Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Phạt học sinh quỳ trong lớp, cô giáo vi phạm gì?

Cô Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trong lớp học.

Sự việc cô giáo ở Thường Tín phạt 2 học sinh quỳ trong lớp đang gây nhiều ý kiến dư luận trái chiều. Trong khi một số người cho rằng thời xưa thầy đồ vẫn phạt quỳ gối là bình thường thì số khác lại khẳng định quy định của Bộ GD&ĐT không có hình thức phạt này.

Ngày 10/5, mạng xã hội lan truyền hình ảnh học sinh ở Thường Tín (Hà Nội) quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm đơn kiến nghị của phụ huynh.

Theo đơn phản ánh, cô Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) đã phạt 2 học sinh vi phạm quy định của lớp bằng hình thức quỳ gối trên bục giảng. Một học sinh không chấp nhận quỳ nên đã bị đuổi ra khỏi lớp.

Để tìm hiểu quy định hiện hành về các hình thức kỷ luật trong giáo dục, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi ngắn với luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Truyền cho hay, hiện nay việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh bao gồm: Khiển trách trước lớp, Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, Cảnh cáo trước toàn trường, Đuổi học một tuần lễ và Đuổi học 1 năm.

Trong 5 hình thức kỷ luật nói trên thì chỉ có hình thức Khiển trách trước lớp là thuộc thẩm quyền của giáo viên, 4 hình thức kỷ luật còn lại do Hội đồng kỉ luật nhà trường xét đề nghị, Hiệu trưởng quyết định và thực hiện.

Như vậy trong các hình thức kỷ luật học sinh không có hình thức nào là bắt quỳ hay đuổi ra khỏi lớp. Việc buộc học sinh không được tiếp tục theo học phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền thực hiện (Hiệu trưởng) theo quy định của Thông tư trên.

Khi được nêu câu hỏi liệu hành vi này đã đủ xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự hay chưa, luật sư Truyền cho biết, khó xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác”, vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 11/5, ông Phạm Như Ý – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín – thông tin đã đình chỉ công tác cô Lê Thị Quy một tuần. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo làm rõ vụ việc này.

Bình luận về ý kiến cho rằng, trong nền giáo dục thời xưa, thầy đồ vẫn phạt quỳ các môn sinh là bình thường, luật sư Truyền nêu quan điểm: “Mỗi con người từ lúc sinh ra đến lúc già đi, đều chịu ảnh hưởng của một môi trường giáo dục nhất định. Môi trường đó không đơn thuần là môi trường giáo dục mà còn là không gian văn hóa được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Sự phát triển, thay đổi là tất yếu nhưng vẫn phải có một độ trễ nhất định để tạo điều kiện tối đa cho sự phù hợp.

Kỷ luật tạo nên sức mạnh, nhưng theo tôi, nếu chỉ là những vi phạm nhỏ chưa đến mức phải lập tức xử lý theo quy phạm pháp luật thì việc có những hình thức xử lý khác phù hợp và được sự đồng thuận của những đối tượng trong môi trường đó nhiều khi lại có tác dụng hơn bất kỳ quy định pháp luật khô cứng nào đang hiện hành”.

“Cụ thể, ở đây nếu học sinh có những vi phạm chưa đến mức độ phải xử lý kỷ luật theo 5 hình thức quy định tại Thông tư 08 nói trên thì giáo viên vẫn có thể xử lý bằng một số hình phạt khác nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tái phạm.

Vấn đề ở chỗ những hình phạt đó (ví dụ đứng góc lớp, buộc ra khỏi lớp…) phải được xác lập bởi những cam kết, thỏa thuận riêng  (giữa gia đình, nhà trường, ban phụ huynh…) và phải được công nhận trong hệ thống, được áp dụng một cách minh bạch, công khai bảo đảm cho sự tuân thủ thực thi một cách cao nhất” – ông Truyền nói.

>>Hà Nội: Phụ huynh phản ứng vì cô giáo bắt nam sinh lớp 9 quỳ gối ngay trong lớp học

Theo Afamily

Link

Exit mobile version