playboy từ người đàn ông cường tráng trở thành ông lão nhàu nhĩ, nhưng những người phụ nữ vây quanh ông vẫn trẻ như 64 năm trước. Nói chính xác, họ được đào thải và thay thế, để giữ nguyên một bầu không khí thanh xuân xung quanh Hefner.
Và tóc họ bắt buộc phải vàng hoe, màu sắc mà ông trùm Playboy bị ám ảnh suốt cuộc đời. Suốt từ thập niên 1950, sang thập niên 2010, cả khi bên giường hấp hối.
Marilyn Monroe – người đẹp tóc vàng vĩnh cửu và bức ảnh trứ danh trên Playboy số đầu tiên năm 1953.
Biểu tượng vàng hoe của nền văn hóa Mỹ là Marilyn Monroe tất nhiên không thể tuột khỏi tâm trí Hefner. Chỉ tiếc rằng ông không có mối quan hệ thực sự với nàng.
“Tôi mê mệt các người đẹp tóc vàng và Marilyn là người đẹp tóc vàng vĩnh cửu”, ông nói với CBS năm 2012. Ông ước gì từng có thể hẹn hò hoặc yêu Marilyn, nhưng bức ảnh lên bìa Playboy năm 1953 không do tờ tạp chí trực tiếp thực hiện, mà đã được Marilyn chụp trước đó cho một bộ lịch. Trước khi họ kịp gặp nhau để có vài kỷ niệm thực tế thì Marilyn đã qua đời.
Và 64 năm đã qua từ khi tạp chí Playboy số đầu tiên xuất bản với một Marilyn Monroe táo báo trên tấm nệm nhung đỏ. Biết bao người đẹp tóc vàng đã đến và đi. Họ thay đổi thế nào qua từng thời đại? Hỏi Hefner thì biết.
“Các cô gái trẻ ngày càng cao hơn và khỏe mạnh hơn. Họ chăm sóc bản thân tốt hơn. Playboy ngay từ thuở ban đầu đã hướng đến hình tượng cô gái nhà bên, và tiêu chí về vẻ đẹp tự nhiên không hề thay đổi” – ông nói.
“Vậy đống silicon đó thì tự nhiên ở chỗ nào?”, Heilpern của Vanity Fair hỏi.
“Ồ, đống silicon thì rõ ràng là không tự nhiên lắm. Nhưng sự khác biệt thực sự giữa Marilyn Monroe và Pamela Anderson không đến nỗi lớn”, Hefner đáp.
“Một người dễ tổn thương hơn”, Heilpern nói.
“Và cũng tài năng hơn”, Hefner tiếp lời.
Với Playboy, Pamela Anderson đã trở thành “quả bom sex”.
Tất nhiên họ nói về Marilyn. Còn Pamela Anderson là người đẹp tóc vàng điển hình của thế hệ sau, thân hình căng tràn silicon. Cả hai được coi là những ngôi sao lớn nhất từng được Hefner giới thiệu với thế giới, thông qua Playboy.
Khác với Marilyn, Pamela có đầy ắp kỷ niệm với Hefner, trong đó có bữa tiệc sinh nhật khét tiếng năm 2008, khi Pamela nude bê chiếc bánh sinh nhật ra trước mặt Hefner và đặt một nụ hôn lên má ông.
Marilyn đi vào cõi vĩnh hằng cách đây 55 năm. Về phần mình, Hugh Hefner đã đặt một hầm mộ nằm sát Monroe tại Công viên Tưởng niệm Westwood Village. Cuối cùng họ cũng về bên nhau.
Theo Zing